Nguy cơ suy thoái kinh tế bủa vây Tổng thống Trump trước thềm bầu cử
Kinh tế Mỹ đảo chiều có thể ảnh hưởng đến nỗ lực tái đắc cử của Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Tổng thống Donald Trump hôm 15/8 cảnh báo Mỹ sẽ đối mặt với sự sụp đổ kinh tế nếu ông thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Do vậy, Trump lập luận rằng mọi cử tri Mỹ cần bỏ phiếu cho ông vì nền kinh tế vững mạnh của đất nước và tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp gần kỷ lục mà ông đã tạo ra.
Tuy nhiên, trong thâm tâm, Trump dường như đang ngày càng lo lắng rằng nền kinh tế Mỹ sẽ không còn tốt như hiện nay vào thời điểm cuộc bầu cử tổng thống diễn ra.
Tuần trước, các thị trường tài chính đã phát đi tín hiệu cảnh báo nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ, khiến nỗi bất an ập đến giới đầu tư, công ty và người tiêu dùng. Nỗi lo đó càng chồng chất thêm với những quan ngại khác về vòng áp thuế 10% của Trump nhằm vào hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9, cho đến các thông báo mới đây từ Anh và Đức cho biết nền kinh tế của họ đang suy giảm.
Dù kịch bản suy thoái kinh tế Mỹ trước thềm bầu cử tổng thống năm 2020 không chắc chắn diễn ra, sự sụt giảm tăng trưởng của kinh tế Mỹ sẽ là đòn giáng nặng nề cho Trump, người đang sử dụng sức mạnh của nền kinh tế như luận điểm trọng tâm để kêu gọi cử tri ủng hộ ông trong nhiệm kỳ hai.
Đội ngũ cố vấn của Trump lo sợ nền kinh tế suy yếu sẽ làm ông mất điểm ở nhóm cử tri độc lập và cử tri ôn hòa thuộc đảng Cộng hòa, những người trước đây sẵn sàng bỏ qua những lời lẽ và chính sách bị coi là "gây kích động" của ông. Các cố vấn kinh tế Nhà Trắng nhận thấy có rất ít phương án đảo ngược xu thế một khi nền kinh tế Mỹ bắt đầu trượt dốc.
Vì lo ngại kinh tế suy thoái, Trump nhiều lần đổ lỗi cho các bên khác, đặc biệt là Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome H. Powell, người đang bị Trump thúc ép giảm thêm lãi suất. Tuy nhiên, chuyên gia nhận định phần lớn cơn bất ổn của thị trường bắt nguồn từ việc Trump leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc cũng như tình trạng suy yếu của một số nền kinh tế lớn trên thế giới.
Nhiều cố vấn thân cận nhất của Trump đã hối thúc ông hạ nhiệt chiến tranh thương mại vì e sợ rằng áp thêm thuế với hàng hóa Trung Quốc sẽ gây tổn thương cho người tiêu dùng Mỹ và khiến các thị trường hỗn loạn hơn. Tuần trước, Trump quyết định nghe theo lời khuyên của họ khi thông báo lùi ngày áp thuế đối với nhiều mặt hàng tiêu dùng Trung Quốc trong một nỗ lực bảo vệ doanh thu mùa mua sắm Giáng sinh.
Các trợ lý của Trump thừa nhận vẫn chưa rõ những bước đi tiếp theo mà Nhà Trắng có thể tiến hành để chặn đứng nguy cơ suy giảm kinh tế. Gói cắt giảm thuế năm 2017 bị coi là chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người giàu nên không được ủng hộ rộng rãi về mặt chính trị, đến mức nhiều ứng cử viên đảng Cộng hòa tránh đề cập đến nó trong cuộc vận động bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ hồi năm ngoái.
Nếu tung ra một gói kích cầu kinh tế mới, Trump có thể vấp phải sự phản đối ngay ở nội bộ đảng Cộng hòa vì nó sẽ dẫn đến mức thâm hụt ngân sách lớn.
Giờ đây, các quan chức Nhà Trắng chỉ còn hy vọng rằng một sự kết hợp giữa đà tăng lương của người lao động và sức chi tiêu vững mạnh của người tiêu dùng sẽ nâng đỡ sức tăng trưởng kinh tế Mỹ xuyên suốt năm 2020. Tuy nhiên, Trump biết rằng số phận chính trị của ông phụ thuộc rất lớn vào niềm tin của các cử tri rằng chỉ có ông mới là nhà lãnh đạo có thể kéo dài thêm đà tăng trưởng kinh tế đã diễn ra hơn một thập kỷ của nước Mỹ.
"Bạn không có sự lựa chọn nào ngoài việc bỏ phiếu cho tôi vì quỹ hưu trí 401(k) của bạn, nếu không, mọi thứ sẽ sụp đổ hoàn toàn. Dù bạn thích hay ghét tôi, bạn phải bỏ phiếu cho tôi", Trump hô hào tại cuộc tiếp xúc cử tri ở bang New Hampshire hôm 15/8.
Trump tuần trước dành nhiều thời gian ở câu lạc bộ golf của ông tại bang New Jersey để gọi điện cho những người thân tín cùng các lãnh đạo doanh nghiệp nhằm dò hỏi đánh giá của họ về mức độ biến động quá lớn trên các thị trường tài chính.
Trump cũng nghi ngờ về một số chỉ số kinh tế yếu ớt và tự hỏi liệu có phải truyền thông và những kẻ có thế lực đang thao túng dữ liệu để hạ thấp uy tín của ông, theo hai thành viên đảng Cộng hòa thân cận với Nhà Trắng. Sự ngờ vực của Trump được củng cố vì các quan chức Nhà Trắng từ lâu có xu hướng chỉ trình lên cho Tổng thống những báo cáo thẩm định kinh tế tươi sáng.
Giữa lúc thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo trong tuần trước, Trump đã lên Twitter để bảo vệ thành tích kinh tế của mình. Ông chỉ trích Fed không cắt giảm lãi suất sâu hơn vì cho rằng giảm mạnh lãi suất sẽ giúp gia tăng hoạt động cho vay trong nền kinh tế và giúp đồng USD cạnh tranh hơn so với các ngoại tệ khác. Trump cũng đề cao sức mạnh chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ sau khi Bộ Thương mại ghi nhận tổng doanh thu bán lẻ trong tháng 7 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, việc ông tập trung công kích Fed có thể phản tác dụng. Cuối tháng trước, Fed đồng ý hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2008, một bước đi để bảo vệ nền kinh tế, chống lại tình trạng bất ổn thương mại. Tuy nhiên, người tiêu dùng xem đây như một động thái phòng ngừa nguy cơ suy giảm kinh tế hơn là một nỗ lực để duy trì đà tăng trưởng, theo cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng do Đại học Michigan thực hiện và công bố hôm 16/8.
Báo cáo này chỉ ra rằng niềm tin người tiêu dùng Mỹ giảm 6,4% kể từ tháng 7. Tâm lý bi quan có thể tồi tệ hơn nếu Fed quyết định hạ sâu lãi suất đúng theo mong muốn của Trump.
"Cắt giảm thêm lãi suất sẽ làm gia tăng tâm lý hoảng sợ của người tiêu dùng về nguy cơ suy thoái", Richard Curtin, giám đốc cuộc khảo sát, cho hay.
Các thị trường tài chính Mỹ hôm 14/8 phát đi tín hiệu cảnh báo kinh tế suy thoái khi lãi suất của trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rơi xuống mức thấp hơn lãi suất của trái phiếu kỳ hạn hai năm. Diễn biến này thường là dấu hiệu của một đợt suy thoái sắp xảy ra với nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao Nhà Trắng trấn an rằng chỉ báo này đã mất sức mạnh dự báo vì các mức lãi suất thấp cùng những chính sách khác của các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới.
Song mức lãi suất suy giảm của trái phiếu chính phủ Mỹ cho thấy đồng hồ đếm ngược suy thoái bắt đầu điểm, Scott Anderson, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Bank of the West, nhận định. Khó khăn duy nhất là chỉ ra khi nào chuông báo động reo lên. "Tôi nghĩ chúng ta đang hướng đến con đường dẫn tới suy thoái. Chúng ta đang trong hành trình hướng đến một kết cục không thể tránh được", Anderson nhấn mạnh.