Nguyên nhân nào khiến vụ IPO quy mô lớn nhất thế giới có thể trở thành “xác sống”?
Vụ IPO từng được kỳ vọng tạo ra doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới vấp phải quá nhiều rào cản, không biết khi nào mới thành sự thực.
Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia mang tư tưởng cải cách muốn chuyển hướng nền kinh tế của Saudi Arabia. Đầu năm 2016, ông tuyên bố ông muốn chào bán cổ phiếu tại tập đoàn năng lượng lớn của nước này: Saudi Aramco. Saudi Aramco sản xuất khoảng 10% tổng sản lượng dầu cho thế giới và mang đến nguồn thu quan trọng cho nhà nước Saudi Arabia, Bloomberg cho hay.
Saudi Aramco khi đó có kế hoạch sẽ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào năm 2018 trong một thương vụ được đánh giá “cực khủng”, thương vụ có giá trị lớn hơn tất cả các thương vụ trước, dự kiến thu về khoảng 100 tỷ USD cho một quỹ thịnh vượng mới, tạo ra doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới và cùng lúc mang lại nguồn thu hàng trăm triệu USD cho những tổ chức tư vấn phát hành lớn trên trung tâm tài chính của Mỹ.
Theo thái tử 32 tuổi đầy hoài bão, Saudi Aramco sẽ được định giá ít nhất khoảng 2 nghìn tỷ USD, giá trị vốn hóa thị trường như vậy còn cao hơn gấp đôi giá trị vốn hóa hiện tại của Apple, thậm chí con số trên có thể lên đến 2,5 nghìn tỷ USD.
2 năm sau, mọi chuyện đã rất khác. Tài sản được định giá quá cao, lộ trình quá tham vọng và sự thờ ơ từ phía nhà đầu tư toàn cầu về khả năng liệu đợt IPO có mang lại gì cho họ hay không đã khiến cho thái tử phải trì hoãn việc chào bán cổ phiếu ít nhất đến năm 2019. Nhiều nhà quan sát, trong đó có cả những người đang làm việc tại công ty, hoài nghi cuối cùng liệu Saudi Aramco có IPO được hay không, Aramco đã trở thành vụ IPO “xác sống”.
Và Tổng thống Donald Trump cũng có vai trò trong những gì đang diễn ra. Dù Tổng thống Mỹ nói rằng ông hào hứng với việc Aramco sẽ chào bán cổ phiếu tại New York, thế nhưng ông quan tâm nhiều hơn đến việc giảm giá xăng dầu. Khi mà Đảng Cộng hòa của ông đang đương đầu với cuộc bầu cử Tổng thống giữa nhiệm kỳ tại Mỹ vào tháng 11/2018, ông đang gây sức ép buộc Saudi Arabia bơm thêm dầu, dầu thô rẻ đồng nghĩa định giá của Aramco không thể cao.
Đối với chính bản thân thái tử Saudi Arabia, vụ IPO cũng không còn quá quan trọng nữa khi mà ông đang đưa ra chương trình cải tổ mới với nhiều chính sách nổi bật về xã hội và kinh tế cũng như chính sách ngoại giao đầy thận trọng. So với khi mới lên làm thái tử, giờ đây ông không còn cần quá nhiều tiền như trước để có thể thay đổi được đất nước.
Trong năm nay, giới chức Saudi Arabia đã đạt được thỏa thuận thu hồi khoảng hơn 100 tỷ USD (số tiền tương đương dự kiến thu về từ đợt IPO của Saudi Aramco) từ những vụ điều tra chống tham nhũng, nhiều nhân vật trong chính quyền Saudi Arabia đã phải nộp lại tài sản.
Và các quan chức cao cấp đã bắt đầu giảm kỳ vọng về đợt IPO. Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih, nói: “Vấn đề thời gian không phải quá quan trọng với chính phủ Saudi Arabia. Sẽ thật tốt nếu chúng tôi có thể làm điều đó xong trong năm 2019, nhưng cũng không có nghĩa rằng chúng tôi cứ phải trông ngóng từng tý một”.
Việc trì hoãn đợt IPO đến sau năm 2019 hoặc thậm chí từ bỏ kế hoạch đó sẽ là một bước lùi trong nỗ lực cải tổ Saudi Arabia và khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi liệu Saudi Arabia có thực sự muốn cải tổ nền kinh tế hay không.
Trên thế giới, chẳng có công ty nào như Saudi Aramco. Lợi nhuận của Saudi Aramco cao hơn tất thảy mọi công ty trên hành tinh này, dù đó là Apple hay Exxon Mobile. Những đồng USD dầu mỏ mà Saudi Aramco kiếm được mỗi tháng giúp củng cố cho hệ thống xã hội đã tồn tại nhiều thập kỷ nay: nhà nước chi ra rất nhiều tiền để đổi lấy lòng trung thành chính trị giúp đảm bảo sự ổn định tại đất nước khai sinh ra đạo Hồi.
Những đồng tiền này cũng giúp duy trì cuộc sống xa xỉ cho hàng trăm hoàng tử. Nhiều thập niên qua, giới chức ngoại giao thế giới thường đùa rằng Saudi Arabia là công ty gia đình duy nhất trên thế giới có ghế tại Liên Hợp quốc.
Trong vai trò nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, Saudi Aramco giữ vai trò cực kỳ quan trọng giúp đảm bảo tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc tế. Trong thời kỳ khủng hoảng năng lượng thập niên 1970, Mỹ thậm chí từng tính đến sẽ kiểm soát các giếng dầu của doanh nghiệp này, theo tài liệu tình báo của Anh.
Và một lần nữa, Saudi Aramco lại ở vị trí tâm điểm của các cuộc đối đầu địa chính trị. Chính phủ Saudi Arabia cần giá dầu cao để có thể có tiền bù đắp cho ngân sách quốc gia và đẩy giá trị IPO của Saudi Aramco lên gần 2 nghìn tỷ USD theo đúng mục tiêu. Tuy nhiên, tham vọng đó lại khiến cho phía Mỹ nổi giận, đồng thời cũng làm mất lòng Trung Quốc, Ấn Độ - nước tiêu thụ dầu nhiều thứ 2 và thứ 3 trên thế giới.
Với những gì đang diễn ra ở hiện tại, tương lai của vụ IPO quy mô khổng lồ của Saudi Aramco dường như còn vô cùng mù mịt.