Nhà đầu tư ngại… đầu tư

Theo saigondautu.vn

Tờ Financial Times cảnh báo hiện tượng trú ẩn vốn đang diễn ra trên khắp thế giới trong bối cảnh các nhà đầu tư toàn cầu lo ngại các nhà hoạch định chính sách không đủ khả năng phục hồi nền kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Lợi suất trái phiếu chuẩn của Đức chạm mức thấp gần kỷ lục, ở 0,08%, chỉ cách 3 điểm cơ so với mức thấp kỷ lục đạt được 1 năm trước đây. Đồng yen giao dịch ở mức cao nhất so với USD trong hơn 1 năm. Thị trường chứng khoán Nhật Bản và châu Âu giảm hơn 2% hôm 5-4, trong khi Phố Wall mở cửa giảm và vàng tăng 1%.

Các ngân hàng trung ương ở cả Nhật Bản và châu Âu từ đầu năm đến nay đều đã sử dụng nhiều biện pháp bất thường và có tính thử nghiệm hơn, sau khi thất bại trong những nỗ lực trước đó để ngăn chặn tình trạng trì trệ kinh tế.

"Sau 7 hay 8 năm can thiệp của các ngân hàng trung ương, chúng ta đạt được những gì? Chỉ là một môi trường tăng trưởng toàn cầu cực kỳ chậm chạp" - Andrew Milligan, Giám đốc chiến lược toàn cầu của Standard Life, nói. Ông cho biết các nhà đầu tư đang đặt câu hỏi về khả năng chống giảm phát của các ngân hàng trung ương.

“Tăng trưởng toàn cầu vẫn còn quá chậm, quá mong manh" - Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde, nói ở Frankfurt hôm 5-4. IMF dự kiến điều chỉnh giảm dự báo của mình đối với nền kinh tế toàn cầu tại cuộc họp ở Washington vào tuần tới. Điều này diễn ra sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Janet Yellen tuần trước cho biết suy yếu lạm phát toàn cầu và điều kiện thị trường kém là lý do khiến nước này phải "thận trọng trong việc nâng lãi suất".

"Điều thực sự khiến thị trường chú ý là việc sử dụng các từ ngữ toàn cầu, nước ngoài và USD, được đề cập đến 22 lần" - Tanguy Le Saout, Giám đốc thu nhập cố định châu Âu của Pioneer Investments, cho biết. "Các thị trường tin điều này như một tham chiếu đến sự mong manh của các điều kiện kinh tế toàn cầu".

Giá dầu hồi phục và USD yếu hơn đã giúp giá tài sản lấy lại được những mất mát hồi đầu năm, nhưng sự điều chỉnh gần đây của đồng yen và EUR đã thách thức các chính sách lãi suất qua đêm tiêu cực đã được 2 ngân hàng trung ương ở Nhật Bản (BOJ) và châu Âu (ECB) thông qua.

Đồng nội tệ của Nhật Bản tăng lên mức cao nhất hôm 5-4 kể từ khi BOJ khiến thị trường ngạc nhiên với việc bất ngờ mở rộng chương trình nới lỏng định lượng đưa ra hồi tháng 10-2014. Haruhiko Kuroda, Thống đốc BOJ, lặp đi lặp lại khả năng kích thích tiền tệ thêm trong tuần này, cũng như cố gắng làm suy yếu đồng yen để thúc đẩy lạm phát đạt 2%.

Tại châu Âu, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức rơi mạnh trong khi giá trái phiếu tăng vọt. Điều này được giải thích một phần do sự gia tăng mua trái phiếu hàng tháng của ECB lên 80 tỷ EUR/tháng.

"Câu trả lời ngắn gọn là ECB không có đủ tiền mua" - một nhà quản lý quỹ đầu tư thu nhập cố định nói. Nhu cầu đối với tài sản an toàn cũng được nhìn thấy tại Anh, giúp nước này có được một phiên đấu giá trái phiếu tốt nhất trong 2 năm qua, bất chấp những lo ngại về cuộc trưng cầu sắp tới về việc từ bỏ tư cách thành viên EU.

Peter Goves, Chiến lược gia lãi suất châu Âu lãi của Citigroup, cho biết: "Tháng 4 là tháng hỗ trợ mạnh nhất cho các trái phiếu chính phủ ở châu Âu nói chung, do nguồn cung và nhu cầu đều tăng. Cung ròng trái phiếu Đức giảm, và chương trình nới lỏng định lượng của ECB đã được tăng cường bằng cách thêm 20 tỷ EUR mỗi tháng”. Nhu cầu đối với trái phiếu chính phủ Đức hiện rất cao do đây được cho là một trong những tài sản an toàn nhất hành tinh.

Trái phiếu Đức tăng giá mạnh do nhu cầu đầu tư trú ẩn của các nhà đầu tư tăng cao.