Kinh doanh sàn vàng:

Nhà đầu tư "ngậm bồ hòn làm ngọt"

PHÙNG TUẤN ANH

(Tài chính) Thời gian qua, cơ quan công an liên tục triệt phá các công ty kinh doanh sàn vàng trái phép. Với thủ đoạn lôi kéo kinh doanh lợi nhuận cao, có hàng chục nghìn nhà đầu tư "tiền mất, tật mang" vào các sàn vàng ảo mà vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt". Trung tướng Triệu Văn Đạt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, trên thị trường vẫn còn khoảng 30 sàn vàng chui đang tồn tại và nguy cơ bị "sập" bất cứ lúc nào.

Vẫn có nhiều lời mời gọi tư vấn đầu tư vàng được tung lên mạng. Nguồn: internet
Vẫn có nhiều lời mời gọi tư vấn đầu tư vàng được tung lên mạng. Nguồn: internet

Ngày 25/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa (TP. Hà Nội) cho biết, đã khởi tố vụ án hình sự về hành vi kinh doanh trái phép xảy ra tại Công ty cổ phần kinh doanh trang sức vàng quốc tế IG, bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự tám đối tượng đều là quản lý, điều hành, giám đốc, kế toán của Công ty IG, gồm: Lưu Công Khánh, Vũ Đình Hùng, Phạm Đức Tài, Lương Trần Hưng, Trần Hồng Nhung, Nguyễn Ngọc Thế, Vũ Văn Thuấn và Lưu Trung Kiên.

Trước đó, ngày 6/2, Công an quận Đống Đa phối hợp các lực lượng của Bộ Công an, Công an tỉnh Hải Dương và Thanh Hóa, khám phá ổ nhóm thực hiện hành vi kinh doanh trái phép vàng tài khoản, vàng miếng xảy ra tại Công ty cổ phần kinh doanh trang sức vàng quốc tế IG (Công ty IG), có địa chỉ tại tầng 8, tòa nhà 165 Thái Hà, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP. Hà Nội. Đồng thời, đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp tại năm địa điểm là nơi làm việc và nhà ở của các đối tượng chủ chốt trong Công ty IG (Báo Nhân Dânđã đưa tin). Đối tượng bị bắt giữ trong đó có Lưu Công Khánh, SN 1982, quê ở Cư Né, huyện Krông Pác (Đác Lắc), hiện ở ngõ 29 Quang Xá, TP Thanh Hóa (Thanh Hóa). Khánh là nhân viên kỹ thuật của công ty nhưng làm việc tại chi nhánh Thanh Hóa. Khánh cũng chính là đối tượng cầm đầu, chủ mưu, chỉ đạo toàn bộ hoạt động phạm tội kinh doanh vàng qua tài khoản và vàng miếng.

Cơ quan chức năng đã thu giữ: 1,49 tỷ đồng tiền mặt; 1,025 tỷ đồng tiền trong tài khoản; 276 lượng vàng miếng SJC; 8 kg vàng trang sức các loại; 35 máy tính xách tay các loại; sáu cây máy tính CPU, cùng nhiều giấy tờ tài liệu liên quan hoạt động của các đối tượng kinh doanh sàn vàng trái phép.

Theo điều tra của cơ quan công an, từ tháng 10/2013, Công ty IG bắt đầu hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cấp. Trong đó, Công ty IG có chức năng kinh doanh vàng trang sức. Công ty chỉ mở hai chi nhánh tại tỉnh Hải Dương và tỉnh Thanh Hóa. Lợi dụng chức năng này, các đối tượng đã quảng cáo trên website: vangquocte.net, tuyển dụng rồi tổ chức đào tạo nhân viên cách thức gọi điện, chào mời, tư vấn, hướng dẫn khách hàng cách đặt lệnh mua, bán vàng qua tài khoản. Đồng thời, hướng dẫn nhân viên cách đối phó khi trả lời cơ quan chức năng về hoạt động trái phép của công ty.

Ngoài ra, các đối tượng còn lập chi nhánh tại nhiều tỉnh, khi hoạt động có nhiều khách hàng kinh doanh vàng qua tài khoản bị thua lỗ, bọn chúng làm thủ tục dừng hoạt động công ty và lập chi nhánh, công ty ở tỉnh khác để hoạt động. Để né tránh, che giấu hoạt động kinh doanh vàng qua tài khoản, kinh doanh vàng miếng, các đối tượng yêu cầu khách hàng ký các hợp đồng môi giới kinh doanh hàng hóa và hợp đồng ủy quyền mua, bán vàng với Công ty IG và chi nhánh.

Đáng chú ý, các đối tượng còn tạo dựng Công ty Napming để mua phần mềm MT4 (đây là phần mềm chuyên để kinh doanh vàng) của Công ty Meta Quotes. Với phần mềm này, các đối tượng thiết lập thêm các chức năng quản lý khách hàng như: Xóa lệnh, đóng lệnh giao dịch, tạo nhóm khách hàng, thiết lập chênh lệch giá mua bán... Các nhân viên công ty và khách hàng được giải thích rằng, Công ty IG là đối tác của Công ty Napming, có trụ sở tại Mỹ, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a... nhưng thực tế, khách hàng gửi tiền, vàng vào tài khoản đều đến máy chủ tại Việt Nam.

Sau khi ký hợp đồng để kinh doanh vàng qua tài khoản, khách hàng phải nộp khoản tiền "ký quỹ" thấp nhất là 2.500 USD, tương đương 55 triệu đồng qua tài khoản hoặc nộp trực tiếp vào công ty. Sau đó, khách hàng nhận được mã giao dịch và mật khẩu (ID và Password), được hướng dẫn cài đặt tải phần mềm MT4 để thực hiện kinh doanh vàng qua tài khoản. Tuy nhiên, nếu khách hàng thắng với lượng tiền lớn, các đối tượng sẽ can thiệp kỹ thuật để đánh sập mạng. Sau đó, bọn chúng tự tạo thông báo của Công ty Napming về nguyên nhân sập là do khách quan. Khi hết số tiền ký quỹ, khách hàng phải nộp thêm tiền vào công ty, để tiếp tục thực hiện mua bán.

Số tiền khách hàng nộp trực tiếp hoặc qua tài khoản vào công ty, các đối tượng không hạch toán kế toán, không kê khai thuế, mà sử dụng trả cho khách hàng chơi thắng với số lượng ít, còn lại rút tiền ra mua ô-tô, nhà và chuyển tiền vào tài khoản của Phạm Đức Tài, để Tài chi tiêu cá nhân. Các đối tượng còn dựng lên việc chuyển tiền cho Công ty Nhân Đôi và Công ty Việt Thắng đều ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng thực chất không có việc chuyển tiền.

Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, Phạm Đức Tài, SN 1979, trú ở lô 28, khu C, tập thể Công ty Thanh Xuân, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Tài được bổ nhiệm là Phó Tổng giám đốc Công ty IG. Dưới sự chỉ đạo của Lưu Công Khánh, Phạm Đức Tài đứng ra chỉ đạo thực hiện mua, bán vàng miếng SJC; chỉ đạo, đào tạo các nhân viên kinh doanh cách thức lôi kéo khách hàng; chỉ đạo kế toán công ty viết phiếu chuyển tiền. Khi tiền chuyển vào Công ty IG, Tài chỉ đạo chuyển tiền đến tài khoản cá nhân hoặc rút ra. Bước đầu, cơ quan điều tra xác định tổng số tiền khách hàng đã nộp vào Công ty IG và các chi nhánh là 180 tỷ đồng, số tiền khách đã rút ra là 120 tỷ đồng, số tiền thiệt hại là 60 tỷ đồng.

Khởi đầu là Công ty VGX kinh doanh vàng tài khoản trái phép bị lực lượng công an triệt phá đầu tiên, sau đó một loạt sàn kinh doanh vàng tài khoản khác như Khải Thái, Gold 24, IG... bị triệt phá. Những vụ việc nêu trên đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về công tác quản lý cũng như cấp giấy phép hoạt động về lĩnh vực này. Với chức năng chỉ kinh doanh vàng trang sức, các đối tượng đã dùng mọi thủ đoạn lách luật, tạo dựng thương hiệu và dùng nhiều chiêu trò dụ nhà đầu tư "ném tiền" vào một loại hình kinh doanh ảo.

Cho đến thời điểm này, chưa có con số thống kê chính thức, nhưng qua các vụ án bị triệt phá, có đến hàng chục nghìn người đang "ngậm đắng nuốt cay" cùng số tiền hàng nghìn tỷ đồng và lượng vàng lớn bị chiếm dụng. Thiết nghĩ, đầu tư làm giàu chính đáng cũng cần những suy tính cẩn trọng, "đừng để tiền rơi" vào những tham vọng "trên trời".