Nhà đầu tư ngoại đánh giá thế nào về cơ hội mua ngân hàng Việt?

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Yun Hang Jin, Giám đốc khối thị trường mới nổi tại Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc).

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về quá trình xử lý nợ xấu tại ngân hàng Việt Nam thời gian qua?

Nhà đầu tư ngoại đánh giá thế nào về cơ hội mua ngân hàng Việt? - Ảnh 1
Ông Yun Hang Jin,
Giám đốc khối thị trường mới nổi tại Công ty Korea Investment & Securities
Ông Yun Hang Jin: Theo thống kê, nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam cuối năm 2013 đã giảm xuống còn 3,8% so với mức 4,8% cuối năm 2012. Điều này cho thấy, sức khỏe của ngành ngân hàng cũng phần nào được cải thiện.

Tuy nhiên, bản thân các ngân hàng đã thực sự cải thiện hơn hay chưa thì chưa thể đưa ra nhận định, bởi các thông tin được công bố từ các ngân hàng còn thiếu tính minh bạch và không đầy đủ. Các tổ chức tài chính trên thế giới còn nghi ngại trước những con số nợ xấu mà ngành ngân hàng Việt Nam đưa ra thời gian qua.

Có nghĩa là việc tái cơ cấu các ngân hàng sau mua bán, sáp nhập (M&A) vẫn chưa hiệu quả?

Đối với những ngân hàng đã M&A và tái cơ cấu trong 2 năm qua, nợ xấu sẽ nhiều hơn khi cộng lại từ hai tổ chức tín dụng. Theo thống kê, kết quả kinh doanh cũng như báo cáo tài chính của các ngân hàng Việt Nam đã M&A trong thời gian qua đã có tín hiệu được cải thiện. Nhưng theo tôi, vẫn chưa thể nói là sức khỏe của các ngân hàng này đã cải thiện mạnh mẽ và hoàn toàn thoát khỏi tình trạng mất thanh khoản, hay suy yếu về khả năng tài chính.

Vậy theo ông, phải mất bao lâu các ngân hàng sau M&A mới phục hồi hoàn toàn?

Hiện Việt Nam đã có công cụ xử lý nợ xấu là Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các ngân hàng đã, đang từng bước đẩy mạnh bán nợ xấu cho công ty này. Nhưng nếu sau 5 năm, các khoản nợ xấu bán cho VAMC vẫn không được xử lý triệt để, trong khi ngân hàng lại không trích dự phòng, thì vòng luẩn quẩn nợ xấu sẽ lặp lại.

Hơn nữa, số nợ xấu của các ngân hàng mà VAMC mua là nợ xấu trong quá khứ và không thể khẳng định rằng, nợ xấu của ngân hàng sẽ không còn phát sinh trong vòng 5 năm tới. Vì thế, điều quan trọng đối với các ngân hàng sau M&A cũng như ngân hàng nhỏ chính là quản trị rủi ro để có thể kiểm soát tốt hơn vấn đề rủi ro nợ xấu.

Các nhà đầu tư nước ngoài đang trông đợi việc hình thành thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam để có thể tham gia mua nợ xấu. Theo ông, nhu cầu mua nợ của nhà đầu tư nước ngoài có tăng và yếu tố quyết định trong mua bán nợ là gì?

Tôi cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài luôn quan tâm và có nhu cầu mua nợ xấu. Tuy nhiên, yếu tố then chốt vẫn là giá. Thời gian qua, VAMC đã mua nợ xấu của các ngân hàng với giá khá cao, mức chiết khấu chỉ dưới 10%. Hơn nữa, VAMC đã mua nợ xấu với giá trị khoảng 80 -90%, thì không thể nói là mua nợ xấu, mà là mua một tài sản bình thường.

Như vậy, sau khi thị trường mua bán nợ được hình thành, nếu VAMC bán lại nợ xấu thì cũng chưa hẳn đã hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng nếu chấp nhận bán lỗ thì cũng sẽ rất khó, vì chưa hẳn Chính phủ Việt Nam chấp nhận điều này.

Nếu sau 5 năm, dù VAMC không xử lý được triệt để nợ xấu thì vẫn có thể trả lại cho ngân hàng để thu về trái phiếu. Như vậy, có thể thấy, quá trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng hiện nay là mua thời gian, tức là giãn thời gian nắm giữ nợ, chứ chưa hẳn xử lý triệt để.

Để có lực tái cơ cấu, không ít ngân hàng kỳ vọng được nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài lên 49%. Thậm chí, một số nhà băng nhỏ còn muốn bán đứt 100% vốn cho cổ đông ngoại. Theo ông, điều đó có hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài?

Xét về lý thuyết thì phương án như thế sẽ khả thi cho cả hai bên. Nhưng trên thực tế, cũng cần xem xét tâm lý của người mua như thế nào. Việc mua bán không hẳn đã hấp dẫn, nếu nội tại của ngân hàng đó yếu kém và tiềm năng tăng trưởng không được như kỳ vọng. Ngoài yếu tố về giá, nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến yếu tố tăng trưởng, cho dù lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam vẫn được đánh giá còn nhiều tiềm năng.