Nhà đầu tư tiếp tục bán mạnh, giá dầu Brent mất mốc 80 USD/thùng
Dự báo tăng trưởng toàn cầu xấu đi kết hợp với việc nỗi lo liên quan đến tình hình Trung Đông hạ nhiệt khiến cho nhiều nhà đầu tư không còn tin giá dầu sẽ tăng mạnh.
Phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá dầu hạ hơn 3% xuống ngưỡng thấp nhất trong gần 3 tháng bởi những nỗi lo về việc nhu cầu dầu tại Mỹ và Trung Quốc yếu đi.
Trên thị trường London, đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai hạ 2,07USD/thùng tương đương 2,54% xuống 79,54USD/thùng.
Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI hạ 2,04USD/thùng tương đương 2,64% xuống 75,33USD/thùng. Cả hai loại giá dầu như vậy đóng cửa ở ngưỡng thấp nhất tính từ giữa tháng 7/2023.
“Thị trường rõ ràng đã bớt lo lắng về khả năng nguồn cung từ Trung Đông bị gián đoạn và thay vào đó tập trung vào các yếu tố cung cầu”, chuyên gia phân tích tại tổ chức ING - ông Warren Patterson và bà Ewa Manthey nhấn mạnh trong nghiên cứu gửi khách hàng, trong đó nhấn mạnh đến tình trạng gián đoạn nguồn cung.
Ngoài ra, một yếu tố khác gây sức ép lên thị trường chính là việc dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 12 triệu thùng trong tuần trước, theo nhiều nguồn tin dẫn từ Viện Xăng dầu Mỹ (API).
Như vậy, mức tăng của dự trữ dầu thô của Mỹ đạt mức cao nhất tính từ tháng 2/2023.
Tuy nhiên, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã trì hoãn việc công bố dự trữ dầu thô hàng tuần đến ngày 15/11/2023 để có thể hoàn tất việc nâng cấp hệ thống.
Sản lượng dầu thô tại Mỹ trong năm nay tăng thấp hơn so với kỳ vọng, tuy nhiên mức tiêu thụ xăng dầu giảm ước tính 300.000 thùng dầu/ngày, đảo ngược dự báo tăng 100.000 thùng dầu/ngày vào trước đó.
Số liệu từ Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới cho thấy, tổng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ suy giảm mạnh hơn so với kỳ vọng, thực tế này tạo ra nhiều nỗi lo về triển vọng nhu cầu năng lượng.
Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, số liệu mới công bố cho thấy doanh số bán lẻ sụt giảm, nhu cầu tiêu dùng yếu đi và rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng.
“Việc giá cả sụt giảm phản ánh cho hai điều: Nỗi lo về kinh tế toàn cầu gặp khó dựa trên những số liệu từ Trung Quốc, ngoài ra, nhiều người tin rằng căng thẳng quân sự giữa Israel - Hamas sẽ không lan rộng gây ảnh hưởng đến nguồn cung”, chuyên gia phân tích tại tổ chức Price Futures Group – ông Phil Flynn khẳng định.
Số liệu nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tháng 10/2023 cho thấy sự tăng trưởng.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc rằng, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhiều khả năng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay (năm 2023, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5%).
Các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs ước tính tổng lượng dầu xuất khẩu của 6 nước trong OPEC+ hiện vẫn thấp hơn khoảng 600.000 thùng/ngày, so với thời điểm tháng 4/2023.
Từ tháng 4/2023, OPEC đã thông báo về các biện pháp cắt giảm sản lượng, với tổng mức cắt giảm ước tính khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày.
Dẫn nguồn từ Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov, Interfax cho biết, Nga - nước sản xuất dầu lớn trong OPEC+, đang tính đến loại bỏ quy định cấm xuất khẩu với một số loại xăng.
Vào ngày 21/9/2023, Moscow đã đưa ra quy định cấm xuất khẩu nhiên liệu nhằm giải quyết tình trạng giá cả nội địa cao cũng như tình trạng thiếu hụt nhiên liệu tại nội địa.
Chính phủ Nga sau này đã nới lỏng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu năng lượng, tuy nhiên, vẫn có hạn chế nhất định với hoạt động xuất khẩu xăng.
Mới đây, Barclays đã hạ dự báo giá dầu Brent năm 2024 xuống 93USD/thùng, thấp hơn 4USD so với dự báo trước đó.
“Nhà đầu tư không tin rằng những vấn đề xung quanh tình hình Trung Đông sẽ lan rộng và ảnh hưởng đến nguồn cung.
Thay vào đó, người ta quan tâm nhiều hơn đến vấn đề nhu cầu khi mà xuất hiện thêm nhiều chỉ báo cho thấy kinh tế Trung Quốc và nhiều khu vực khác có phần yếu đi”, chuyên gia tại tổ chức đầu tư Trade Nation - ông David Morrison nhận định.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã suy giảm trong nhiều tháng qua, hiện không có nhiều dấu hiệu cho thấy sự phục hồi sau đại dịch mạnh mẽ như kỳ vọng trước đây.
Các biện pháp cắt giảm sản lượng từ nhóm OPEC+ gây ra áp lực lên giá dầu trong năm nay, tuy nhiên các động thái sau này không tạo ra nhiều ảnh hưởng như vậy.
Những doanh nghiệp sản xuất dầu hàng đầu như Nga hay Saudi Arabia đã cam kết duy trì nguồn cung dầu cho đến thời điểm cuối năm nay.