Nhà giá rẻ "lướt" cùng World Cup
“Nhà mới xây 2 năm, giáp đường lớn, 65m2, nở hậu, bán gấp 2,1 tỷ đồng do Đức thua đậm Hàn Quốc”. "Bể kèo World Cup, bán đất gấp". “Trắng tay sau trận Brazil - Bỉ, bán nhà giá sốc”.
Trên đây là những thông tin được đăng tải nhiều trên các trang giao dịch nhà đất mùa World Cup này. Dạo một vòng các trang mạng rao bán, bên cạnh đồng hồ đắt tiền, xe máy và ô tô, thì nhà đất cũng là thứ đang được chào bán nhiều trong dịp này, sau mỗi trận cầu từ nước Nga, thì lý do bán nhà càng thêm “thống thiết”. Nhưng thực tế có như vậy?
Chị Nguyễn Thanh Thảo - buôn bán tại Cầu Giấy, Hà Nội - chia sẻ, gia đình đang có nhu cầu mua nhà để ở nên khi thấy tin bán “gấp” với giá rẻ cũng ham lắm. Thế nhưng, khi liên hệ với số điện thoại cho sẵn thì đến 90% là số điện thoại của các nhà môi giới bất động sản chào mời mua nhà tại các dự án. Thông tin rao trên mạng chỉ là cái cớ để họ tìm kiếm người có nhu cầu mua nhà.
Phía các “cò đất” cũng thừa nhận điều này. Anh Linh - một nhà môi giới bất động sản tại Hà Đông - chia sẻ, đang mùa World Cup nên tất cả những gì ăn theo sẽ được chú ý nhiều hơn. Chính vì thế, những nhà môi giới tăng cường tìm kiếm khách hàng tiềm năng thông qua World Cup.
“Chỉ với một mẩu tin bán nhà gấp vì thua độ World Cup, chúng tôi có thể nhận được từ 20 - 30 cuộc điện thoại hỏi giá. Đây hầu hết là những khách hàng có nhu cầu mua thực sự nên nếu khéo, chúng tôi có thể môi giới thành công với khung giá đã rao. VÀ đây cũng chính mà ‘mánh’ để bán nhà thời World Cup”, anh Linh tâm sự chuyện nghề.
Thực tế, các dòng tin quảng cáo bán nhà như trên không phải chỉ “dựa hơi thời cuộc”. Chuyện thua độ bóng đá đến bán nhà, hoặc cùng thua độ và khó khăn kinh tế dẫn tới phải bán nhà thời điểm này vẫn có.
Anh Trần Minh - một nhà mối giới địa ốc - chia sẻ, quả thực giữa “ma trận” thông tin bán nhà vì World Cup, nếu chịu khó chắt lọc, liên hệ sẽ gặp những người thua độ thật sự. Với những người này, việc mua bán nhà sẽ rất nhanh chóng và thu được giá khá hời, vì áp lực họ phải trả nợ do thua độ rất lớn.
Một số người am hiểu cho biết, thường các cuộc cá độ liên quan đến tài sàn, phía nhận tài sản sẽ buộc chủ sở hữu phải viết giấy bán; thời hạn vay trong một khoảng thời gian nhất định, lãi suất có thể từ 0,2%-0,3%/ngày, tùy thỏa thuận.
“Nếu chủ sở hữu thu độ liên tục, không có tiền trả, việc các bên liên quan thỏa thuận bán tài sản sẽ được thực hiện, và khi đó để bán nhanh cho chủ nợ thu tiền về, con nợ khỏi phải lo trả lãi lớn, thì giá bán thường ở mức rất hấp dẫn”, anh Minh cho biết.
Thế nhưng với người mua, việc chắt lọc để tìm ra món hàng giá hời là không đơn giản. Bởi thực tế, người vỡ nợ thực sự thì không ai công khai để người mua “nắm thóp”, ép giá.
“Nếu người ta tự nhận vỡ nợ thì chỉ là cách để làm cho người mua tưởng đây là giá rẻ, mua được giá hời của một con nợ ‘khát nước’ để xuống tiền, nhưng thực tế thì lại không phải. Đó chỉ là cái bẫy của những nhà môi giới giăng ra. Do đó, đừng tin vào những tin bán nhà kiểu ‘tự thú’ như vậy”, anh Minh chia sẻ thêm.
Nhiều lời khuyên từ giới am tường rằng, người mua ở thời điểm này cần tìm hiểu kỹ thông tin rao bán để xem giá bán bất động sản có thực sự hợp lý; đồng thời, cần tìm hiểu pháp lý để tránh rủi ro.
“Đừng nghĩ đó là ‘hàng ngon’ rồi cố mua bằng mọi giá. Bởi nếu như thế sẽ rất dễ sa vào bẫy và mua hớ. Còn khi vẫn ngập ngừng với căn nhà đang xem, hãy tạm gác lại, tìm thêm những mục tiêu mới. Thị trường luôn có nhiều cơ hội phía trước và nên nhớ chẳng ai muốn bán rẻ cho ai cả”, một nhà môi giới bất động sản đưa ra lời khuyên.
Để không bị rơi vào tình trạng mua hớ, hiện nay có khá nhiều phương pháp để định giá đất nền. Chẳng hạn như: thông qua ngân hàng để định giá; nhờ sự hỗ trợ từ môi giới địa phương. Tuy nhiên, cách định giá tốt nhất là người mua nên chịu khó dành thời gian để tham khảo những căn nhà, mảnh đất tương tự cùng khu vực.
Bên cạnh đó, khi mua nhà đất cần lưu ý rằng tất cả các giao dịch đều ẩn chứa những rủi ro nhất định. Vì thế, trước khi móc hầu bao, người mua cần phải cân nhắc thật kỹ. Trước hết, người mua phải tự kiểm tra bộ hồ sơ sản phẩm được cung cấp từ bên bán. Trong đó, một thủ tục không thể bỏ qua là phải xem bản chính sổ đỏ hoặc hợp đồng mua bán căn hộ để xác định có hay không dấu vết tẩy xóa, rách nát chắp vá, rồi các loại giấy tờ, thông tin kiểm chứng đi kèm khác (nếu có) như thế chấp, vay nợ...