Nhà ở xã hội vẫn tắc vốn vay ưu đãi
Sau khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng khép lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung cho Ngân hàng Chính sách xã hội 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội.
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đồng ý chuyển 100 tỷ đồng từ gói nhà ở cho người có công sang nhà ở xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay, nguồn vốn này vẫn chưa được Chính phủ tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), dẫn đến nhiều người mua nhà phải đi vay thương mại với lãi suất cao.
Theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP, lãi suất cho vay theo chương trình nhà ở xã hội là 4,8%, nhưng trên thực tế chưa có đối tượng nào được vay. Tại một cuộc hội thảo về bất động sản, Đại diện Ngân hàng Nhà nước đã cho biết Chính phủ sẽ bổ sung 500 tỷ đồng, số còn lại, Ngân hàng CSXH sẽ huy động nguồn vốn từ xã hội.
Chủ đầu tư hỗ trợ khách hàng
Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết người mua nhà ở xã hội tại dự án EhomeS Nam Sài Gòn do_công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long làm chủ đầu tư hiện đang phải trả lãi vay mua nhà với lãi suất 9%/năm.
Mặc dù công ty Nam Long đã hỗ trợ 2%, nhưng người mua nhà vẫn phải trả lãi vay tới 7%/năm trong 2 năm đầu tiên. Các năm tiếp theo, lãi suất sẽ bị thả nổi tùy vào thỏa thuận của người mua nhà và ngân hàng.
Tương tự là tại dự án The Vesta (phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội) của công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát. Theo đó, người mua nhà ở xã hội tại The Vesta chỉ phải trả lãi suất vay ngân hàng là 5%, phần lãi suất vượt trên 5% sẽ do Hải Phát “bỏ tiền túi” hỗ trợ chi trả trong vòng 10 năm đầu tiên.
Một trường hợp nữa là dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden (Quốc Oai, Hà Nội) của chủ đầu tư CEO Group cũng đã linh hoạt đưa ra chính sách ưu đãi cho khách hàng. Theo đó, người mua nhà thanh toán đủ 45% giá trị căn hộ sẽ được nhận nhà ngay và được hỗ trợ lãi suất 5%/năm trong 5 năm. Đồng thời, chiết khấu 3% giá trị căn hộ cho khách hàng thanh toán ngay 95% giá trị căn hộ.
Ngoài ra, với việc sở hữu căn nhà từ 48m2 – 66m2, với chỉ 9,96 triệu đồng/m2, khách mua nhà sẽ được tặng phí quản lý, dịch vụ bể bơi, xe bus hướng trung tâm Hà Nội đến hết năm 2018. Dự án này hiện đã được đưa vào sử dụng bao gồm 2 tòa chung cư, mỗi tòa cao 9 tầng, quy mô 432 hộ.
Đại diện một số chủ đầu tư trên cho biết do không có nguồn vốn hỗ trợ lãi vay như trước đây, người mua nhà gặp rất nhiều trở ngại, trong khi nhu cầu của thị trường lại rất lớn.
Tuy nhiên, với sự cố gắng, nỗ lực của các chủ đầu tư, nên về cơ bản, nhà ở xã hội của các dự án trên vẫn thu hút được sự quan tâm rất lớn của khách hàng và tính thanh khoản đều tốt.
Cần sớm cho vay ưu đãi
Trao đổi với báo chí, đại diện công ty Nam Long cho biết mức hỗ trợ 2%/năm trong 2 năm đầu tiên là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của chủ đầu tư trong việc ưu đãi cho những khách hàng mua nhà ở xã hội tại dự án, bởi khi tham gia phát triển phân khúc bất động sản này, chủ đầu tư đã bị hạn chế tối đa mức lợi nhuận.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, trước thực trạng vốn ưu đãi cho các dự án còn “tắc”, cả chủ đầu tư và khách hàng đều đang rất lưỡng lự.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hòa (TP. Hồ Chí Minh), cho biết đã ký hợp đồng mua nhà ở xã hội nhưng chưa nhận nhà trong năm 2016 (do dự án chưa hoàn thành), kể từ ngày 1/1/2017 trở đi đã không còn được nhận giải ngân từ gói 30.000 tỷ đồng. Do chưa có nguồn ưu đãi khác thay thế, chị lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, không thể thực hiện tiếp hợp đồng. Chị đã phải vay thương mại với lãi suất cao kèm theo điều kiện phải có tài sản thế chấp.
Còn đa số chủ đầu tư phải tiếp tục vay thương mại với điều kiện khắt khe hơn (kể từ ngày 1/6/2016) để thi công hoàn thành công trình.
Theo ông Châu, đã có trường hợp dự án nhà ở TP. Hồ Chí Minh, chủ đầu tư đã phải giãn tiến độ thực hiện công trình. “Việc giãn tiến độ dẫn đến công trình dở dang kéo dài, gây lãng phí của cải xã hội, bào mòn nguồn lực của chủ đầu tư, người mua không được nhận nhà đúng theo tiến độ đã thỏa thuận”, Chủ tịch HoREA cho biết.
Trước đó, HoREA đã có kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo phân bổ khoảng 1.000 tỷ đồng (trong nguồn vốn 2.000 tỷ đồng đã được UBTV Quốc hội phân bổ cho Ngân hàng CSXH) cho 4 tổ chức tín dụng là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV để sớm triển khai cấp tín dụng cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.
Đồng thời, Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần phân bổ ngân sách hàng năm khoảng từ 1.000 – 2.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ năm 2018 đến 2020 để cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội vay với lãi suất khoảng 4,8%/năm.
Về phía doanh nghiệp, ông Ngô Đình Hãn, Giám đốc Kinh doanh công ty Nam Long, cũng cho rằng Chính phủ cần hình thành cơ chế ưu đãi vượt trội về tài chính, tín dụng và thuế cho người mua nhà cũng như tổ chức phát triển nhà, đặc biệt là với các dự án nhà ở xã hội.
Như vậy, về lâu dài rất cần các chương trình hỗ trợ cho vay của Nhà nước để phân khúc này có thể phát triển, giúp ổn định an sinh xã hội cho người lao động có thu nhập thấp.