Nhận diện mức độ tổn thương về rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán
Kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố do Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho thấy, mức độ dễ tổn thương về rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán hiện nay được xếp ở mức trung bình.
Căn cứ để đánh giá mức độ tổn thương về trong lĩnh vực chứng khoán trung bình dựa được Ngân hàng Nhà nước thực hiện trên cơ sở chạy mô hình kết quả khảo sát và thông tin thu thập được qua bảng câu hỏi điều tra từ cơ quan quản lý (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) và 49 công ty chứng khoán đang hoạt động. Cụ thể:
Về chính sách và quy định về phòng, chống rửa tiền
- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán đã được xây dựng tương đối toàn diện trong đó đã có các quy định về chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền (mức phạt lên đến 250.000.000 đồng) và xử lý hình sự (mức phạt tù tối đa lên đến 15 năm).
Các sản phẩm chính trên TTCK gồm cổ phiếu (niêm yết, đăng ký giao dịch, OTC), trái phiếu (trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp), chứng chỉ quỹ và chứng khoán phái sinh. Trong số các sản phẩm trên thì cổ phiếu là sản phẩm có tính dễ tổn thương cao nhất, dễ bị các đối tượng tội phạm lợi dụng với mục đích rửa tiền. Một trong những sản phẩm khác có tiềm ẩn nguy cơ để thực hiện hành vi rửa tiền đó là giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết, đăng ký giao dịch.
- Quy định về gia nhập ngành chứng khoán chặt chẽ, đảm bảo tính ngăn chặn cao những đối tượng gia nhập ngành với mục đích rửa tiền.
- Về cam kết với các tổ chức quốc tế: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thực hiện cam kết nội dung về phòng, chống rửa tiền trong Bản ghi nhớ đa phương giữa các nước thành viên IOSCO.
Chất lượng vận hành phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán
Chất lượng vận hành của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ trong công tác phòng, chống rửa tiền đã có nhiều tiến triển. Qua khảo sát cho thấy, 98% công ty chứng khoán có quy định về lưu trữ hồ sơ của khách hàng và 100% các công ty chứng khoán có hệ thống công nghệ thông tin quản lý thông tin khách hàng, trong đó có 44% cho biết có module rà soát giao dịch và những dấu hiệu về rửa tiền.
Về cơ bản các công ty chứng khoán đã thành lập bộ phận phòng, chống rửa tiền, có lãnh đạo phụ trách tuân thủ quy định về phòng, chống rửa tiền, có nhân viên chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống rửa tiền, ban hành quy trình, quy định nội bộ về công tác phòng, chống rửa tiền. Kết quả khảo sát cho thấy, 96% công ty chứng khoán có quy trình, quy định lưu trữ về các sự cố, hành vi vi phạm do nhân viên gây ra (nhằm mục đích quản trị rủi ro hoạt động) và 90% công ty chứng khoán có chế tài xử phạt nhân viên vi phạm chính sách tuân thủ phòng, chống rửa tiền.
Chất lượng giám sát phòng, chống rửa tiền của công ty chứng khoán phụ thuộc nhiều vào mức độ tuân thủ của nhân viên chứng khoán. Kết quả khảo sát cho thấy 93,6% công ty chứng khoán đã ban hành sổ tay hướng dẫn, quy trình, chính sách, quy định liên quan đến phòng, chống rửa tiền; 68% công ty chứng khoán cho rằng nhân viên của công ty có ý thức về nghĩa vụ, quy trình báo cáo tuân thủ biện pháp phòng, chống rửa tiền ở mức cao và 32% công ty chứng khoán tự đánh giá ở mức trung bình. Ngoài ra, các công ty chứng khoán cho biết nhân viên của công ty đều hiểu hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền.
Tuy nhiên, trong thực tế, UBCKNN vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn thông tin về giao dịch tiền, lịch sử cuộc gọi, IP đặt lệnh... Các công ty chứng khoán cũng gặp nhiều khó khăn trong việc nhận diện các giao dịch tiền mặt với khách hàng, bởi khách hàng của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ thực hiện giao dịch tiền thông qua các ngân hàng thương mại.
Về kiến thức về phòng, chống rửa tiền, chỉ có 48,9% công ty chứng khoán tham gia khảo sát cho biết đã tổ chức từ 01 chương trình đào tạo tại chỗ về phòng, chống rửa tiền trở lên. Đối tượng được tập huấn về phòng, chống rửa tiền chủ yếu là lãnh đạo (chiếm 57%) trong khi nhân viên là 43%; có 61% công ty chứng khoán có đào tạo cán bộ chuyên trách phòng, chống rửa tiền về hệ thống và mô hình rửa tiền nội địa, xuyên quốc gia.