Nhân rộng công cụ chống gian lận

Minh Thế

(Tài chính) Hoạt động kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) là công cụ chống gian lận thương mại hiệu quả, giúp cơ quan quản lý đánh giá chính xác sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp (DN) tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Thời gian qua, ngành Hải quan đã triển khai nghiệp vụ này một cách tích cực và hiệu quả.

Qua kiểm tra sau thông quan, nhiều DN ý thức hơn về mức độ rủi ro nếu không chấp hành tốt pháp luật hải quan. Nguồn: internet
Qua kiểm tra sau thông quan, nhiều DN ý thức hơn về mức độ rủi ro nếu không chấp hành tốt pháp luật hải quan. Nguồn: internet

Phát huy hiệu quả

KTSTQ là hoạt động tích cực không chỉ cho hải quan mà còn cho cả DN. Nó vừa giúp hải quan tăng cường quản lý, thu đủ và tránh bỏ lọt các nguồn thu của ngân sách nhà nước (NSNN), vừa giúp DN nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Trong 9 tháng đầu năm 2013, toàn lực lượng KTSTQ đã kiểm tra 1.516 cuộc, quyết định truy thu 1.337 tỷ đồng (gấp 1,88 lần so với cùng kỳ năm 2012), đã thực thu vào NSNN 1.108 tỷ đồng (gấp 1,92 lần so với cùng kỳ năm 2012). Trong đó bao gồm 428,15 tỷ đồng thu từ xăng dầu tạm nhập, tái xuất). Trong quý III/2013, toàn lực lượng KTSTQ đã thực hiện kiểm tra 705 cuộc (tăng 35% so với quý II/2013), quyết định truy thu 433,46 tỷ đồng, đã thực thu vào NSNN 452,67 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Cục KTSTQ: Qua các cuộc kiểm tra KTSTQ, nhiều DN ý thức hơn về mức độ rủi ro nếu không chấp hành tốt pháp luật. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít DN chấp hành pháp luật chưa tốt, những DN này đều đã được lực lượng KTSTQ cảnh báo.

Xác định tính tích cực của công tác KTSTQ, toàn ngành Hải quan đã triển khai rộng khắp và đồng đều tại các địa phương, hầu hết các đơn vị đều đạt tỷ lệ khoảng 70% đến 90%. Đặc biệt, một số đơn vị đã hoàn thành và có tỷ lệ chỉ tiêu được giao cao như: Thanh Hóa (107,99%), Quảng Bình (94,45%), Cà Mau, Huế, Đồng Tháp (trên 70%)….

Đồng thời, ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh KTSTQ theo hướng tập trung nguồn lực KTSTQ những DN có dấu hiệu vi phạm, thủ đoạn gia lận, trốn thuế gây thất thu NSNN nhằm trả lại môi trường kinh doanh công bằng cho các DN chân chính, kịp thời phối hợp với các đơn vị để sửa đổi các quy định, chính sách sao cho thuận lợi cho cả DN lẫn Hải quan… Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, xây dựng các quy định về KTSTQ, DN ưu tiên trong Luật Hải quan sửa đổi, nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế sửa đổi… để khuyến khích DN chấp hành pháp luật tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, công tác KTSTQ còn gặp phải một số tồn tại khó khăn sau: Lực lượng cán bộ làm công tác KTSTQ còn thiếu; Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc chưa đảm bảo; Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định về việc đăng ký, cập nhật thông tin, kết quả KTSTQ vào hệ thống thông tin quản lý DN phục vụ KTSTQ và quản lý rủi ro (STQ01); Còn lúng túng trong việc thu thập thông tin đối với các tờ khai áp dụng thủ tục hải quan điện tử (đặc biệt là các hồ sơ được phân luồng xanh)...

Nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn trên là do: Các cục hải quan tỉnh, thành phố chưa chủ động được trong việc thu thập số liệu xuất nhập khẩu của DN trên phạm vi toàn quốc do chưa được phân quyền, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động nghiệp vụ KTSTQ; Các thủ đoạn trốn thuế, gian lận thương mại của các DN tại khâu thông quan ngày càng tinh vi và phức tạp, một số DN không hợp tác, chậm trễ cung cấp hồ sơ dẫn tới kéo dài thời gian KTSTQ...

Nhân rộng công cụ chống thất thu

Để việc KTSTQ tiếp tục phát huy tác dụng, thời gian tới, lực lượng KTSTQ ngành Hải quan sẽ tăng cường kiểm tra tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro cao, mặt hàng, DN trọng điểm. Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý theo hướng trao quyền hơn nữa cho công tác KTSTQ. Cần có những cơ chế tương tự như cơ chế chống buôn lậu để tạo điều kiện cho hoạt động KTSTQ và cơ chế chi phối hợp, thưởng - phạt phù hợp để khuyến khích cán bộ thực hiện. Đồng thời, tăng cường nhân sự có nghiệp vụ kế toán, kiểm toán cho lực lượng KTSTQ để cán bộ có đủ bản lĩnh trong qua trình so sánh, đối chiếu, tìm ra mâu thuẫn, bất hợp lý trong quá trình tác nghiệp, đấu tranh với đối tượng gian lận.

Trong 9 tháng đầu năm 2013, toàn lực lượng KTSTQ đã kiểm tra 1.516 cuộc, quyết định truy thu 1.337 tỷ đồng (gấp 1,88 lần so với cùng kỳ năm 2012), đã thực thu vào NSNN 1.108 tỷ đồng (gấp 1,92 lần so với cùng kỳ năm 2012).

Thực tế, hoạt động KTSTQ vẫn còn gặp khó khăn do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Hiện chưa có chế tài bắt buộc đối với trường hợp cơ quan Hải quan mời DN đến làm việc nhưng họ không đến, hoặc khi kiểm tra ấn định thuế mà DN không chấp hành. Do vậy, cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp để thông tin được đầy đủ hơn tới các đối tượng để họ tự nguyện chấp hành bởi bên cạnh mục tiêu chống thất thu thuế thì các vấn đề khác như nâng cao tính tuân thủ pháp luật của DN cũng cần được xem như là một trong những chỉ tiêu quan trọng.

Nhằm nhân rộng tính hiệu quả của KTSTQ, Tổng cục Hải quan vừa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường năng lực KTSTQ đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Đề án đã đưa ra các mục tiêu cơ bản như: Xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ, thống nhất từ Luật tới các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến công tác KTSTQ; công tác nghiệp vụ KTSTQ được thực hiện thường xuyên, thống nhất đúng quy định của pháp luật, quy trình nghiệp vụ; đẩy mạnh hoạt động KTSTQ tại DN nhằm hướng tới đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của DN, đảm bảo hoạt động KTSTQ dần phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Đồng thời, xây dựng các chuyên đề theo kế hoạch để chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương thực hiện KTSTQ có hiệu quả... Đây là một bộ phận không tách rời, thiết yếu của tiến trình hiện đại hóa hải quan. Kế hoạch đưa ra các cơ chế triển khai, phối hợp, quản lý và đôn đốc thực hiện các nhóm giải pháp của Đề án nhằm đảm bảo hoàn thành công việc đúng lộ trình. Song song với đó, Tổng cục Hải quan đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai Đề án do Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái làm Trưởng ban.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 10 - 2013