Nhân rộng mô hình theo chuỗi sản phẩm
“Tại đây đã hình thành nhiều trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi, những mô hình trồng trọt, thủy sản an toàn”. Đó là nhận định của hầu hết đại biểu tại Hội thảo đánh giá về ATTP khu vực miền Trung và Tây Nguyên do Đoàn giám sát của Quốc hội (QH) tổ chức tại TP. Quy Nhơn, ngày 10/3.
Nhiều điểm sáng ATTP
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng: Sau 5 năm thực hiện chính sách pháp luật về ATTP đã đạt được nhiều kết quả. Nhận thức của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân về ATTP đã được nâng lên. Điểm sáng lớn nhất thời gian qua đó là Bình Định xây dựng được vùng chăn nuôi heo bền vững.
Theo đó đã hình thành 94 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao theo quy trình VietGAP: chọn giống, lựa chọn thức ăn, nuôi lợn thịt, công tác thú y và hệ thống xử lý môi trường biogas. Cùng với chăn nuôi lợn, “bức tranh” thủy sản cũng rất tươi sáng, Bình Định đứng đầu cả nước đưa công nghệ khai thác, bảo quản cá ngừ đại dương kiểu Nhật đến với ngư dân.
Tỉnh cũng đã quy hoạch được 2 vùng nuôi tôm công nghệ cao. Nhờ cách làm này, thời gian qua Bình Định đã không để xảy ra việc sử dụng các chất cấm như Salbutamol, vàng ô, kháng sinh trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến thực phẩm.
Đặc biệt, không xảy ra vụ vi phạm nghiêm trọng ATTP nào. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, Bình Định đang gặp một số khó khăn về nhân lực, kinh phí, nhất là vấn đề giết mổ tập trung, bởi Bình Định hiện có trên 500 điểm giết mổ gia súc, gia cầm, hầu hết của tư nhân hình thành tự phát, nằm rải rác trong khu dân cư, không bảo đảm vệ sinh ATTP.
“Hàng năm TP. Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 70.000 - 80.000 tấn sản phẩm nông sản thực phẩm, 70.000 - 80.000 tấn sản phẩm chăn nuôi; trong đó, sản phẩm nông sản tại chỗ khoảng 16.000 tấn, sản phẩm chăn nuôi chỉ chiếm 10 - 15% tổng sản phẩm tiêu thụ, còn lại là nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.
Nhằm bảo đảm vệ sinh ATTP, nhiệm vụ của cơ quan chức năng là phải chỉ rõ cho người dân đâu là nơi kinh doanh thực phẩm sạch, đâu là cơ sở đạt tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đã quy hoạch, xây dựng 8 cơ sở giết mổ tập trung; quy hoạch vùng trồng rau an toàn”, Phó Giám đốc TP Đà Nẵng Nguyễn Tiến Hồng cho biết thêm.
Khó khăn, chồng chéo quản lý
Tuy nhiên, tại hội thảo, một số đại biểu cũng cho rằng hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP quá nhiều, gây chồng chéo. Luật An toàn thực phẩm ban hành năm 2010 nhưng các văn bản hướng dẫn chậm được ban hành. Việc quản lý ATTP được giao cho 3 Bộ Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên cũng tạo ra sự chồng chéo hoặc khoảng trống quyền lực.
Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chưa hoàn thiện, còn nhiều tiêu chuẩn chưa hài hòa với quy định quốc tế, tiến độ chuyển đổi tiêu chuẩn thành quy chuẩn kỹ thuật chậm. Ngoài ra, nguồn lực đầu tư công tác ATTP thấp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: Việc quản lý ATTP ở cấp huyện, nhất là cấp xã rất lỏng lẻo. Nguyên nhân là do các thành viên Ban chỉ đạo VSATTP ở cấp này đều kiêm nhiệm, hoạt động mua bán phần lớn diễn ra vào sáng sớm và cuối giờ chiều, buổi tối nên việc tổ chức đoàn kiểm tra gặp khó khăn.
Cán bộ chuyên trách về ATTP ở cấp này cơ bản không được đào tạo sâu về chuyên môn, nghiệp vụ, chủ yếu thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn. Kinh phí hoạt động hạn hẹp, không được trang bị các thiết bị kiểm tra ATTP. Vì thế, nhiều lãnh đạo xã, phường thừa nhận khi ra quân, đoàn kiểm tra chủ yếu kiểm tra hộ kinh doanh có bảo đảm yêu cầu về thủ tục hành chính, còn thực phẩm có bảo đảm ATTP không thì hầu hết các đoàn không dám kết luận vì kiểm tra chủ yếu bằng cảm quan.
Đổi mới tổ chức, phương thức thực hiện
Cơ bản chia sẻ khó khăn trên, song một số đại biểu cho rằng hiện hệ thống khuôn khổ pháp luật của Việt Nam về ATTP được quốc tế đánh giá là có nhiều tiến bộ, một trong những nước đi đầu trong khu vực, thế nhưng ở đâu đó vẫn “phàn nàn” khó khăn, vướng mắc, vấn đề nằm ở chỗ nào. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phùng Đức Tiến: Vấn đề quan trọng nhất là tổ chức thực hiện. Tại hội nghị quốc tế mới đây đánh giá: “Với các quy định hiện nay, nếu tổ chức thực hiện nghiêm túc thì nỗi lo ATTP giảm đi rất nhiều”. Phó Chủ nhiệm cho biết thêm.
Đánh giá cao những kết quả các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã đạt được trong thời gian qua. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Phó Trưởng Đoàn Thường trực giám sát của QH Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: Tại đây đã có nhiều mô hình, điểm sáng trong sản xuất, trồng trọt, đặc biệt trong chăn nuôi theo mô hình VietGap ở Bình Định, hay mô hình trồng rau an toàn, nuôi thủy sản ở một số tỉnh.
Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng đề nghị thời gian tới các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, sớm đầu tư xây dựng khu giết mổ tập trung chuyên nghiệp. Đồng thời tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình về ATTP theo chuỗi từ sản xuất, chế biến đến cung ứng sản phẩm. Ngoài ra, chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các nguy cơ mất ATTP.