Nhận thức và thực tiễn về cơ cấu kinh tế hiện đại trong nền kinh tế tri thức
Khi bàn tới vấn đề cơ cấu kinh tế hiện đại, không thể tách rời vấn đề kinh tế tri thức. Ngay trong thời kỳ công nghiệp, vấn đề cơ cấu kinh tế mang tính hiện đại đã được giới khoa học và những nhà quản lý quan tâm. Công nghiệp hóa và sự thay thế công nghệ cũ, lạc hậu bằng công nghệ mới và hiện đại hơn đã được đặt ra. Ngày nay, khi nền kinh tế tri thức đã phát triển mạnh trên phạm vi toàn cầu thì vấn đề xây dựng cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại càng trở thành vấn đề “nóng” của các quốc gia.
Cơ cấu kinh tế hiện đại
Kinh tế tri thức là vấn đề mới được các nhà khoa học quan tâm trong thời gian gần đây nhưng cũng chưa có học giả nào nghiên cứu nội hàm của nó một cách đầy đủ và có hệ thống. Nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế tri thức là kinh tế phát triển dựa trên nền tảng trí tuệ và công nghệ cao, dựa trên sự phát triển của cơ cấu kinh tế hiện đại với năng suất, chất lượng không ngừng tăng lên và cuối cùng là mang đến xã hội thịnh vượng cùng đời sống khá giả của người dân.
Điều đó hàm ý rằng muốn phát triển kinh tế tri thức không thể nói suông mà phải hành động có khoa học. Do vậy, về vấn đề hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại trong nền kinh tế tri thức, chúng tôi cho rằng cần quan tâm đến những cơ sở lý luận chủ yếu sau:
- Cơ cấu kinh tế hiện đại là một thực thể tất yếu trong thời đại kinh tế tri thức và trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nó là hệ quả trực tiếp của đầu tư phát triển theo hướng hiện đại. Cơ cấu đầu tư phát triển theo hướng hiện đại sẽ đem tới sự hình thành những ngành, lĩnh vực công nghệ cao. Cơ cấu kinh tế hiện đại phát triển dựa trên nền tảng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và có biểu hiện cơ bản là tỷ trọng lĩnh vực công nghệ hiện đại và tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao trong tổng GDP ngày càng lớn. Nhờ đó mà nó đem lại hiệu quả cao và sự phát triển bền vững.
- Cơ cấu kinh tế hiện đại hình thành và phát triển từ thấp tới cao, trải qua nhiều giai đoạn, gắn liền với trình độ công nghệ của nền kinh tế và xu thế thay đổi của thị trường. Muốn hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại phải có quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hợp lý và điều hành quá trình đó một cách khoa học; phải có thể chế kinh tế có lợi cho phát triển kinh tế nói chung và cho các nhà đầu tư tiềm năng, có sức mạnh về tài chính, công nghệ phát huy tác dụng nói riêng.
- Cơ cấu kinh tế hiện đại gắn liền với đội ngũ doanh nghiệp (DN) có tiềm lực tài chính và tiềm lực công nghệ lớn mạnh. Chính các DN lớn, mang tầm toàn cầu sẽ quyết định tính chất và trình độ của cơ cấu kinh tế của mỗi quốc gia. Lực lượng DN lớn, nhất là DN lớn mang tính toàn cầu không chỉ quyết định tính chất và trình độ cơ cấu kinh tế mà còn quyết định tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa nền kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đội ngũ DN vừa và nhỏ tuy thích nghi tốt với sự thay đổi của thị trường nhưng không thể xoay chuyển tình thế trong quá trình phát triển và cạnh tranh quốc tế như những DN lớn.
- Cơ cấu kinh tế hiện đại không tự có mà phải do con người tạo ra. Nó là kết quả của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, kết quả của việc tái cơ cấu kinh tế hay kết quả của việc làm mới cơ cấu kinh tế do con người thực hiện một cách có tổ chức. Tức là con người tiến hành xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại một cách có kế hoạch, được đáp ứng đầy đủ nguồn lực (nhất là vốn đầu tư và nhân lực) và được đảm bảo thỏa đáng bằng thể chế kinh tế phù hợp cùng với việc thực thi phương án đã vạch ra với một quyết tâm chính trị cao.
Các biểu hiện cơ bản của cơ cấu kinh tế hiện đại
Biểu hiện thứ nhất: Những nền kinh tế phát triển là những nền kinh tế đã đạt trình độ phát triển cao dựa trên cơ sở có nhiều tập đoàn kinh tế lớn xuyên quốc gia, công nghệ cao (thậm chí có thể nói họ còn nắm giữ công nghệ nguồn), nhân lực chất lượng cao, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, họ tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu mạnh mẽ và có đối tác cũng như bạn hàng đều thuộc loại lớn.
Mối quan hệ giữa các DN gắn kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị sản xuất hoặc theo cụm, ngành công nghiệp đa ngành. Đối với Việt Nam, đó có thể là các DN thuộc lĩnh vực sản xuất lúa gạo, khai thác và chế biến dầu khí, sản xuất cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị và sản xuất hàng điện tử, tin học. Công nghiệp sản xuất sản phẩm văn hóa, thiết bị nghe nhìn đang ngày càng có ý nghĩa quan trọng.
Biểu hiện thứ hai: Lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn. Theo lý thuyết, các DN tạo nên nền kinh tế được chia thành ba tầng: Tầng 1 gồm các lĩnh vực tư vấn, thiết kế tạo ra nhiều giá trị gia tăng nhất; Tầng 2: gồm các lĩnh vực phân phối và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra nhiều thứ hai giá trị gia tăng. Tầng 3: gồm các lĩnh vực sản xuất ra sản phẩm xã hội. Tầng này tạo ra ít giá trị gia tăng nhất nên các quốc gia phát triển muốn chuyển các lĩnh vực sản xuất thuộc tầng này sang các quốc gia kém phát triển.
Biểu hiện thứ ba: Sau khi quan sát ba cuộc cách mạng công nghiệp của nhân loại và quan sát các nền kinh tế kể trên, tác giả đã phát hiện những điểm rất then chốt và tâm đắc nhận ra rằng, chữ “cao” và chữ “lớn” là dấu hiệu quan trọng nổi bật của cơ cấu kinh tế hiện đại. Đối với các nước trong quá trình hoạch định chính sách tái cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, không thể không tham khảo những dấu hiệu: Công nghệ cao/Chất lượng cao/Đẳng cấp cao; Thích ứng cao; Chất lượng nhân lực cao; Sản xuất hàng hóa lớn (khối lượng lớn); Thị trường lớn/Bạn hàng lớn/Đối tác lớn; Không gian kinh tế lớn (sức tham gia chuỗi giá trị toàn cầu rất rộng trên thế giới)
Biểu hiện thứ tư: Tỷ trọng của lĩnh vực công nghệ cao và phần còn lại. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất của cơ cấu kinh tế xét theo quan điểm hiện đại. Các ngành sản phẩm sử dụng công nghệ cao thuộc tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Chúng làm nền tảng cho quá trình hiện đại hóa nền kinh tế và quyết định sự phát triển của các lĩnh vực chưa sử dụng công nghệ cao.
Các lĩnh vực sử dụng công nghệ chưa cao là lực lượng bổ trợ cho các ngành sản phẩm sử dụng công nghệ cao và cùng tạo ra sự phát triển tổng hợp cũng như sự đồng bộ của nền kinh tế quốc gia. Các ngành sản phẩm có công nghệ cao ngày càng gia tăng theo các giai đoạn phát triển hiện đại hóa. Sau mỗi giai đoạn hiện đại hóa tỷ trọng các ngành sản phẩm công nghệ cao ngày càng tăng và đạt tới mức nền kinh tế có sức cạnh tranh cao và có khả năng tự chủ ngày càng lớn.
Biểu hiện thứ năm: Tỷ trọng của khối ngành phi nông nghiệp và nông nghiệp đã vượt ngưỡng tiên tiến. Cơ cấu kinh tế nên xem xét cả theo góc độ quan hệ tỷ lệ giữa khối ngành phi nông nghiệp và nông nghiệp để thấy rõ hơn mức độ hiện đại hóa của phân công lao động xã hội và hiện đại hóa cơ cấu kinh tế.
Cơ cấu giữa hai khối ngành phi nông nghiệp và nông nghiệp rất quan trọng đối với sự phát triển. Hai khối phi nông nghiệp và nông nghiệp phải phát triển nhịp nhàng thì sản xuất mới phát triển có hiệu quả và bền vững. Nhờ đó, quá trình chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang công nghiệp có năng suất lao động cao sẽ diễn ra bền vững hơn. Nếu một nền kinh tế các ngành phi nông nghiệp có tỷ trọng khoảng trên 85%, năng suất lao động đóng góp khoảng trên 85% phần gia tăng GDP và khoa học công nghệ đóng góp khoảng trên 85% tăng năng suất lao động thì được coi là đã bước vào ngưỡng của một nền kinh phát triển.
Ngoài ra, có thể phân tích cơ cấu kinh tế hiện đại theo hình thức tỷ trọng các sản phẩm chủ lực trong tổng thể nền kinh tế. Một nền kinh tế mà không có sản phẩm chủ lực thì cũng chưa thể có cơ cấu kinh tế hiện đại.
Làm mới cơ cấu kinh tế theo tính hiện đại trong điều kiện Việt Nam
Trong bối cảnh nước ta và nhiều nước đang tích cực triển khai tái cơ cấu kinh tế thì đây là vấn đề lớn và có tính thời sự. Tác giả đồng tình với quan điểm của học giả Ngô Doãn Vịnh trong cuốn “Đầu tư và phát triển” cho rằng, dù nói tái cơ cấu kinh tế hoặc nói chuyển dịch cơ cấu kinh tế thì chúng cũng đều có mục đích chung là làm mới cơ cấu kinh tế trên cơ sở đổi mới cả quy mô và cơ cấu đầu tư phát triển.
trong quá trình làm mới cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại |
|
Loại công nghệ chính |
Hướng ứng dụng chủ yếu trong tái cơ cấu kinh tế |
1- Công nghệ sinh học và gien |
Sử dụng trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản; chế biến thực phẩm, nước giải khát, chế biến thuốc chữa bệnh… |
2- Công nghệ thông tin |
Sử dụng trong lĩnh vực chế tạo thiết bị tự động hóa và quản trị phát triển (nhất là xây dựng chính quyền điện tử) |
3- Công nghệ vũ trụ |
Sử dụng trong lĩnh vực nghiên cứu viễn thám, phát hiện tài nguyên, dự báo thiên tai, thời tiết… |
4- Công nghệ đại dương |
Sử dụng phát hiện và khai thác tài nguyên trong lòng biển và năng lượng biển (đối với địa phương có biển) |
5- Công nghệ vật liệu mới |
Sử dụng để sản xuất vật liệu mới siêu bền, siêu nhẹ, siêu dẫn… |
Nguồn: Tác giả tổng hợp |
Làm mới cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại là việc hình thành cơ cấu kinh tế có mục tiêu tiến bộ, bởi tư duy hiện đại, bằng phương pháp hiện đại và dựa trên nền tảng kỹ thuật, công nghệ hiện đại. Nói như thế có nghĩa là, làm mới cơ cấu kinh tế hướng tới hiên đại chính là từng bước phát triển nền kinh tế tri thức. Do vậy, cần coi trọng và phát huy có hiệu quả năm hướng công nghệ mũi nhọn cơ bản phải trở thành tư tưởng xuyên suốt cho quá trình làm mới cơ cấu kinh tế của nước ta.
Từ những phân tích ở trên và tham khảo ý kiến của Ngân hàng Thế giới (World Bank), thì làm mới cơ cấu kinh tế phải theo nguyên tắc lấy phát triển công nghệ cao làm trọng điểm. Ở Việt Nam để làm mới cơ cấu kinh tế có thể tham khảo hướng ứng dụng công nghệ gắn với các trọng tâm tái cơ cấu để hình thành được những sản phẩm chủ lực.
DN lớn và sử dụng công nghệ hiện đại chiếm giữ vai trò chủ yếu trong việc hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế. Đối với Việt Nam, những DN lớn, sử dụng công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực sản xuất thủy điện, sản xuất xi măng, sản xuất thép và chế tạo cơ khí nặng, sản xuất điện tử - cơ điện tử, sản xuất thuốc chữa bệnh và thiết bị y tế… chiếm vị trí lớn trong nền kinh tế thì lúc ấy nền kinh tế Việt Nam có cơ cấu kinh tế hiện đại.
Định hướng công nghệ mũi nhọn cần quan tâm đến làm mới cơ cấu kinh tế vừa mang tính kinh tế, vừa mang tính chính trị và mang tính xã hội sâu sắc. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả yếu tố vật chất và yếu tố phi vật chất; cả yếu tố kinh tế và yếu tố phi kinh tế. Làm mới cơ cấu kinh tế bắt đầu từ cái dễ, chỗ dễ rồi tới cái khó, chỗ khó. Đồng thời, việc làm mới cơ cấu kinh tế cần có bước đi thích hợp. Tinh thần đổi mới luôn luôn túc trực trong quá trình làm mới cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại. Việc làm mới cơ cấu kinh tế phải được tổ chức đánh giá, rút bài học và điều chỉnh mục tiêu, giải pháp làm mới cơ cấu kinh tế một cách kịp thời, hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Thọ Đạt (2005), Các mô hình tăng trưởng kinh tế, NXB Thống kê, Hà Nội;
2. Đặng Hữu, Kinh tế tri thức: Thời cơ và thách thức đối với sự phát triển của Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, 2004;
3. Bùi Nhật Quang (2008), Đổi mới cơ cấu đầu tư của nền kinh tế Việt Nam sau khủng hoảng, Tham luận khoa học tại Viện hàn lâm khoa học Thượng Hải, Trung Quốc;
4. Viện Chiến lược phát triển (2014), Tái cơ cấu kinh tế để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội ;
5. Ngô Doãn Vịnh (2011), Đầu tư phát triển, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.