Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp: Nhìn từ kinh nghiệm của Hàn Quốc
Để tăng cường năng lực cạnh tranh, nhiều quốc gia đã chuyển đổi chiến lược phát triển kinh tế của mình theo hướng xây dựng nền kinh tế tri thức, công nghệ với trọng tâm khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo. Nghiên cứu kinh nghiệm phát triển hoạt động khởi nghiệp của các quốc gia đi trước là điều cần thiết. Bài viết phân tích những chính sách hỗ trợ quá trình xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Hàn Quốc, từ đó rút ra một số gợi ý chính sách cho Việt Nam.
Điểm sáng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp
Chiến lược phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu mà Hàn Quốc theo đuổi trong vài thập kỷ qua đã đưa nước này từ một nước nghèo trở thành cường quốc công nghiệp thuộc nhóm có tốc độ phát triển nhanh nhất trong các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Nếu vào năm 1991 mức thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc vào khoảng 39% mức trung bình nhóm quốc gia đứng đầu trong OECD thì vào năm 2014 đã lên tới 75%.
Theo Báo cáo Khảo sát kinh tế Hàn Quốc của OECD công bố vào tháng 5/2016, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu luôn duy trì ở mức hai con số đã đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia xuất khẩu đứng thứ 6 và là nền kinh tế đứng thứ 15 trên thế giới trong năm 2015. Các công ty Hàn Quốc đứng đầu thế giới trong nhiều ngành công nghiệp quan trọng với nguồn nhân lực chất lượng cao và mức đầu tư lớn (khoảng 4,3% GDP) vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D).
Tuy nhiên, chiến lược phát triển kinh tế của Hàn Quốc đã không còn đem lại những kết quả ấn tượng. Tỷ lệ tăng trưởng trung bình của nước này giảm từ 4,25% (giai đoạn 2001-2011), xuống 2,75% (giai đoạn 2011-2015). Năng suất lao động tính theo giờ chỉ khoảng 55% trung bình của nhóm 8 nước thuộc OECD.
Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia mới nổi đặc biệt là Trung Quốc. Thêm vào đó, tỷ lệ lạm phát giai đoạn 2013-2015 duy trì ở mức 0,7% - thấp hơn nhiều mức lạm phát mục tiêu từ 2,5% - 3,5% mà Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đề ra. Chỉ báo vĩ mô này cho thấy, nền kinh tế Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ giảm phát.
Để khôi phục lại nền kinh tế, ngay khi nhận chức năm 2013, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã triển khai “Kế hoạch 3 năm đổi mới kinh tế” hướng tới việc xây dựng một nền kinh tế tri thức, chú trọng tới việc mở rộng vai trò và khuyến khích phát triển các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo. Theo đó, hàng năm, Chính phủ Hàn Quốc cam kết chi khoản ngân sách trị giá 2 tỷ USD để hỗ trợ xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp.
Có thể hiểu hệ sinh thái khởi nghiệp ở Hàn Quốc là xây dựng một môi trường tập hợp nhiều tác nhân có quan hệ một cách hữu cơ nhằm giúp nhau cùng phát triển. Hay nói cách khác, sự phát triển của tác nhân này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các tác nhân khác để cộng đồng DN khởi nghiệp ngày một phát triển rộng rãi và bền vững hơn. Theo phương thức này, Chính phủ Hàn Quốc đã điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế để hỗ trợ 2 tác nhân chủ yếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp là DN khởi nghiệp và nhà đầu tư (NĐT) cho khởi nghiệp.
Chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp
DN khởi nghiệp là một DN mới thành lập hoặc đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, đang tìm kiếm một mô hình kinh doanh mới với mục đích nhanh chóng xây dựng thành một tổ chức/DN đạt quy mô, có khả năng nhân rộng tại các thị trường khác nhau sử dụng yếu tố công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh. Hiện nay vẫn chưa có tiêu chí xác định khi nào DN hết được gọi là khởi nghiệp mà chủ yếu phụ thuộc vào bản thân chính DN tuyên bố không còn coi mình là khởi nghiệp.
Ở Hàn Quốc, DN khởi nghiệp thuộc nhóm DN nhỏ và vừa (DNNVV) đóng vai trò là trụ cột trong nền kinh tế. Theo Cơ quan quản lý DNNVV, hiện nay, Hàn Quốc có khoảng 3,1 triệu DNNVV, trong đó, số lượng DN vừa chiếm khoảng 8,7%, DN nhỏ tương đương 3,4% và DN siêu nhỏ chiếm tỷ lệ đa số (87,7%), thu hút khoảng 11 triệu lao động, chiếm 87% tổng số lượng lao động Hàn Quốc. Số DNNVV này hàng năm sản xuất ra lượng sản phẩm trị giá khoảng 447 tỷ USD hàng năm.
Trong những năm qua, Chính phủ Hàn Quốc đã có các chính sách xúc tiến thương mại, đầu tư nhằm cải thiện môi trường hoạt động kinh doanh của DNNVV nói chung và DN khởi nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, trước những biến động liên tục của nền kinh tế thế giới trong những năm qua khiến Chính phủ Hàn Quốc phải tiến hành những cải cách trong chiến lược hỗ trợ cho DN khởi nghiệp.
Nếu như trước đây chiến lược hỗ trợ đối với khu vực DNNVV của Chính phủ Hàn Quốc là hỗ trợ trực tiếp hay bảo hộ những sản phẩm đầu ra thì chiến lược hỗ trợ DNNVV mới sẽ góp phần nâng cao khả năng hợp tác và cạnh tranh của DN, phát triển sản phẩm mới theo định hướng khách hàng. Đặc biệt, giúp DNNVV của Hàn Quốc có khả năng tồn tại độc lập cũng như có năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Một trong những điểm nổi bật của chiến lược hỗ trợ DNNVV mới là Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích sự phát triển của các DN khởi nghiệp và mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhờ đó, số lượng DN khởi nghiệp thành lập mới tại nước này không ngừng tăng lên. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc, từ năm 2012 - 2014, số lượng DN khởi nghiệp thành lập mới tại Hàn Quốc đã tăng từ 74.162 lên 84.697 DN.
Giống như các quốc gia khác trên thế giới, tại Hàn Quốc có khoảng 80% DNNVV phải vay vốn ngân hàng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng thương mại ở Hàn Quốc hoạt động theo nguyên tắc bảo toàn vốn, không mạo hiểm với những rủi ro. Vì vậy, các DN khởi nghiệp ở nước này muốn tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng phải đáp ứng được quy định ngặt nghèo về thế chấp tài sản.
Tuy nhiên, trên thực tế có rất ít DN khởi nghiệp ở Hàn Quốc đáp ứng được điều kiện này. Thêm vào đó, các DNNVV cũng chưa đáp ứng được những quy định niêm yết trên thị trường chứng khoán nên không thể huy động được nguồn vốn từ hình thức này. Trong khoảng từ 5 - 6 năm kể từ khi thành lập, DN khởi nghiệp có thể huy động vốn từ các “NĐT thiên thần” (tức là những cá nhân bỏ vốn để đầu tư vào DN khởi nghiệp với những điều kiện có lợi cho DN khởi nghiệp) để phục vụ cho nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, rủi ro cũng có thể xảy ra nếu nhóm “NĐT thiên thần” thoái vốn thì DN khởi nghiệp sẽ gặp phải những khó khăn khi huy động vốn trên các thị trường truyền thống như Sàn Chứng khoán KOSDAQ do vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu niêm yết trên thị trường. Để hỗ trợ các DNNVV nói chung và DN khởi nghiệp nói riêng tiếp cận nguồn vốn từ thị trường, cũng như tạo cơ chế thoái vốn dễ dàng hơn cho NĐT, tháng 7/2013, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập Sàn Giao dịch chứng khoán Korea New Exchange (viết tắt là Sàn KONEX) để giải quyết vấn đề này.
Về bản chất, Sàn KONEX cũng giống với sàn giao dịch chứng khoán dành cho các công ty đại chúng, nhưng được thành lập chuyên dụng cho các DNNVV và DN khởi nghiệp với điều kiện niêm yết, năng lực tài chính và hồ sơ pháp lý không quá chặt chẽ (như Sàn Chứng khoán KOSDAQ vốn dành cho những DN đã trưởng thành, có thời gian hoạt động trung bình từ 12 năm trở lên).
DN khởi nghiệp đăng ký trên Sàn KONEX chỉ cần đáp ứng được 1/3 tổng số yêu cầu đăng ký trên Sàn Chứng khoán KOSDAQ. Ví dụ: DN khởi nghiệp đăng ký trên Sàn KONEX chỉ cần đáp ứng một trong những tiêu chí sau: tổng vốn tối thiểu là 500 triệu Won; doanh thu bán hàng từ 1 tỷ Won; lợi nhuận ròng đạt mức từ 300 triệu Won.
DN khởi nghiệp cũng không phải đáp ứng tiêu chuẩn kế toán quốc tế, hay những quy định về công bố thông tin trên Sàn Chứng khoán KONEX. Ngoài ra, để hỗ trợ gia tăng tính cạnh tranh cho DN khởi nghiệp, Sàn KONEX không cho phép DN đủ điều kiện đăng ký trên Sàn KOSDAQ được đăng ký trên Sàn KONEX.
Những cổ phiếu trên Sàn KONEX được vận hành theo khuôn khổ quy định riêng, khác với quy định trên Sàn Chứng khoán KOSDAQ. Trong khi đó, đặc điểm của Sàn Chứng khoán KONEX là chế độ tư vấn chỉ định, theo đó một công ty chứng khoán ký hợp đồng làm nhà tư vấn chỉ định cho một DN khởi nghiệp muốn niêm yết trên Sàn KONEX.
Nhiệm vụ của công ty chứng khoán/tư vấn chỉ định là hỗ trợ DN khởi nghiệp đánh giá các điều kiện niêm yết và công bố thông tin của công ty. Trường hợp DN khởi nghiệp muốn phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng để niêm yết trên thị trường thì công ty chứng khoán/tư vấn sẽ đứng ra tổ chức bảo lãnh.
Mặc dù các quy định đối với công ty niêm yết có nới lỏng hơn, nhưng Chính phủ Hàn Quốc cũng có những quy định riêng đối với hoạt động của Sàn KONEX, nhằm bảo vệ NĐT cũng như giảm thiểu các giao dịch không lành mạnh. Chẳng hạn, đối với hoạt động đầu tư trực tiếp trên Sàn KONEX chỉ giới hạn đối với các NĐT chuyên nghiệp bao gồm Quỹ Đầu tư mạo hiểm, các NĐT là các định chế hoặc NĐT nhỏ lẻ có số tiền đặt cọc tối thiểu là 300 triệu Won.
Những NĐT nhỏ lẻ thông thường chỉ được phép đầu tư gián tiếp qua các quỹ. Sàn KONEX cũng có quy định giới hạn đầu tư hàng năm cho NĐT nhỏ lẻ, tối đa là 30 triệu Won, còn với NĐT chuyên nghiệp thì hoạt động theo Luật Dịch vụ đầu tư tài chính và thị trường vốn.
Sau 3 năm thành lập, đến nay quy mô vốn hóa thị trường trên Sàn KONEX đã tăng hơn 8 lần, đạt xấp xỉ 4,1 tỷ USD và có 108 DN niêm yết (so với 21 DN niêm yết ban đầu), chưa kể các DN chuyển sàn niêm yết. Đặc biệt, hàng năm quy mô vốn hoá thị trường của 21 DN niêm yết đầu tiên trên sàn tăng trung bình 20%. Với mức vốn hóa trung bình mỗi công ty hơn 45 triệu USD thì dù những công ty này vẫn ở trạng thái DN khởi nghiệp nhưng quy mô cũng đã đủ lớn để thu hút NĐT.
Chính sách hỗ trợ của các nhà đầu tư đối với doanh nghiệp khởi nghiệp
Yếu tố quan trọng thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp là các NĐT. NĐT có thể là một công ty, một tổ chức hoặc một cá nhân nắm giữ một lượng tiền nhất định để đầu tư vào những dự án, sản phẩm khởi nghiệp khác nhau với mong muốn thu lợi nhuận trong tương lai.
Đối với NĐT, rủi ro lớn nhất là đầu tư vào dự án không thành công hoặc sản phẩm không được khách hàng chấp nhận. Vì vậy, nhằm tránh rủi ro xảy ra, NĐT kiêm luôn chức năng tư vấn chiến lược, hoạch định, hỗ trợ xây dựng quan hệ cho DN khởi nghiệp để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đạt kết quả kinh doanh cao nhất.
Trong số các NĐT đầu tư vào DN khởi nghiệp phải kể tới “NĐT thiên thần”. Đây là những NĐT với số vốn nhỏ, thường xuất phát từ tài sản cá nhân và đầu tư cho các DN khởi nghiệp đang trong giai đoạn, phát triển ý tưởng thành sản phẩm cụ thể. Số vốn của các “NĐT thiên thần” sẽ được dùng để trang trải cho việc nghiên cứu phát triển sản phẩm để có thể tạo ra doanh thu và thu hút sự chú ý của các NĐT khác.
Các dự án đầu tư của các “NĐT thiên thần” thường có giá trị nhỏ, tính rủi ro cao, đòi hỏi thời gian chờ đợi dài (có thể tới 8 năm) và lợi nhuận chủ yếu chỉ đến sau khi DN khởi nghiệp thành công, được định giá cao khi bán lại hoặc đưa lên sàn chứng khoán.
Theo Cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa Hàn Quốc, nước này có khoảng 3,1 triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm hơn 90% tổng số lượng doanh nghiệp của quốc gia, thu hút khoảng 11 triệu lao động, chiếm 87% tổng số lượng lao động Hàn Quốc và sản xuất ra lượng sản phẩm trị giá khoảng 447 tỷ USD hàng năm.
Thêm vào đó, nguồn vốn của NĐT thiên thần chủ yếu sử dụng để trả chi phí nhân sự, marketing và bán hàng nên số vốn này khó có khả năng thu hồi nếu DN khởi nghiệp không phát triển thành công. Theo thống kê của Chính phủ Hàn Quốc, năm 2015, nước này có 6.916 “NĐT thiên thần” và chỉ có khoảng 1/3 tổng số tiền đầu tư rót vào những DN có tuổi đời dưới 3 năm.
Để hỗ trợ các DN khởi nghiệp “gọi vốn” cho giai đoạn bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh, song song với việc xây dựng Sàn Chứng khoán chuyên biệt KONEX, Chính phủ Hàn Quốc triển khai kế hoạch đầu tư 2,91 tỷ USD, trong đó phần lớn số tiền này sẽ được sử dụng đầu tư vào các DN khởi nghiệp thông qua các quỹ/”NĐT thiên thần” tư nhân.
Từ năm 2013, Chính phủ Hàn Quốc giảm bớt một số loại thuế từ bán cổ phần công ty cũng như cho phép NĐT miễn giảm thuế với điều kiện họ tái đầu tư khoản lãi từ bán cổ phần của mình từ các DN khởi nghiệp. Mặt khác, Chính phủ cũng thiết lập các quỹ đầu tư thiên thần nhà nước dành cho các DN khởi nghiệp với quy chế hoạt động đặc biệt, theo đó mặc dù sử dụng vốn của nhà nước nhưng nếu dự án đầu tư vào bị thất bại, những người đứng đầu quỹ cũng không bị truy cứu trách nhiệm.
Như vậy, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ cho các DN khởi nghiệp có được một quy trình khép kín để huy động vốn đầu tư tương ứng với từng giai đoạn phát triển của mình. Ở giai đoạn phôi thai, DN khởi nghiệp có thể sử dụng tiền của Chính phủ thông qua các quỹ đầu tư để hỗ trợ DN tồn tại, cho tới khi đạt quy mô đủ lớn thì hoạt động huy động vốn sẽ diễn ra tại Sàn KONEX. Cho đến khi đạt tới giai đoạn trưởng thành thì DN có thể chuyển sang huy động vốn tại Sàn Chứng khoán KOSDAQ.
Gợi ý chính sách cho Việt Nam
Từ những chính sách hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của Hàn Quốc có thể rút ra một số gợi ý chính sách cho Việt Nam như sau:
Thứ nhất, phân tích và đánh giá đúng thực trạng. Chúng ta cần xem xét và đánh giá đúng thực trạng triển khai hoạt động khởi nghiệp ở nước ta, nhằm làm rõ những đặc trưng của hoạt động này, những lĩnh vực và ngành/lĩnh vực mà khởi nghiệp có nhiều khả năng thành công, trình độ cũng như mức độ áp dụng công nghệ trong những ngành/lĩnh vực đó. Trên cơ sở đó, xem xét và áp dụng kinh nghiệm phù hợp của các quốc gia khởi nghiệp đi trước vào thực tiễn ở Việt Nam mới có hiệu quả.
Sự thành công sau 3 năm hoạt động của Sàn KONEX tại Hàn Quốc cho thấy, việc tạo dựng một sàn giao dịch chuyên biệt có vai trò quan trọng hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận trực tiếp nguồn vốn cần thiết cho sự phát triển của mình.
Thứ hai, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Chúng ta cần cụ thể hóa chủ trương xây dựng quốc gia khởi nghiệp bằng một chương trình quốc gia khởi nghiệp tổng thể, theo đó nêu rõ những bước triển khai cụ thể để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp.
Cụ thể như: (i) Khung khổ thể chế hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp bao gồm chính sách về thủ tục thành lập, đầu tư, thuế, thương mại hóa sản phẩm công nghệ. Điểm cần lưu ý là các chính sách ưu đãi không chỉ dành riêng cho DN khởi nghiệp, mà còn bao gồm cả NĐT bỏ vốn vào các quỹ đầu tư khi họ rót vốn cũng như thoái vốn; (ii) Chu trình hỗ trợ vốn đầu tư tương ứng với các giai đoạn phát triển của DN khởi nghiệp; (iii) Quy định hỗ trợ hoạt động của NĐT đặc biệt là NĐT thiên thần và NĐT mạo hiểm; (iv) Các biện pháp tăng cường năng lực và hoạt động của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp như hệ thống vườn ươm công nghệ hay các trung tâm thúc đẩy DN khởi nghiệp.
Thứ ba, xây dựng sàn chứng khoán chuyên biệt cho DN khởi nghiệp. Việt Nam có thể cân nhắc xây dựng Sàn chứng khoán chuyên biệt cho DN khởi nghiệp theo mô hình Sàn KONEX của Hàn Quốc. Sự thành công sau 3 năm hoạt động của Sàn KONEX cho thấy, việc tạo dựng một sàn giao dịch chuyên biệt có vai trò quan trọng hỗ trợ cho DN khởi nghiệp tiếp cận trực tiếp nguồn vốn cần thiết cho sự phát triển của mình. Mặt khác, hình thức Sàn KONEX cũng cung cấp một sàn giao dịch thuận tiện để người mua người bán gặp nhau được dễ dàng hơn, cũng như tạo khả năng thoái vốn cho các NĐT, đặc biệt là các NĐT thiên thần nhỏ lẻ.
Tóm lại, kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, khuyến khích hoạt động khởi nghiệp sáng tạo là một biện pháp điều chỉnh chính sách hữu hiệu để đối phó với tình trạng kinh tế suy giảm trước những tác động tiêu cực trong nền kinh tế thế giới.
Tài liệu tham khảo:
1. Kim, Sung Tae & Shim, Jae Hyun (2015). “Study on Successful Develomment Directions of The KONEX”, Akes Papers;
2. Lee, Inhyung. (2013). “Konex Market Status and Supplementary Measures”, Korea Capital Market Institute;
3. OECD (2016). “2016 Economic Survey of Korea”, 5/2016;
4. Yong Do Kim. (2014). “Measures to foster long-term growth of Korea New Exchange (KONEX)”, KIF Weekly Financial Brief, Vol. 14, No.31.