Nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam
Bài viết nghiên cứu về các yếu tố tác động đến hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn 2007 - 2017 theo phương pháp hồi quy Tobit. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố: Tỷ lệ tiền gửi khách hàng trên tổng tài sản; tỷ lệ giữa vốn chủ sở hữu và quy mô tổng tài sản; tỷ lệ giữa tài sản thanh khoản và tổng tài sản...
Các công trình nghiên cứu liên quan
Tập trung vào năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong việc đánh giá các yếu tố quyết định hiệu quả của các ngân hàng Trung Á giai đoạn 2003-2006, nghiên cứu của Djahlilor và Piesse cho thấy, phần lớn các tổ chức ngân hàng đều hoạt động có hiệu quả và sự kém hiệu quả của một số ngân hàng Trung Á là do hệ số an toàn vốn thấp, chất lượng tài sản kém và khả năng sinh lời thấp (J.Piesse (2007))
Nghiên cứu của Berger & Mester (1997) cho thấy, các yếu tố như quy mô của ngân hàng và chất lượng tài sản của các ngân hàng có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sử dụng nguồn lực của các ngân hàng thương mại (NHTM). Cơ cấu nguồn vốn đo lường sức mạnh nguồn vốn của ngân hàng được thể hiện qua tỷ lệ vốn chủ sở hữu so với tổng tài sản của ngân hàng là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng.
Sufian et al. (2012) phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các NHTM Malaysia giai đoạn 1995 – 1999 xung quanh cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997. Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích phi tham số DEA để đo lường hiệu quả hoạt động và phân tích hồi quy Tobit nhằm đánh giá các nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động của các NHTM Malaysia. Biến phụ thuộc của mô hình là hiệu quả hoạt động của NHTM theo DEA, các biến độc lập bao gồm: (i) Quy mô ngân hàng được đo lường bằng logarit tự nhiên của tổng tiền gửi; (ii) Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên tổng tài sản; (iii) Tỷ lệ dự phòng nợ xấu trên tổng tài sản; (iv) Tổng thu nhập ngoài lãi trên tổng tài sản; (v) Tổng chi phí ngoài lãi trên tổng tài sản; (vi) Tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản.
Ayadi (2013) phân tích các nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động của các NHTM tại Tunisian giai đoạn 1996 – 2010. Nghiên cứu ứng dụng phương pháp phân tích phi tham số để đo lường hiệu quả hoạt động của các NHTM tại Tunisian. Mô hình sử dụng biến hiệu quả chi phí theo DEA làm biến phụ thuộc và các biến độc lập lần lượt là: Chỉ số tập trung của thị trường, tỷ lệ tiền gửi của từng ngân hàng so với hệ thống, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên tổng tài sản, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản, quy mô của các ngân hàng đo lường bằng logarit thập phân của tổng tài sản và biến giả về hình thức chủ sở hữu các NHTM.
Alrafadi et al. (2014) đo lường hiệu quả hoạt động như các nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng tại Libya trong giai đoạn 2004 – 2010 thông qua bộ dữ liệu của 17 NHTM Libya. Nghiên cứu áp dụng phương pháp phân tích phi tham số DEA để đo lường hiệu quả sử dụng nguồn lực của các NHTM và hồi quy Tobit để phân tích các nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động của các NHTM Libya.
Mô hình nghiên cứu sử dụng hiệu quả kỹ thuật theo DEA làm biến độc lập và 7 biến phụ thuộc bao gồm: ROA, vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản, quy mô ngân hàng là logarit tự nhiên của tổng tài sản, thị phần tiền gửi được đo lường bằng logarit tự nhiên của tổng tiền gửi, khả năng thanh khoản chính là tỷ lệ tổng giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu trên tổng tài sản và biến phụ thuộc phản ánh hình thức sở hữu của các NHTM.
Mô hình và phương pháp nghiên cứu
Để phân tích tác động của các nhân tố đến hiệu quả hoạt động các NHTM, nhóm tác giả tiến hành phân tích theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 phân tích hiệu quả hoạt động của các NHTM theo phương pháp phân tích phi tham số với sự trợ giúp của phần mềm DEA Slover; Giai đoạn 2 sử dụng kết quả phân tích hiệu quả từ giai đoạn 1 tiến hành phân tích sự tác động của các các nhân tố riêng, đặc trưng của ngân hàng và các điều kiện thị trường khác đến hiệu quả hoạt động của các NHTM theo mô hình hồi quy Tobit dưới sự trợ giúp của phần mềm STATA. Mục tiêu tổng quát của nghiên cứu là phân tích thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động NHTM Việt Nam. Cụ thể, qua quá trình lược khảo các công trình nghiên cứu có liên quan và thực trạng hoạt động kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam. Nhóm các nhân tố được sử dụng để phân tích tác động đến hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam được trình bày như Bảng 1.
Dựa theo nghiên cứu của Tobin (1958) và Coelli cùng cộng sự (1998), mô hình Tobit chuẩn với mẫu nghiên cứu bao gồm i ngân hàng trong 1 năm được đề xuất:
Trong đó, xi và β là véc tơ các biến giải thích và các tham số cần tìm. yi * là biến biến phụ thuộc bị chặn hay biến bị cắt cụt và yi là biến hiệu quả hoạt động của ngân hàng i trong mẫu nghiên cứu nhận giá trị từ 0 đến 1; εi là phần nhiễu.
Đây là mô hình Tobit chuẩn hóa cho dữ liệu chéo, tuy nhiên, để phù hợp với dữ liệu bảng không cân bằng trong nghiên cứu và các biến phụ thuộc hiệu quả kỹ thuật, mô hình được triển khai thành:
Mô hình phân tích các nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam được thực hiện thông qua phân tích hồi quy tobit với sự trợ giúp của phần mềm STATA cho dữ liệu bảng không cân bằng thời gian nghiên cứu giai đoạn 2007– 2017.
Dữ liệu nghiên cứu
Dữ liệu nghiên cứu được lấy từ Thomson Reuter và từ nguồn báo cáo tài chính có kiểm toán (báo cáo tài chính riêng lẻ) của các NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2007-2017.
Trong nghiên cứu này, NHTM được xem như là các đơn vị trung gian tài chính và cung cấp các dịch vụ tài chính và cung cấp dịch vụ thanh toán cho các chủ thể trong nền kinh tế nên các biến đầu vào được lựa chọn với 3 biến đầu vào gồm: Chi phí nhân viên (I1), tài sản cố định (I2); tiền gửi khách hàng (I3); và các biến đầu ra bao gồm: thu nhập từ lãi (Y1); thu ngoài lãi (Y2).
Kết quả nghiên cứu và ý kiến đề xuất
Để phân tích các nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam, nghiên cứu đã sử dụng phương pháp hồi quy tobit với sự hỗ trợ của phần mềm Stata. Thông qua kết quả nghiên cứu từ mô hình rút ra được một số kết luận như sau:
Mô hình có giá trị pro b> chi2 đạt 0.000. Điều này chứng tỏ, mô hình hồi quy tobit đảm bảo độ tin cậy. Kết quả phân tích các nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam giai đoạn 2007-2017 với biến phụ thuộc là hiệu quả kỹ thuật theo DEA như sau: Biến SIZE thể hiện quy mô của các ngân hàng có ý nghĩa trong mô hình nghiên cứu với mức ý nghĩa 1% và có tác động cùng chiều phản ánh khi quy mô của các NHTM tăng dẫn đến việc gia tăng hiệu quả hoạt động khi tận dụng được lợi thế về quy mô. Biến LATA – trạng thái thanh khoản có ý nghĩa trong mô hình và tác động cùng chiều với hiệu quả hoạt động của các NHTM Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu; Biến LODE – tỷ lệ dư nợ tín dụng trên tiền gửi khách hàng có ý nghĩa trong mô hình và tác động cùng chiều với biến hiệu quả hoạt động. LODE cho biết, quy mô của hoạt động tín dụng (tạo doanh thu đầu ra) so với tiền gửi khách hàng (nguồn sử dụng để tạo doanh thu).
Với các kết quả nghiên cứu trên, các khuyến nghị giúp ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn trong giai đoạn tiếp theo gồm:
Các NHTM cần thực hiện khai thác cơ sở hạ tầng công nghệ nhằm giảm chi phí đầu tư, chi phí quản lý nâng cao hiệu quả sử dụng hạ tầng cơ sở hiện có, đặc biệt là trong việc cung cấp các dịch vụ để dần có lãi từ những hoạt động này.
Các NHTM cần có chính sách khai thác công nghệ hiệu quả thông qua việc phát triển những sản phẩm và nhóm các sản phẩm dịch vụ dựa trên công nghệ cao nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh về sản phẩm, dịch vụ, tạo ra sự đa dạng trong lựa chọn sản phẩm và tăng cường bán chéo cho khách hàng. Bên cạnh đó, việc phát triển đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ cũng sẽ góp phần phân tán và hạn chế bớt rủi ro trong quá trình hoạt động.
Tài liệu tham khảo:
1. Alrafadi, K. M., Kamaruddin, B. H., & Yusuf, M. (2014), Efficiency and determinants in Libyan banking. International Journal of Business and Social Science, 5;
2. Berger, A. N., & Mester, L. J. (1997), Inside the black box: What explains differences in the efficiencies of financial institutions? Journal of Banking & Finance, 21(7), 895-947;
3. J.Piesse, D. K. (2007), Measurement and Determinants of Efficiency in Central Asian Banks. Bournemouth University research paper, South Africa;
4. Sufian, F., Kamarudin, F., Noor, M., & Haziaton, N. H. (2012), Determinants of revenue efficiency in the Malaysian Islamic banking sector, Journal of King Abdulaziz University Islamic Economics, 25(2), 195-224;
5. Williams, J. (2012), Efficiency and market power in Latin American banking. Journal of Financial Stability, 8(4), 263-276.