Nhật Bản xem xét gói kích thích mới trị giá gần 100.000 tỷ yên
Nhật Bản đang xem xét gói kích thích mới trị giá 100.000 tỷ yên (hơn 929 tỷ USD), bao gồm phần lớn các chương trình hỗ trợ tài chính cho các công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Gói kích thích kinh tế mới được tài trợ bởi ngân sách bổ sung thứ hai cho năm tài chính hiện tại bắt đầu vào tháng Tư, tuân theo kế hoạch chi tiêu 1,1 nghìn tỷ USD được triển khai vào tháng trước để khắc phục hậu qua kinh tế do đại dịch COVID-19.
Động thái này sẽ là nỗ lực mới nhất của Tokyo nhằm hỗ trợ nền kinh tế đi đúng hướng trước cuộc suy thoái lớn nhất trong lịch sử, khi đại dịch 'đè bẹp' các doanh nghiệp và tác động đến mức chi tiêu của người tiêu dùng.
Nhật Bản đã chấm dứt tình trạng khẩn cấp đối với hầu hết các khu vực và có kế hoạch tổ chức một cuộc thảo luận vào ngày thứ Hai để quyết định xem liệu có nên thực hiện tương tự với các khu vực còn lại hay không, trong đó có cả thủ đô Tokyo.
Bộ trưởng Tài chính Taro Aso nói với các phóng viên rằng: "Nền kinh tế Nhật Bản đang ở trong tình trạng cực kỳ nghiêm trọng và chúng ta cần phải thoát ra khỏi tình trạng này càng sớm càng tốt".
Ngân sách bổ sung thứ hai, trị giá 100 nghìn tỷ yên (929,45 tỷ USD), sẽ bao gồm 60 nghìn tỷ yên để mở rộng các chương trình cho vay thông qua các tổ chức tài chính tư nhân và liên kết với nhà nước, qua đó cung cấp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Trong khi đó, 27 nghìn tỷ yên sẽ được dành cho các chương trình hỗ trợ tài chính khác, bao gồm 15 nghìn tỷ yên cho một chương trình mới nhằm cung cấp vốn cho các công ty đang gặp nhiều khó khăn.
Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ phê duyệt ngân sách này, trong đó cũng sẽ bao gồm các khoản trợ cấp để giúp các công ty trả tiền thuê nhà và tiền lương khi họ đóng cửa các doanh nghiệp, tại một cuộc họp nội các vào ngày thứ Tư.
Nhật Bản đã rơi vào suy thoái trong quý vừa qua, tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán nền kinh tế của nước này sẽ còn giảm thêm 22% trong quý II/2020 do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng COVID-19. Tình hình này đã buộc chính phủ phải tăng nợ công, vốn đang ở mức gấp 2 lần Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), để chi cho những kế hoạch chi tiêu lớn.
Trước đó, Ngân hàng Nhật Bản cũng đã mở rộng các chương trình kích thích tiền tệ trong 2 tháng liên tiếp và cam kết sẽ mua thêm trái phiếu để giữ chi phí vay ở mức 0.
"Khung chính sách của chúng tôi có thể giữ mức lãi suất ổn định trong dài hạn ngay cả khi chính phủ tăng phát hành trái phiếu", Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho biết.