Nhật ký về các kiểu sale mùa hè ở Mỹ

Theo cafef.vn

Trước khi đi Mỹ, tôi nhận được lời khuyên nhớ canh mua hàng sale (giảm giá) rẻ lắm. Vốn không phải tín đồ mua sắm, tôi phớt lờ lời khuyên này. Ấy vậy mà tôi cũng bị “thuốc” bởi đủ cách bán hàng sale.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sale từ shop…

Đến Mỹ đúng vào dịp Summer sale (giảm giá mùa hè), và July-fourth (4/7 – ngày lễ Quốc khánh Mỹ), đi đâu cũng thấy các cửa kính chói loà: “On sale 50 – 70%” hoặc “all sale 50%”, từ mall (phố mua sắm lớn) đến outlet (các khu tập trung bán hàng hiệu giảm giá). Mua hai tặng một, mua cái thứ nhất thì được giảm giá 50% cái thứ hai, mua bốn tính tiền ba... rất quen thuộc với người tiêu dùng Mỹ. Thỉnh thoảng lại thấy các anh chàng cầm bảng quảng cáo “50% – 60% off... đủ loại” nhảy múa tưng bừng ngoài các cửa hàng chào mời khách trong cái nắng oi ả.

Mùa hè, 7, 8 giờ tối trời vẫn sáng trưng, nên không chờ đến cuối tuần các mall (phố mua bán lớn) mới đông, mà sau giờ làm việc ngày thường đã thấy chỗ nào cũng hàng dãy người xếp hàng trước các cửa hàng. Mỗi mall rộng khoảng vài chục hecta, với cả trăm cửa hàng đủ mọi thương hiệu nổi tiếng, đi trễ khó mà tìm được chỗ đậu xe, vì vậy mỗi lần đi mall là mất cả ngày mới đã. Bước vào mall thì mát rượi, mùi thơm thoang thoảng, tiếng nhạc du dương trầm bổng làm người ta quên đi nắng nóng, ai cũng náo nức tìm mua. 

Tuy vậy, các cửa hàng chính hiệu dù đã sale rồi nhưng một cái quần jean Levis cũng còn 50 – 70 USD là bình thường, túi xách Coach xoàng xoàng cũng phải trên 100 USD. Người quen sống lâu ở Mỹ mách bảo, muốn mua được hàng hiệu vừa túi tiền thì phải vào các shop của T-J –Maxx, Marshall, hay Ross – ba hệ thống cửa hàng chuyên bán đủ loại hàng hiệu tồn kho giá rất rẻ. 

Những nơi này, một túi xách Tommy chỉ khoảng 29 USD, đôi giày Puma 25 USD, áo thun Adidas từ 7 – 15 USD. Không chỉ quần áo, giày dép nơi đây còn bán đủ các mặt hàng từ mỹ phẩm, đồ chơi, đồ nhà bếp... rẻ thấy ham, thích nhất là bảo đảm đúng hàng hiệu. Mua xong được đổi, trả thoải mái… Mà bạn cũng đừng tưởng những nơi này kém sang trọng, cũng lộng lẫy, sáng loà, phục vụ chu đáo như bất kỳ tiệm hàng hiệu chính gốc nào. Thích nhất là tha hồ lựa chọn, tha hồ thử quần áo chẳng ai phàn nàn, lúc nào các nhân viên bán hàng cũng tươi cười, tận tình phục vụ. 

Khi tôi xách mấy cái túi ra quầy tính tiền cũng là lúc sắp đến giờ đóng cửa. Cô nhân viên thoăn thoắt scan giá hàng và trừ đi 65% giảm giá, tuy vậy hoá đơn cũng lên đến hơn 300 USD, ngoài dự toán của tôi… Tôi nói, “Xin lỗi, tôi không đủ tiền, để tôi bỏ lại vài món”.

Dù đã gần giờ về, cô bán hàng vẫn vui vẻ: “Mời bà, cứ tự nhiên”. Bỏ ra vài món thì số tiền phải trả tính cả thuế tròm trèm 200USD. Bước ra khỏi tiệm lúc này tôi mới cảm thấy mệt mỏi và hoa mắt suýt chút nữa thì đâm sầm vào cửa kính trong suốt trước mặt. Đây là lần đầu tiên tôi vào Ross ở thành phố Dallas, Texas. Sau này được vài lần đến Marshall tôi đã tự tin và thành thạo hơn, không cần thử, chỉ chọn mang về… không thích thì lại trả, thậm chí nếu thấy lần sau giá sale nhiều hơn mang đến đổi cũng được. Kiểu bán hàng như vậy thì làm sao mà kềm lòng cho đặng!

… Đến garage

Nhà ở Mỹ, đa phần đều có garage thường thì đủ chỗ cho hai chiếc xe hơi, rộng hơn thì được ba bốn chiếc. Và nhiều nhà cứ để xe ngoài đường, tận dụng garage làm kho chứa đồ. Ở lâu mới biết, cái thú đi mua hàng sale không chỉ riêng có ở khách du lịch mà đa phần người Việt nào ở Mỹ cũng thích mua hàng sale. Cuối tuần đi siêu thị hay shopping thấy hàng sale là mua, nhiều khi chưa dùng đến cứ chất chồng, chất đống trong tủ lạnh, garage…

Nhật ký về các kiểu sale mùa hè ở Mỹ (1)
Không ai biết được vòng đời của mấy món hàng bán ở đây đã được sale bao nhiêu lần, qua bao nhiêu chủ. Chỉ thấy ưng ý, là lạ là mua. (Ảnh minh họa). nguồn: internet

Cô bạn tôi qua Mỹ gần mười năm, cho biết cái thú mua sắm quần áo trong mall của cô chưa bao giờ vơi, quần áo trong tủ không hề trống, treo chật đến nỗi có những món không hề nhớ, đã mua lúc nào. Khi tủ hết chỗ chứa, garage quá bề bộn thì cả nhà xúm vô dọn mở cửa garage bán sale. Cuối tuần đi trên đường thường thấy có bảng đề “Garage Sale”, kèm mũi tên chỉ dẫn vào tận từng nhà. Vào đây mua hàng thật thú vị, hàng gì cũng có bán rẻ rề. 

Món nhỏ nhỏ 50 cent, 1 USD, nhiều lắm thì vài USD/món. Một cái áo sơmi còn mới nguyên, giá 49 USD, sale còn 16 USD; nhưng bán ở garage sale chỉ có 1 USD có lẻ vì nó đã bị chủ nhà bỏ quên lâu quá, lỗi thời. Bạn tôi kể, thích nhất là mua được những bức tranh đẹp, hay đồ trang trí nhà cửa “made in Italy” hay Japan hẳn hoi, giá chỉ vài USD. Cô bạn chẳng giấu giếm gì khi cho biết lúc mới qua Mỹ, 90% đồ dùng trong nhà của cô là hàng mua từ garage sale. Bây giờ khá giả hơn, sắm đồ mới, cô lại dọn ra garage sale… Bởi vậy không ai biết được vòng đời của mấy món hàng bán ở đây đã được sale bao nhiêu lần, qua bao nhiêu chủ...; chỉ thấy, ưng ý, là lạ là mua.

Hai ngày cuối tuần cả nhà bán được chừng trăm USD là nhiều, dưới cái nóng hầm hập của garage, nên nhà giàu thường không chọn cách sale hàng kiểu này mà dọn ra đường cho không các tổ chức từ thiện. Các cơ quan này, gom hàng về làm vệ sinh rồi lại tập kết hàng vào các cửa hàng “Good Will”. Những nơi này bán rẻ như cho, chịu khó sưu tầm cũng được những món hàng thật đã, tôi mua được một bộ nồi Vision ba cái mới nguyên ở một Good Will tại San Diego chỉ 3 USD, một bộ dao 12 món chỉ có 2 USD… Các tổ chức này thường gửi thư đến từng nhà, thông báo rõ lịch hàng tuần, hàng tháng họ sẽ đi gom hàng để chủ nhà chuẩn bị.

Một dạng sale khác cũng rất phổ biến ở Mỹ là “moving sale”, bán sale tất cả đồ dùng trong nhà. Thường khi nhà bị nhà băng kéo (ngân hàng thu hồi khi chủ nhà chậm trả tiền góp nhà quá ba tháng), hoặc phải dời nhà đi nơi khác… Dù rất thèm muốn nhiều bộ bàn ghế, tủ giường nơi đây tôi cũng đành chào thua. Ngoài ra estate sale, cũng tương tự moving sale, nhưng chỉ khác là chủ nhân không di chuyển mà lìa xa cõi đời.

Với đủ kiểu sale như trên, thì dù giàu hay nghèo ai cũng có cơ hội mua sắm, ai cũng được khuyến khích mua sắm… Mua sắm càng nhiều thì kinh tế càng phát triển, đó là mong muốn không chỉ của người dân mà Chính phủ Mỹ đang tìm mọi cách cổ vũ để phục hồi nền kinh tế. Cũng vì thế mà kỹ nghệ sale của Mỹ không muốn bỏ sót một khách hàng nào. Tôi bị “thuốc” cũng phải thôi!