Bị ông Trump “đe” áp thuế ô tô, Nhật chấp nhận đàm phán FTA với Mỹ
Nhật Bản từ lâu đã không muốn ký một thỏa thuận tự do thương mại (FTA) song phương với Mỹ. Tuy nhiên, đứng trước lời cảnh báo áp thuế lên ô tô nhập khẩu mà Tổng thống Donald Trump đưa ra, có vẻ như Tokyo đã buộc phải thay đổi lập trường.
Theo tin từ CNBC, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và ông Trump ngày 26/9 đã nhất trí khởi động đàm phán thương mại - một động thái có thể sẽ giúp các hãng xe Nhật tạm thời tránh được mức thuế bổ sung 25% khi xuất khẩu ô tô và phụ tùng sang Mỹ như ông Trump đe dọa.
Tuy vậy, việc chấp nhận đàm phán thương mại với Mỹ được xem là một sự nhượng bộ của ông Abe, và trong cuộc đàm phán này, Nhật sẽ phải thận trọng với yêu cầu của Mỹ về mở cửa thị trường nông sản vốn là một vấn đề rất nhạy cảm ở đất nước mặt trời mọc.
"Đây là một việc mà vì một số lý do, trong nhiều năm qua, Nhật Bản không muốn làm, nhưng giờ đây họ đã sẵn sàng làm", ông Trump phát biểu tại một cuộc gặp với ông Abe tại New York.
Trước khi ông Trump đưa ra lời đe dọa áp thuế ô tô, Nhật Bản đã nói rõ rằng họ muốn có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thỏa thuận mà ông Trump rút lui vào năm 2017, hơn là một FTA Mỹ-Nhật. Giờ đây, khi hai nước chuẩn bị bước vào đàm phán thương mại, ông Abe rất có thể sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích của dư luận trong nước.
Công ty phân tích Stratfor trong một báo cáo ra ngày 26/9 cho rằng với vị thế khó khăn của Nhật hiện nay - hoặc phải làm ông Trump hài lòng hoặc bị áp thuế lên mặt hàng xuất khẩu chủ lực là ô tô - Chính phủ của ông Abe sẽ phải rất thận trọng trong cuộc đàm phán song phương với Mỹ.
Trong một tuyên bố chung, Washington và Tokyo nói sẽ đàm phán để đạt "một Thỏa thuận Thương mại Mỹ-Nhật về hàng hóa và dịch vụ".
Việc tuyên bố này không bao gồm cụm từ "thỏa thuận tự do thương mại" (FTA) được xem là có ý nghĩa quan trọng - theo ông Glen Fukushima, chuyên gia cấp cao thuộc viện nghiên cứu chính sách Center for American Progress. "Phía Nhật không muốn dùng từ FTA vì từ đó khiến họ bị xem là chuyển từ cách tiếp cận đa phương sang song phương", ông Fukushima nói với CNBC.
Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng tỏ ra bi quan về việc Nhật Bản chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán thương mại với Mỹ. Một số cho rằng đây không hẳn là một sự nhượng bộ lớn của Tokyo.
Theo ông Robert Holleyman, Phó đại diện thương mại Mỹ trong thời gian 2014-2017, Nhật Bản giờ đây tin rằng họ có thể dẫn dắt các thỏa thuận đa phương như TPP-11 đồng thời với ký kết một thỏa thuận với Mỹ. "Thật tốt khi chúng ta đã thoát khỏi quan niệm cho rằng chỉ được chọn một trong hai", ông Holleyman nói, đồng thời cho rằng một thỏa thuận Mỹ-Nhật có thể dẫn tới việc Mỹ trở lại TPP.
Đội đàm phán thương mại của ông Trump, dưới sự dẫn đầu của đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, được dự báo sẽ gây áp lực lớn cho phía Nhật, đặc biệt trong vấn đề nông nghiệp - lĩnh vực mà hàng Mỹ khó vào Nhật vì thuế nhập khẩu cao.
Chẳng hạn, thịt bò Mỹ vào Nhật hiện bị áp thuế quan 38,5%. Trong khi đó, Australia - một nước có thỏa thuận thương mại song phương với Nhật - chỉ chịu mức thuế 27,2% khi xuất khẩu thịt bò sang Nhật. Mức thuế đối với thịt bò Australia sắp tới sẽ giảm về 19%, nên Mỹ càng muốn sớm có một thỏa thuận với Nhật.