Nhiều biện pháp kiên quyết xử lý doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội
Nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) là nỗi nhức nhối của toàn xã hội và nếu không có cách giải quyết triệt để thực trạng này, người lao động sẽ là đối tượng thiệt thòi nhất. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai địa phương nằm trong danh sách có số nợ đọng bảo hiểm thuộc top đầu. Thời gian qua, hai đơn vị này phối hợp với các cơ quan hữu quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp ngăn chặn tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
BHXH Hà Nội quyết liệt đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra
Kết quả thực hiện thời gian qua cho thấy, tình hình nợ đọng BHXH của Hà Nội đang diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của BHXH Hà Nội, tính đến hết tháng 9/2019, số tiền nợ BHXH phải tính lãi là 1.989,4 tỷ đồng (tăng 136,3 tỷ đồng so với tháng 8/2019), chiếm 4,27% so với số phải thu.
Giám đốc BHXH Hà Nội - ông Nguyễn Đức Hòa cho biết, đơn vị này đã rất chủ động, quyết liệt phối hợp các sở, ban, ngành tăng cường đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
BHXH Thành phố đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 3.512 đơn vị sử dụng lao động với số tiền nợ là 651,4 tỷ đồng và thu hồi được 362,1 tỷ đồng (đạt 55,6%), cũng như phối hợp với BHXH các quận, huyện kiểm tra tại 1.875 đơn vị sử dụng lao động, thu hồi được 103/146 tỷ đồng (đạt 70,5%).
Đồng thời, việc thanh tra, kiểm tra tại BHXH các quận, huyện, thị xã cũng được thực hiện thường xuyên, trong đó, Hoàng Mai, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Long Biên là những đơn vị có số cuộc thanh tra, kiểm tra nhiều nhất.
Lãnh đạo BHXH Hà Nội, cho biết, nguyên nhân số tiền nợ tăng cao là do nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hoạt động cầm chừng.
Số tiền nợ ở khối DN ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn. Số DN giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý nợ BHXH, BHYT đối với DN giải thể, ngừng hoạt động… chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật.
Bên cạnh đó, nhận thức của người sử dụng lao động về BHXH, BHYT, BHTN còn hạn chế, chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tuyển dụng, sử dụng lao động dẫn đến quyền lợi chính đáng của người lao động không bảo đảm. Công tác đôn đốc, thanh kiểm tra các đơn vị, DN nợ BHXH, BHYT, BHTN ở một số nơi chưa sâu sát…
Về phía BHXH TP. Hà Nội, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động về các chế độ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn và đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ nợ BHXH năm 2019 xuống dưới 2%, đơn vị này đề nghị các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường tuyên tuyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, thường xuyên nhắc nhở các DN thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động hàng tháng đúng quy định; phối hợp với cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN...
BHXH TP. Hà Nội cũng đề nghị các cơ quan: Công an, Viện Kiểm sát, TAND xem xét, xử lý hình sự đối với những đơn vị, DN vi phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015; Liên đoàn Lao động Thành phố tiếp tục chỉ đạo Công đoàn cơ sở khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với các DN nợ đóng BHXH để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.
BHXH TP. Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra xử lý nợ đọng BHXH
Từ đầu năm đến nay, Cơ quan BHXH TP. Hồ Chí Minh đã chuyển Cơ quan điều tra, Công an Thành phố danh sách hơn 30 DN nợ BHXH đề nghị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Dư luận đang trông chờ các cơ quan thực thi pháp luật xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến nợ đọng BHXH, nhất là khi Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2019 hướng dẫn thực thi một số điều Bộ luật Hình sự về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Giữa tháng 8/2019, BHXH TP. Hồ Chí Minh có công văn gửi Công an Thành phố danh sách hơn 20 DN nợ BHXH và đề nghị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.
Ước tính tổng số tiền các DN này nợ BHXH gần 50 tỷ đồng, kéo dài nhiều năm liền làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của hàng trăm công nhân, người lao động (NLĐ). Đó là, Công ty cổ phần Vĩnh Cửu tính đến tháng 6/2019 nợ hơn 6,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Sản xuất Thương mại dịch vụ Thanh Tiên nợ hơn 4,1 tỷ đồng, Công ty TNHH Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn nợ hơn 1,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong danh sách BHXH TP. Hồ Chí Minh chuyển sang cơ quan Công an Thành phố đề nghị xử lý hình sự còn có các DN nợ đọng kéo dài như Công ty TNHH Thương mại Minh Khang, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải Thanh, Công ty TNHH Kiến trúc N.Q.H, Công ty Cổ phần Xây dựng Phú Khang Gia, Công ty Đầu tư Thương mại dịch vụ Việt Úc…
Trước đó, BHXH Thành phố cũng chuyển Công an TP. Hồ Chí Minh điều tra làm rõ 10 DN nợ đọng BHXH với số tiền hơn 30 tỷ đồng. Theo BHXH TP. Hồ Chí Minh, 10 DN này đều bị cơ quan BHXH thanh tra trong năm 2018, có kết luận thanh tra và sau đó có quyết định xử phạt hành chính nhưng vẫn không khắc phục nợ đọng, thậm chí từ đó đến nay còn tiếp tục nợ BHXH, BHYT, BHTN làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của NLĐ.
Tính đến tháng 8/2019, cơ quan BHXH TP. Hồ Chí Minh đã chuyển danh sách hơn 30 DN sang cơ quan công an để đề nghị xử lý hình sự do nợ đọng BHXH. Giám đốc BHXH TP. Hồ Chí Minh cho biết: Ngày 16/8, TAND tối cao đã công bố Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự, gồm Điều 214 về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều 215 về tội gian lận BHYT và Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ.
Với Nghị quyết đã được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2019, chính là cơ sở để xử lý các vụ việc nợ đọng BHXH, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, là công cụ quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện hiệu quả công tác quản lý BHXH, BHYT, BHTN.