Nhiều chính sách thuế tiếp sức cho doanh nghiệp

THÚY HẰNG

(Tài chính) Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2014, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ một số giải pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển. Động thái này có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi trong điều kiện còn nhiều khó khăn hiện nay, DN rất cần sự chia sẻ của Nhà nước…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tăng cưng h tr

Thời gian qua, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã xuất hiện nhiều dấu hiệu tích cực, song nhìn chung vẫn đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức. Để hỗ trợ DN ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2014, Bộ Tài chính đã đề xuất một loạt giải pháp về thuế trình Chính phủ và Quốc hội. Ngay lập tức những đề xuất này đã nhận được sự đồng thuận của Chính phủ và sự ủng hộ từ phía cộng đồng DN, người dân. Quan trọng hơn, nó được xem như là động lực quan trọng, “chia lửa” thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII (tháng 10/2014) xem xét đưa vào Nghị quyết của Quốc hội 15 giải pháp về thuế hỗ trợ DN. Các giải pháp tiếp tục mở ra nhiều ưu đãi về thuế cho DN và người dân. Cụ thể, đề xuất Quốc hội bổ sung quy định nguyên tắc áp dụng ưu đãi thuế TNDN; Bổ sung ưu đãi thuế TNDN đối với công nghiệp hỗ trợ; Thuế TNDN đối với phần thu nhập của DN chuyển về nước của các dự án do DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Bổ sung ưu đãi thuế đối với dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12 nghìn tỷ đồng và phạm vi tác động sâu, rộng tới kinh tế - xã hội; Bổ sung ưu đãi thuế TNDN năm 2014 -2015 đối với DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, khống chế 15% đối với chi phí quảng cáo, không khống chế đối với các khoản chi tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị...

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn đề xuất giải pháp về việc khấu trừ, hoàn thuế Giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hoá là tài sản cố định của dự án đầu tư thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường. Đồng thời, không thu thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp. Xoá nợ tiền phạt chậm nộp thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 của DN gặp khó khăn khách quan và đã nộp thuế trong năm 2014.

Hiện nay, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chưa thuộc lĩnh vực được ưu đãi thuế TNDN. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã có mới chỉ áp dụng một số ưu đãi về thuế nhập khẩu, về khả năng tiếp cận tín dụng. Các ưu đãi về thuế TNDN, ưu đãi về tiền thuê đất, tiền sử dụng đất chưa đủ để khuyến khích DN mở rộng đầu tư phát triển những lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trước yêu cầu hội nhập, Bộ Tài chính đề xuất cho bổ sung lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được áp dụng ưu đãi thuế TNDN ở mức cao. Bởi đây là giải pháp quan trọng, giúp các ngành sản xuất trong nước chủ động được nguồn nguyên vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện... đầu vào, chủ động lựa chọn được nhà cung cấp, giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh và nhất là tránh được sự lệ thuộc vào nguồn cung nước ngoài.

Gia hn np thuế

Bộ Tài chính cũng đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế không quá 60 ngày đối với số tiền thuế GTGT của máy móc, thiết bị nhập khẩu, để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư mà tổng giá trị nhập khẩu từ 100 tỷ đồng trở lên. Cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế trước kiểm tra sau chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị hoàn thuế của DN. Đồng thời, gia hạn thời hạn nộp thuế tối đa không quá 02 năm đối với DN thực hiện dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) mà NSNN chậm thanh toán. Số thuế được gia hạn không vượt quá số tiền NSNN còn nợ và thời gian gia hạn không vượt quá thời gian NSNN còn nợ.

Đối với nội dung quản lý thu những sắc thuế có 02 mức thuế suất, 02 phương pháp xác định thuế khác nhau, Bộ Tài chính đề xuất cho phép cá nhân chuyển nhượng bất động sản được lựa chọn phương pháp tính thuế 25% trên thu nhập từng lần chuyển nhượng; hoặc 2% trên giá bán từng lần chuyển nhượng. Ngoài ra, cho phép cá nhân chuyển nhượng chứng khoán được lựa chọn phương pháp tính thuế 20% trên thu nhập năm và cuối năm quyết toán; Hoặc nộp thuế 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần chuyển nhượng và cuối năm không quyết toán thuế.

Tiếp sc cho ngư dân bám bin

Trong đề xuất về thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Bộ Tài chính nêu ra một giải pháp nhằm khuyến khích các dịch vụ hậu cần phục vụ cho hoạt động khai thác hải sản, góp phần đảm bảo an ninh trên biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đó là, miễn thuế TNCN đối với thu nhập của chủ tàu từ hoạt động cung cấp dịch vụ trực tiếp, phục vụ hoạt động khai thác hải sản xa bờ. Như vậy, bên cạnh các chủ tàu trực tiếp khai thác hải sản xa bờ đã được miễn thuế TNCN theo quy định hiện hành, các chủ tàu có dịch vụ hậu cần cung cấp nước ngọt, xăng dầu cho tàu đánh cá cũng sẽ sớm được miễn thuế TNCN, nếu đề xuất của Bộ Tài chính được Chính phủ và Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm 2014.

Cũng trong dự kiến miễn, giảm thuế TNCN, Bộ Tài chính đề xuất cho phép miễn thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động Việt Nam và thuyền viên làm thuê cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế. Trên thực tế, cá nhân là thuyền viên làm việc cho hãng tàu nước ngoài, cùng mức lương được chủ tàu trả thì thu nhập thực nhận của người Việt Nam thường thấp hơn so với người nước ngoài, do chịu thuế TNCN hoặc do chủ tàu phải trả thuế TNCN cho thuyền viên Việt Nam. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của lao động là thuyền viên Việt Nam.

Đồng thời, cá nhân Việt Nam là thuyền viên làm việc cho các hãng tàu vận chuyển hàng hóa, đánh bắt hải sản là đối tượng đặc thù thường không hiện diện ở nước nào quá 183 ngày, cho nên không là đối tượng cư trú của nước ngoài. Việc miễn thuế này sẽ phù hợp với đặc thù của hoạt động xuất khẩu lao động là thuyền viên làm việc cho các hãng tàu nước ngoài và đảm bảo công bằng với người lao động nói trên.

Các giải pháp về thuế đều hướng tới giải quyết những khó khăn vướng mắc của DN. Trong đó, tác dụng quan trọng của nó là thu hút vốn đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển mạnh từ một số nước trong khu vực vào Việt Nam. Từ đó, tiếp thêm nguồn lực cho DN, tạo việc làm và thu nhập cho một lực lượng lao động trong nước.

Việc thực hiện các giải pháp này, trước mắt sẽ làm giảm thu NSNN nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, rất cần sự chia sẻ của Nhà nước với DN và người dân. Khi DN giảm bớt phần nào khó khăn, hồi phục và phát triển sản xuất kinh doanh trở lại sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần tăng thu cho NSNN.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 8 - 2014