Nhiều địa phương ngại cung cấp thông tin về đất đai
(Tài chính) Theo quy định, một số loại thông tin về đất đai bắt buộc phải được công khai trên các trang thông tin điện tử hoặc tại trụ sở chính quyền tỉnh, huyện, xã. Tuy nhiên, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, nhiều địa phương, nhất là cấp huyện, xã vẫn ngại cung cấp thông tin, thậm chí có hành vi cản trở việc tiếp cận thông tin.
Nghiên cứu công khai thông tin quản lý đất đai là một phần của Dự án Minh bạch Việt Nam do Ngân hàng Thế giới thực hiện mới đây. Các thông tin được khảo sát như thủ tục hành chính liên quan, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quyết định thu hồi, thông tin về giao đất, thông tin về các loại phí, thuế…
Nhóm chuyên gia đã kiểm tra tình hình công khai các thông tin trên trang web của 63 tỉnh, thành cũng như tại các cơ quan chức năng của từng tỉnh, 126 huyện và 321 xã vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014.
Khi nghiên cứu viên đến xã Tân Hòa, huyện Lai Vung của tỉnh Đồng Tháp để tiếp cận một số thông tin về đất đai mà theo quy định phải được công khai thì bị đại diện chính quyền chất vấn và áp giải tới đồn công an. Điều tương tự xảy ra tại phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai. Ở nhiều địa phương, cán bộ từ chối cung cấp thông tin hoặc yêu cầu phải có giấy giới thiệu giải thích lý do tìm kiếm thông tin.
Theo bà Trần Thị Lan Hương, đồng tác giả của báo cáo nghiên cứu, văn hóa xin cho vẫn tồn tại ở rất nhiều nơi. Dù đã có cơ sở pháp lý chắc chắn cho việc công khai thông tin song nhiều địa phương, muốn có được thông tin vẫn phải xin phê duyệt của lãnh đạo địa phương như ở Cà Mau, Bình Dương, Vĩnh Phúc.
“Những con số này cho thấy rõ tình trạng thiếu hiểu biết của những người làm công tác quản lý đất đai ở địa phương. Bởi theo pháp luật, công chức có trách nhiệm cung cấp thông tin và người dân dù không có giấy giới thiệu vẫn được quyền tiếp cận thông tin”, bà Hương nói.
Sẽ có nghị định công bố thông tin về đất đai
Đánh giá về việc công khai thông tin quản lý đất đai ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho rằng: “Đã có cải thiện nhưng chưa đáp ứng được những quy định về minh bạch thông tin”.
Báo cáo cũng chỉ ra, những khó khăn trong công khai thông tin đến với người dân chủ yếu là do thái độ, năng lực và công tác của chỉ đạo của cơ quan chức năng địa phương.
Theo bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nâng cao minh bạch trong quản lý đất đai là một vấn đề then chốt nhằm sử dụng tài nguyên đất hiệu quả và bền vững hơn. TSKH Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, công khai thông tin đất đai là việc nên làm, để người dân có thể cùng tham gia quản lý đất đai.
Ví dụ, chúng ta có thể công khai những ai được ở nhà công vụ, những ai đã về hưu rồi vẫn còn ở nhà công vụ. Một xã hội công khai sẽ tạo được lòng tin của người dân. Với những thông tin không phải thông tin mật thì cần được cung cấp, có thể được công khai trên mạng hoặc công khai tại chỗ.
Nhóm nghiên cứu đề xuất cần xây dựng một luật công bố thông tin về đất đai, quy định các thông tin được công khai, những thông tin ngoại lệ.
Đánh giá về nghiên cứu, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, báo cáo nghiên cứu này sẽ là nguồn tư liệu tham khảo đối với các cơ quan quản lý đất đai, giúp tăng cường việc công khai thông tin đất đai tại Việt Nam.
Về khuyến nghị Việt Nam cần xây dựng Luật công bố thông tin về đất đai, theo ông Hiển, có lẽ sẽ mất nhiều thời gian do quy trình xây dựng văn bản. Trong năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cung cấp thông tin về đất đai.
Trong văn bản này, Nhà nước sẽ quy định rõ thông tin nào cung cấp thì người dân phải trả tiền và thông tin nào cung cấp miễn phí, thông tin nào không được cung cấp, hình thức cung cấp, trách nhiệm của cơ quan các cấp ra sao?