Nhiều địa phương tăng trưởng nhanh nhờ triển khai thành công quy hoạch tỉnh


Một số địa phương được phê duyệt quy hoạch tỉnh đang tổ chức thực hiện thành công, đạt tốc độ tăng trưởng GRDP nhanh nổi bật như Bắc Giang (đạt 13,45%), Quảng Ninh (11,03%), Hà Tĩnh (đạt 8,05%)…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Đ. Thanh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu. Ảnh: Đ. Thanh

Phát biểu tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra sáng 9/1, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, công tác quy hoạch có vai trò rất quan trọng.

“Việc lập và triển khai quy hoạch thời kỳ 2021 -2030 phải là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, là cơ hội quý để tạo ra không gian phát triển mới và động lực phát triển mới trong phát triển đất nước, vùng và địa phương”, ông Dũng nhấn mạnh.

Đến nay, toàn quốc đã cơ bản hoàn thành việc lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; đã phê duyệt hoặc thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia, 1 quy hoạch vùng, đang hoàn thiện trình 5 quy hoạch vùng.

Đặc biệt, toàn quốc đã hoàn thành thẩm định xong 59/63 quy hoạch tỉnh, trong đó đã phê duyệt 50/63 quy hoạch tỉnh; còn 4 địa phương chưa hoàn thành thẩm định quy hoạch, gồm Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, riêng với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai thành phố lớn, quan trọng của cả nước, việc lập quy hoạch rất phức tạp, đòi hỏi phải làm kỹ lưỡng.

Số lượng quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh giảm khoảng 97% so với thời kỳ trước (giảm từ trên 3600 quy hoạch còn 111 quy hoạch).

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các quy hoạch quốc gia được thông qua và phê duyệt đã cơ bản xác định lộ trình phát triển, tổ chức không gian phát triển và hệ thống hạ tầng khung của cả nước trong thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn dến năm 2050.

“Quan điểm lập quy hoạch là phát triển có trọng tâm, trọng điểm và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, bền vững tài nguyên; phát triển bao trùm, nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, liên kết vùng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Phương pháp lập quy hoạch theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành chú trọng việc xem xét tổng thể và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan trong lập quy hoạch nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Quan trọng hơn, công tác tổ chức thực hiện quy hoạch được phê duyệt đã đạt được các kết quả nổi bật bước đầu. Cụ thể, đẩy nhanh xây dựng hệ thống đường cao tốc và các hạ tầng khung quốc gia; tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2023, hơn 36 tỷ USD trong năm 2023.

Đáng chú ý, một số địa phương được phê duyệt quy hoạch tỉnh đang tổ chức thực hiên quy hoạch thành công, đạt tốc độ tăng trưởng GRDP nhanh nổi bật, như: Bắc Giang (tỉnh phê duyệt quy hoạch đầu tiên cả nước và có tăng trưởng cao nhất cả nước trong năm 2023), Hà Tĩnh (tỉnh phê duyệt quy hoạch thứ hai và có tăng trưởng cao nhất vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung trong năm 2023), Quảng Ninh (tỉnh phê duyệt quy hoạch thứ ba và có tăng trưởng cao nhất vùng Đồng bằng sông Hồng trong năm 2023).

Với kết quả trên, cùng với những định hướng quan trọng của Trung ương Đảng tại văn kiện Đại hội XIII, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…, là những cơ sở quan trọng để giúp cho việc hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin tưởng.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đ. Thanh
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đ. Thanh

Tại Hội thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham vấn, lấy ý kiến của các Bộ và các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học đối với bản Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, cơ quan lập quy hoạch sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để sớm tổ chức thẩm định và trình phê duyệt theo quy định.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để thành phố Hà Nội triển khai xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển gắn với việc khai thác, huy động và sử dụng các nguồn lực trong thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn