Tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở
Ngày 7/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) tổ chức Phiên họp thứ 28 để thảo luận, cho ý kiến về tình hình, kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo trong 6 tháng đầu năm 2025, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm và một số nội dung quan trọng khác.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chủ trì phiên họp.
Ban Chỉ đạo đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được triển khai quyết liệt, bài bản, với nhiều cách làm mới, mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân vào các chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước.
Nổi bật là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được tập trung cao độ, quyết liệt, với nhiều chủ trương, quan điểm mới, vừa phục vụ các nhiệm vụ chiến lược, vừa khắc phục những sơ hở, bất cập, chuyển mạnh trọng tâm sang phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Từ đầu năm đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 100 văn bản quan trọng về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Quốc hội ban hành mới 38 luật, 45 nghị quyết; Chính phủ ban hành hơn 300 nghị quyết, nghị định, chỉ thị… để thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng.

Việc rà soát, xử lý các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, nguy cơ thất thoát, lãng phí được tiến hành khẩn trương để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.
Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay đã xác định có hơn 2.800 công trình, dự án chậm tiến độ, có khó khăn, vướng mắc, nguồn lực tồn đọng rất lớn. Qua rà soát, bước đầu đã giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 867 công trình, dự án trong số này để đưa vào khai thác, tiếp tục đầu tư, khởi động đầu tư.
Thanh tra Chính phủ quyết liệt thực hiện nghiêm kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo, trong thời gian ngắn đã hoàn thành thanh tra 2 dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức, làm rõ mức độ lãng phí và các sai phạm, tạo cơ sở để tiếp tục triển khai, sớm đưa 2 dự án vào khai thác, vận hành, được dư luận xã hội đánh giá cao
Các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra một số vụ án gây thất thoát, lãng phí lớn tài sản của Nhà nước, qua đó khẳng định chủ trương đẩy mạnh phòng, chống lãng phí là đúng đắn, kịp thời, là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên phải làm ngay.
Các cơ quan chức năng đã tập trung kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Công tác phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được tập trung triển khai đồng bộ, có hiệu quả gắn với hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt nhiều kết quả. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực…

Tại Phiên họp này, Ban Chỉ đạo thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 10 vụ án, 6 vụ việc do đã kết thúc việc giải quyết theo đúng quy định của pháp luật; thống nhất đưa 4 vụ án và 2 vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, gồm: Vụ án "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí " xảy ra tại công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung và các đơn vị có liên quan; Vụ án "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Đưa hối lộ; Môi giới hối lộ" xảy ra tại Công ty Cổ phần khoa học TSL và các cơ quan, tổ chức liên quan; Vụ án "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" xảy ra tại Công ty ZHolding; Vụ án "Tàng trữ trái phép chất ma túy; Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Viện pháp y tâm thần Trung ương và một số đơn vị, địa phương liên quan; Vụ việc có dấu hiệu làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và đưa hối lộ xảy ra tại Công ty Khoa học và công nghệ Avatek; Vụ việc có dấu hiệu phạm tội đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế.
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu trong thời gian tới đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là phải phục vụ tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực phải được tăng cường đồng bộ với quá trình vận hành chính quyền địa phương 2 cấp và phải làm quyết liệt ngay từ khi bắt đầu vận hành để góp phần xây dựng bộ máy chính quyền địa phương thực sự liêm chính, gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Tổng Bí thư yêu cầu, chuyển trọng tâm công tác sang phòng ngừa, chủ động nhận diện, dự báo, cảnh báo vi phạm từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; kiên quyết không để tái diễn các sai phạm cũ; có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, để không dám tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Phải phát huy vai trò và tính chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và sự giám sát của nhân dân để phòng ngừa tham nhũng ngay từ cơ sở. Đặc biệt phát huy tính tự giác, tự nguyện, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Mỗi cán bộ, đảng viên cần thấy rõ nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng, khẩn trương, cấp bách; bất kỳ ai có hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cản trở đổi mới, cản trở sự phát triển của đất nước, không chỉ có tội mà còn có lỗi với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm và trong thời gian tới, Tổng Bí thư chỉ đạo, tập trung hoàn thiện thể chế, khắc phục những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không để khó khăn, ách tắc trong thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, không để lợi dụng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Khẩn trương cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về xử lý sai phạm trong các vụ án, vụ việc; hoàn thành việc rà soát, làm rõ nguyên nhân và có phương án xử lý dứt điểm các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, nguy cơ gây thất thoát, lãng phí trong năm 2025. Đối với các dự án có dấu hiệu sai phạm thì phải thanh tra, kiểm tra, kết luận rõ trước khi tiếp tục triển khai.
Tổng Bí thư đề nghị tập trung xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, phấn đấu không để kéo dài những vụ, việc cũ sang nhiệm kỳ mới, nhất là các vụ án, vụ việc liên quan đến nhân sự đại hội. Tổng Bí thư giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ đạo kiểm tra, làm rõ sai phạm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, tham nhũng, tiêu cực, để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, nhất là thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh (hoàn thành trong Quý III/2025).
Nhấn mạnh việc tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở, Tổng Bí thư nêu rõ, sau hợp nhất, sáp nhập các tỉnh, các xã và triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, phạm vi quản lý của các địa phương lớn hơn, được phân cấp, phân quyền nhiều hơn, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn, nhất là cấp xã được phân cấp, phân quyền giải quyết nhiều công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Do vậy, phải tăng cường kiểm soát, kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực thi quyền lực ở địa phương; việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc và các tài sản công, có phương án xử lý đối với các trụ sở công dôi dư, đảm bảo sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tránh để lãng phí.
Đối với Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh, Tổng Bí thư yêu cầu khẩn trương kiện toàn bộ máy sau khi địa phương thực hiện hợp nhất, sáp nhập; chủ động xây dựng kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở địa phương, cơ sở trong tình hình mới. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, hạn chế tiếp xúc trực tiếp để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động công vụ. Khẩn trương xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia, tích hợp các dữ liệu của bộ, ngành, địa phương, bảo đảm đồng bộ, liên thông, dễ khai thác, sử dụng để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán trên dữ liệu nhằm phát hiện, cảnh báo sớm, ngăn chặn kịp thời vi phạm.
