Tỉnh Phú Thọ:

Nhiều doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh nhờ cải thiện năng suất

Hạ Băng

Áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng là một trong những giải pháp quan trọng giúp các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng đã giúp nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cải tiến sản xuất. Ảnh: Internet
Triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng đã giúp nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cải tiến sản xuất. Ảnh: Internet

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có hơn 9.900 doanh nghiệp. Quy mô sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chủ yếu đều vừa và nhỏ, hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp dẫn tới gặp khó khăn trong nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế.

Đáng chú ý, năng lực công nghệ của các doanh nghiệp tư nhân còn thấp, chưa áp dụng mạnh mẽ các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp có hệ thống máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nguyên, nhiên liệu, ảnh hưởng xấu tới môi trường...

Ngoài áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức; năng suất còn thấp, nhiều sản phẩm hàng hóa chưa có sức cạnh tranh cao...

Thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 4835/KH-UBND ngày 21/10/2021 về hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025.

Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng đề xuất thực hiện dự án “Thúc đẩy áp dụng Hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”.

Dự án triển khai phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển của các tổ chức, doanh nghiệp, phù hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg và chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 4835/KH-UBND.

Thực tế thời gian qua cho thấy, việc triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng đã giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cải tiến sản xuất, nâng cao khả năng quản trị, quản lý sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sai lỗi, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng.

Các hoạt động ứng dụng góp phần giúp nhiều doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thúc đẩy xuất khẩu…

Các hoạt động ứng dụng góp phần giúp nhiều doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh. Ảnh: Internet
Các hoạt động ứng dụng góp phần giúp nhiều doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh. Ảnh: Internet

Với dự án “Thúc đẩy áp dụng Hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”, kết quả bước đầu của dự án đã tư vấn, hướng dẫn 12 doanh nghiệp xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng; đào tạo nhận thức về tiêu chuẩn ISO, mỗi đơn vị 1 buổi đào tạo.

Bên cạnh đó, đào tạo về hệ thống quản lý chất lượng và các công cụ kiểm soát chất lượng; xây dựng quy trình, giải pháp ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm phù hợp với thực tiễn của 5 đơn vị; hướng dẫn các đơn vị xây dựng quy chế quản lý, khai thác việc cung ứng và sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa…

Đáng chú ý, đã thực hiện hướng dẫn xây dựng hệ thống VietGAP cho nhiều doanh nghiệp như: Công ty TNHH SADOECO, Công ty TNHH Chè Hoài Trung, Công ty cổ phần Giống - Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam. Thực hiện hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho: Công ty cổ phần sản xuất và thương mại HAC, Công ty cổ phần nông nghiệp An Tâm, Công ty TNHH Quốc An Việt Trì, Công ty TNHH Chè Hoài Trung, Công ty TNHH SADOECO.

Có thể khẳng định, kết quả thành công bước đầu của dự án sẽ góp phần giúp tổ chức, doanh nghiệp giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất; tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất.

Từ đó, sản phẩm của các tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, từng bước khẳng định thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Rõ ràng, bên cạnh những giải pháp về đầu tư đổi mới khoa học kỹ thuật, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng là một trong những giải pháp quan trọng giúp các tổ chức, doanh nghiệp trong tỉnh Phú Thọ ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường…