Nhiều doanh nghiệp vẫn “thờ ơ” với CPTPP
Chiều 9/8, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng tổ chức hội thảo “Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP): Các cam kết cốt lõi và tác động đến doanh nghiệp”. Dù không có Hoa Kỳ tham dự trong CPTPP, tuy nhiên, các thị trường như Canada, Nhật Bản, Australia, Mexico vẫn là những thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao và có tác động mạnh mẽ đến các nền kinh tế, được ký kết ngày 8/3/2018, với sự tham gia ký kết của 11 quốc gia thành viên. Đến thời điểm hiện tại, đã có 3/11 quốc gia phê chuẩn CPTPP.
Việt Nam dự kiến sẽ là quốc gia thứ 4 phê chuẩn CPTPP. Hiện đoàn đàm phán đang tích cực hoàn thiện hồ sơ về CPTPP để trình Quốc hội xem xét vào tháng 10/2018, đưa khả năng CPTPP có hiệu lực đến gần hơn (6/11 quốc gia phê chuẩn thông quan, CPTPP sẽ có hiệu lực).
Dù không có Hoa Kỳ tham dự trong CPTPP, tuy nhiên, các thị trường như Canada, Nhật Bản, Australia, Mexico vẫn là những thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Tiêu biểu như các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào thị trường Nhật Bản.
CPTPP có những điều khoản rất mở cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào thị trường này. Tất nhiên, những điều khoản mở cũng đi kèm những yêu cầu gắt gao hơn về quy tắc xuất xứ và các hàng rào phi thuế quan ví dụ như vấn đề môi trường, nguồn gốc xuất xứ thủy sản...
Doanh nghiệp đánh giá CPTPP ít hấp dẫn hơn bởi thị trường lớn là Hoa Kỳ không còn, vì vậy, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng ít hơn TPP. Tuy nhiên, 22 điều khoản tạm hoãn trong CPTPP cũng được cho là tạm thời giúp doanh nghiệp “dễ thở” hơn.
Ngoài ra, một vấn đề lớn hơn đó là doanh nghiệp kỳ vọng thông qua CPTPP sẽ có sự cải cách mạnh mẽ về thể chế và thông thoáng trong đầu tư và kinh doanh.
Bên cạnh đó, Canada và Mexico là 2 trong 4 quốc gia tại CPTPP mà Việt Nam chưa có bất kỳ một FTA song phương hay đa phương nào (ngoại trừ WTO), đây sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam muốn tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Dự kiến các ngành hàng như thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, dệt may, giày da sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP về cả sản lượng sản xuất và xuất khẩu.
Theo bà Phùng Thị Lan Phương – Trưởng phòng FTA – Trung tâm WTO và hội nhập, VCCI, đến thời điểm hiện tại vẫn có rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự quan tâm và tìm hiểu các FTA nói chung và CPTPP nói riêng. Đây là sẽ là một thiệt thòi với doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang các thị trường nằm trong các FTA khi không tận dụng được những ưu đãi về thuế.
Bà Lan Phương khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu nên chủ động và tích cực tìm kiếm, cập nhật thông tin về các FTA có thị trường mà doanh nghiệp xuất khẩu, từ đó, khai thác triệt để những ưu đãi về thuế quan, mặc dù, ưu đãi lớn sẽ đi kèm với những điều kiện khắt khe hơn, nhưng đó cũng là một động lực để doanh nghiệp Việt nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Với CPTPP, doanh nghiệp Việt có nhiều hơn cơ hội đầu tư sang các nước CPTPP, cơ hội hợp tác, kinh doanh với các đối tác nước ngoài tăng và cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng hiện hữu hơn. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cũng cần phải chủ động hoàn thiện mình bởi chỉ doanh nghiệp có năng lực cạnh trạnh, có đủ điều kiện cần thiết mới có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.” - Bà Lan Phương cho biết.
Trên thực tế, dù 10/17 FTA Việt Nam tham gia đã có hiệu lực, nhưng doanh nghiệp Việt mới chỉ tận dụng được khoảng 30 – 40% ưu đãi thuế quan của các FTA mang lại.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được cập nhật những thông tin về cơ hội đầu tư tại Hoa Kỳ và chương trình EB5.