Hàng Việt lo mất “sân nhà“
Hiện nay, hàng hóa Việt xuất khẩu ra nước ngoài đang ngày càng đối mặt với nhiều rào cản thương mại. Trong khi tại thị trường trong nước, sức mua dù có dấu hiệu phục hồi nhưng với làn sóng đổ bộ của hàng ngoại, hàng Việt phải chịu cạnh tranh rất gay gắt, nhất là việc chen chân vào hệ thống bán lẻ hiện đại.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2018 đạt 2.120.895 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2017, cho thấy sức mua trên thị trường đang có dấu hiệu phục hồi tốt.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra cung cầu hàng hóa tuy được bảo đảm nhưng thiếu tính bền vững do thiếu sự liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển và người tiêu dùng), đặc biệt đối với mặt hàng nông sản, nên giá cả rất dễ bị biến động.
Gian nan vào siêu thị
Trong khi đó, công tác xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu của thị trường còn nhiều hạn chế. Vấn đề chất lượng của các quy hoạch và thực hiện theo đúng quy hoạch không được bảo đảm dẫn đến hàng hóa sản xuất ra bị dư thừa hoặc thiếu hụt so với nhu cầu của thị trường.
Vì vậy, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nhận định cạnh tranh sản phẩm Việt với sản phẩm nhập khẩu sẽ rất gay gắt. Trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), tính cạnh tranh về thương mại hàng hóa sẽ rất cao vì các mặt hàng trong ASEAN tương đối giống nhau.
Riêng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nếu Mỹ quay trở lại và với Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA), sản phẩm chăn nuôi (thịt gà và thịt lợn) sẽ bị cạnh tranh rất lớn từ hàng nhập khẩu dù lộ trình cắt giảm thuế của Việt Nam khá dài (thịt gà sau 11-12 năm, thịt lợn tươi sau 10 năm, thịt lợn đông lạnh sau 8 năm) do sức cạnh tranh các sản phẩm này của Việt Nam hiện đang kém hơn nhiều so với Mỹ và một số nước nước trong ASEAN.
Cùng với đó, cơ chế, chính sách về đầu tư, khơi thông nguồn lực sản xuất cho khu vực nông nghiệp nông thôn mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây nhưng chưa phát huy được hết tiềm năng của khu vực có nhiều lợi thế này.
Sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao chiếm tỷ trọng nhỏ khiến cho hàng hóa sản xuất ra không bảo đảm về tiêu chuẩn chất lượng để tham gia vào các hệ thống phân phối bền vững.
Sản phẩm chưa đạt chuẩn đi kèm việc các doanh nghiệp (DN) bán lẻ nước ngoài đang chi phối thị trường bán lẻ trong nước sẽ là rào cản khó khăn để đưa hàng Việt vào siêu thị.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ Quản lý thuế DN lớn (Tổng cục Thuế), chia sẻ vừa chứng kiến mức chiết khấu tại một siêu thị nước ngoài. Cụ thể, để vào siêu thị đó, hàng Việt phải chịu mức chiết khấu "cứng" là 18%, chiết khấu "mềm" là 12%. Tổng cộng, sản phẩm Việt Nam muốn bán ở siêu thị này phải chịu mức chiết khấu lên tới 30%.
"Kênh phân phối không nắm được là báo động của nền kinh tế. Chúng ta hãy vì người Việt mà cố gắng phát triển hệ thống phân phối của mình. Chúng ta có hay không có việc làm trong tương lai là ở chỗ này", ông Phụng khuyến nghị.
Liên kết giữa sản xuất và phân phối
Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, hiện cứ 10 DN sản xuất Việt Nam chỉ có một DN có khả năng đưa được hàng vào siêu thị ngoại. Nguyên nhân là chi phí hàng hóa quá cao, bị ép giá, chiếm dụng vốn, chiết khấu bán hàng lên tới 30%.
Khi siêu thị thực hiện các chương trình khuyến mãi hoặc mở điểm bán mới, DN phải hỗ trợ khuyến mãi bằng cách giảm giá bán 15-30% với thời gian 10-30 ngày và mỗi năm 1-3 lần…, khiến hàng Việt lép vế, bị đẩy ra khỏi hệ thống để hàng nước ngoài thế chỗ.
Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, cảnh báo một khi hàng hóa Trung Quốc khó vào Mỹ sẽ xuất khẩu sang các nước khác trong đó có Việt Nam, dẫn tới DN sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam sẽ đối mặt nỗi lo mất thị trường vì hàng hóa Trung Quốc "chất lượng Mỹ".
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng lo ngại, việc Mỹ đánh thuế với hàng hóa Trung Quốc sẽ dẫn tới nguy cơ các sản phẩm của Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa Việt Nam. Điều này đòi hỏi vai trò của Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát, áp dụng biện pháp tự vệ đối với hàng hóa Trung Quốc.
Để phát triển thị trường trong nước, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh Việt Nam là nước đang phát triển, tầng lớp trung lưu tăng cao nên thị trường nội địa là vô cùng quan trọng.
Trong bối cảnh thế giới biến động, không nói trước được nên cần phải phát triển thị trường nội địa, hệ thống bán lẻ cần hết sức quan tâm để đi bằng "hai chân".
"Chúng ta mở cửa thị trường nhưng định hướng vẫn phải ưu tiên cho nhà bán lẻ trong nước, để đưa hàng hóa trong nước vào siêu thị trên cơ sở cân bằng và đúng quy định. Gắn với đó là phát triển hạ tầng thương mại, thể chế hóa, bảo vệ tốt thị trường trong nước, qua đó mới đem lại lợi ích cho người tiêu dùng", ông Bình đề nghị.
Thời gian tới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần tăng cường liên kết giữa DN bán lẻ với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, bảo đảm đủ tiêu chuẩn chất lượng có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng đa dạng và ngày càng cao ở Việt Nam để cung ứng cho các cơ sở bán lẻ nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng cùng loại nhập khẩu.