Nhiều động thái hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho thị trường bất động sản

PV.

Trong thời gian qua, trước những khó khăn của thị trường bất động sản (BĐS), Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã có nhiều động thái, quyết sách quan trọng, kịp thời tháo gỡ khó khăn cả về chính sách lẫn nguồn vốn nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng, kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng, kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Động thái hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời

Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, thị trường BĐS quý I/2023 đang có tín hiệu tích cực nhờ vào động thái hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn kịp thời từ Chính phủ.

Trong đó, phải kể đến việc Chính phủ thành lập Tổ công tác rà soát thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, địa phương có các dự án đang bị vướng mắc; Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1164/CĐ-TTg  đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg, trong đó đề cập việc các doanh nghiệp BĐS cần phải tự nghiên cứu, xem xét hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu của thị trường…

Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 nhằm tháo gỡ một phần khó khăn cho các doanh nghiệp BĐS với 3 điểm điều chỉnh: Một là, cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong trường hợp không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư thì doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; Hai là, cho phép kéo dài kỳ hạn của trái phiếu tối đa không quá 02 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư; Ba là, cho phép cơ chế đàm phám giữa doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nhà đầu tư.

Tiếp đó, ngày 11/3/2023, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP nhằm tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư… khơi thông dòng vốn cho thị trường BĐS, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường; thúc đẩy thị trường BĐS thông qua chính sách hỗ trợ nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án khả thi, hiệu quả; thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành ít nhất khoảng 01 triệu căn nhà ở xã hội.

Theo PGS. TS. Nguyễn Anh Phong - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), đây đều là những quyết sách quan trọng, kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cả về chính sách lẫn nguồn vốn nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Rà soát, phân loại dự án BĐS để có các biện pháp xử lý phù hợp

Mới đây nhất, ngày 27/3/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Văn bản số 178/TTg-CN về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường BĐS.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án BĐS, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án BĐS đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình BĐS phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS và phát triển nhà ở.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chỉ đạo theo thẩm quyền các tổ chức tín dụng rà soát, phân loại dự án BĐS để có các biện pháp xử lý phù hợp (như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nợ…) theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, đồng thời nỗ lực tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, trong đó có người mua nhà và các dự án BĐS, góp phần tháo gỡ khó khăn về vốn tín dụng cho doanh nghiệp.