Nhiều dự án thép "ngoài quy hoạch"

Theo chinhphu.vn

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Thép Việt Nam từ cuối 2009 đến nay, nhiều địa phương vẫn tiếp tục cấp phép đầu tư các dự án thép sản xuất các sản phẩm thép trong nước đã dư thừa, không theo “Quy hoạch ngành Thép 2007-2015 tầm nhìn đến 2025” do Bộ Công Thương xây dựng.

 

Nhiều dự án gây lãng phí lớn

Năm 2009, nhiều dự án thép ngoài quy hoạch được địa phương cấp phép gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất thép trong nước.

Đến cuối 2009, tổng công suất sản xuất thép, gang các loại cả nước hiện đã lên tới hơn 20 triệu tấn/năm trong khi đó tổng nhu cầu trong nước chỉ ở mức 11,5 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó, những sản phẩm trong nước chưa sản xuất được phải nhập khẩu với số lượng lớn, làm cho ngành Thép trở thành một trong những ngành nhập siêu lớn ( năm 2009, nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm thép là 12,3 triệu tấn với tổng trị giá 6,348 tỷ USD).

Nhiều dự án không đủ điều kiện phát triển bền vững vì thiếu nguyên liệu, thiếu điều kiện hạ tầng (điện, nước, giao thông vận tải), nên nhà máy chỉ vận hành một thời gian ngắn đã phải ngừng sản xuất, gây lãng phí lớn.

 Hơn nữa diện tích chiếm đất của các dự án này rất lớn, nếu triển khai kéo dài sẽ gây thiệt hại cho địa phương và cản trở các nhà đầu tư có tiềm lực khác, muốn đầu tư vào Việt Nam. Thậm chí, ngay đối với sản phẩm thép xây dựng thông thường, công nghệ và thiết bị không mới vẫn được nhiều địa phương cấp giấy phép cho nước ngoài đầu tư 100%.

Mặc dù Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu rà soát và xử lý việc cấp phép đầu tư cho các dự án thép ngoài quy hoạch tại các địa phương, nhưng từ cuối năm 2009 và đầu năm 2010, tình trạng này vẫn không biến chuyển nhiều.

Chấn chỉnh những dự án sai quy hoạch

Để nhanh chóng khắc phục tình trạng nêu trên, Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng trong thời gian tới, Bộ Công Thương chỉ nên cấp phép đầu tư để sản xuất các sản phẩm thép Việt Nam chưa sản xuất được, như thép dẹt cán nóng, thép chế tạo, thép hợp kim, thép chất lượng và nguyên liệu cho ngành Thép. Không cấp phép cho những dự án thép trong nước đã sản xuất được.

Cần tiếp tục rà soát lại tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư lớn của nước ngoài triển khai chậm trễ, lưu ý khả năng tài chính để tiếp tục thực hiện dự án, nếu tiến độ thực hiện kéo dài không có lí do chính đáng thì phải rút giấy phép để tránh lãng phí.

Xem xét lại giấy phép các địa phương đã cấp trong thời gian gần đây, nếu không thực hiện như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ quản lý ngành thì yêu cầu địa phương phải chỉnh sửa lại. Đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những địa phương cố tình vì lợi nhuận trước mắt cấp phép dự án ngoài quy hoạch gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến phát triển của các ngành công nghiệp khác.

Có như vậy, mới có thể “lập lại trật tự” trong quy hoạch, cấp phép, sản xuất và tiêu thụ của ngành Thép, đảm bảo sự phát triển ổn định theo đúng chiến lược phát triển ngành Thép nói riêng và công nghiệp cả nước nói chung.