Nhiều giải pháp để đảm bảo thanh khoản của tổ chức tín dụng

PV.

Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2017, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tương đối ổn định. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các TCTD cần chú trọng việc cân đối lại kỳ hạn huy động và cho vay để giảm thiểu nguy cơ rủi ro, đồng thời cũng đảm bảo lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Năm 2017, thanh khoản của hệ thống TCTD tương đối ổn định. Nguồn: laodong.vn
Năm 2017, thanh khoản của hệ thống TCTD tương đối ổn định. Nguồn: laodong.vn
Năm 2017, thanh khoản hệ thống TCTD tương đối ổn định 
Trong Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2017 vừa công bố mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, nguồn vốn huy động (gồm tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) tăng chậm hơn so với năm 2016.
Thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư ước tăng 16,9% so với cuối năm 2016 (năm 2016 tăng 19,3%). Huy động từ giấy tờ có giá ước tăng 28% do một số TCTD đẩy mạnh phát hành giấy tờ có giá nhằm tăng vốn cấp 2 và cơ cấu lại kỳ hạn nguồn vốn huy động. 
Trong khi đó, huy động bằng VND tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu, ước tăng 18,4% và chiếm tỷ trọng 90,5% tổng vốn huy động (năm 2016 tăng 22,1% và chiếm 89,1%). Huy động ngoại tệ ước tăng 4% so với cuối năm 2016 và chiếm tỷ trọng khoảng 9,5% (năm 2016 tăng 1%, và chiếm 10,9%)...  
Cũng theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, huy động vốn có kỳ hạn tăng 18,1%, chiếm 80,9% tổng huy động (năm 2016 tăng 20,6%, chiếm 79,7%), huy động không kỳ hạn chiếm 19,1% tổng huy động (năm 2016 tăng 14,8%, chiếm  20,3%).   
Thanh khoản của hệ thống TCTD tương đối ổn định. Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống là khoảng 87,3% (năm 2016 là 85,6%). Tỷ lệ LDR bằng VND là 88,6%, bằng ngoại tệ là 75,8%. 
Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn bình quân của hệ thống TCTD giảm nhẹ, ước khoảng 31,2% (cuối năm 2016 là 34,5%). Ngoài ra, vẫn còn một số NHTM đang gặp khó khăn về cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn, tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn cao (70-80%), tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn gần 50% (sát ngưỡng quy định của NHNN tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN).
Cân đối lại kỳ hạn huy động và cho vay để giảm thiểu nguy cơ rủi ro
Năm 2018, kinh tế Việt Nam tiếp tục có những yếu tố thuận lợi nhất định, như: Xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá lạc quan; Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; Kết quả tăng trưởng cao trong năm 2017 sẽ phát huy hiệu quả, kích cầu tiêu dùng... Do vậy, hoạt động của các TCTD có thể sẽ thuận lợi hơn, từ đó tính thanh khoản cũng sẽ tiếp tục được cải thiện.
Tới đây, nhằm đảm bảo sự ổn định, bền vững trong hoạt động của các TCTD, NHNN cũng sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả công tác cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý căn bản nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc triển khai áp dụng chuẩn mực vốn Basel II, các nguyên tắc quản trị rủi ro theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin...
Trong công tác kiểm tra, giám sát, NHNN cũng sẽ tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, dễ phát sinh sai phạm để phát hiện, cảnh báo sớm các rủi ro trong hoạt động ngân hàng; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là những hành vi vi phạm đã được NHNN cảnh báo...
Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng khuyến cáo rằng nhằm đảm bảo tính thanh khoản, các NHTM cần chú trọng việc cân đối lại kỳ hạn huy động và cho vay để giảm thiểu nguy cơ rủi ro, đồng thời cũng đảm bảo lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của NHNN.