Đau đầu lo tăng vốn
Dù đã có sự chuẩn bị trước một thời gian dài, nhưng vấn đề tăng vốn đến nay vẫn khiến nhiều lãnh đạo ngân hàng “đau đầu”. Hầu hết đều phải nhìn nhận tăng vốn là chuyện sống còn của ngân hàng.
Lợi nhuận trong năm 2017 đã được hé lộ với những con số tăng trưởng mạnh, tuy nhiên cũng không làm cho các ngân hàng bớt lo về “vốn mỏng”. Nếu không tăng được vốn, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng trong các năm sắp tới khi hệ số CAR (an toàn vốn tối thiểu) suy giảm.
Hệ số an toàn vốn ngày càng giảm
Năm 2017, việc tín dụng tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng vốn chủ sở hữu khiến hệ số CAR của các ngân hàng sụt giảm nhanh, dẫn đến gặp khó khăn trong việc mở rộng cho vay.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố số liệu thống kê về CAR của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) với con số giảm liên tục. Nếu như tại thời điểm cuối năm 2016, CAR của toàn hệ thống là 12,84%, thì đến cuối tháng 5/2017 đã giảm về còn 12,66% (đó là đã loại bỏ các TCTD có vốn tự có âm).
Theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, ngay cả 10 TCTD đang thí điểm áp dụng tiêu chuẩn an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel 2 (gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, ACB, MBB, Sacombank,Techcombank, VPBank, VIB và Maritime Bank), hệ số CAR cũng giảm mạnh so với số báo cáo hiện tại, chủ yếu do tài sản có quy đổi rủi ro tăng.
Đáng chú ý, so với các ngân hàng thương mại cổ phần, 4 “ông lớn” khối nhà nước trong năm qua đạt kết quả kinh doanh nghìn tỷ cũng không nâng hệ số CAR lên được.
Hiện, hệ số CAR ở BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank đã tiệm cận mức 9%, nếu áp dụng Basel 2 thì CAR sẽ giảm xuống dưới 8%.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhà nước cho hay trong năm nay, mục tiêu cấp bách của hầu hết các nhà băng là tăng vốn điều lệ. Động thái này không chỉ để đáp ứng yêu cầu của NHNN, mà bản thân các ngân hàng sẽ nhận được những tích cực từ thị trường, như: có thêm điều kiện mở rộng tín dụng, nâng cao năng lực tài chính, thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như mở rộng thị trường ra các nước khác trong bối cảnh ngành ngân hàng hội nhập ngày càng sâu rộng.
Để chuẩn bị cho việc áp dụng Basel 2, nhiều ngân hàng trước đó đã chủ động tìm các phương án tăng vốn như: phát hành cổ phiếu, tìm đối tác chiến lược… Tuy nhiên, việc tăng vốn không hề dễ dàng.
Đôn đáo tìm vốn
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VietinBank, chia sẻ những năm qua, các ngân hàng thương mại nhà nước đều đề cập đến vấn đề tăng vốn nhưng vẫn chưa thực hiện được.
Riêng VietinBank đã triển khai nhiều biện pháp như: bán bớt phần vốn nhà nước, cơ cấu lại vốn tự có giữa vốn cấp 1 và vốn cấp 2, phát hành trái phiếu thứ cấp để tăng vốn cấp 2, tái cấu trúc danh mục tài sản có rủi ro…, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Trong năm 2018, vấn đề tăng vốn đã được ban lãnh đạo ngân hàng đẩy lên mức độ cấp bách. Nếu ngay trong quý I/2018, vốn tự có của VietinBank không được cải thiện thì hệ số CAR sẽ không đảm bảo tỷ lệ tối thiểu theo quy định của NHNN và thông lệ quốc tế. Trong trường hợp này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cung ứng vốn của VietinBank đối với nền kinh tế. Vì thế, VietinBank đang gấp rút chuẩn bị một số phương án bổ sung vốn điều lệ và đã trình Chính phủ phê duyệt”, ông Thắng nói.
Trước tình thế cấp bách về tăng vốn, một số chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng các ngân hàng thương mại nhà nước được xem như “cánh chim đầu đàn” dẫn dắt thị trường, do vậy cần phải có giải pháp làm ngay.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn,Tổng Giám đốc SCB, nêu giải pháp: “Trong thời điểm này, ngân sách yếu có thể vẫn lấy cổ tức và góp vốn bằng trái phiếu Chính phủ đặc biệt như năm 2001, Chính phủ thực hiện tăng vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước. Thời điểm đó, Chính phủ đã phát hành trái phiếu Chính phủ đặc biệt có kỳ hạn 20 năm với lãi suất 3,3%/năm”.
Theo các chuyên gia, thời gian qua, một số ngân hàng có lợi nhuận cao đã dùng phương án gọi cổ đông hiện hữu đóng góp cổ phần mà không pha loãng tỷ lệ cổ phần, phát hành cổ phiếu riêng lẻ rất thành công.
Điển hình như HD Bank mới đây đã tăng vốn thành công lên mức hơn 9.800 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Trước đó, MB cũng tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng lên 18.155 tỷ đồng; VPBank tăng vốn thêm 1.647 tỷ đồng lên 15.706 tỷ đồng; ACB tăng vốn thêm 1.882 tỷ đồng lên 11.259 tỷ đồng…
Tuy nhiên, về lâu dài, các chuyên gia cho rằng việc tìm ra phương án cùng những hỗ trợ từ cơ quan quản lý sẽ giúp hệ thống TCTD bớt áp lực, đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững.