Nhiều giải pháp phát triển thị trường chứng khoán năm 2015
(Tài chính) Năm 2015, thị trường chứng khoán (TTCK) kiên trì mục tiêu bảo đảm duy trì sự ổn định và bền vững của thị trường, tiếp tục triển khai hiệu quả và hoàn tất công tác tái cấu trúc TTCK, tăng cường tính minh bạch trên thị trường, xây dựng phát triển các sản phẩm mới… Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục có những chỉ đạo nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường trong thời gian tới.
Phát triển vững chắc
Nhìn lại năm 2014, dù nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định như nợ xấu vẫn còn cao và chưa xử lý triệt để, vấn đề Biển Đông, giá dầu xuống thấp… có tác động nhất định đến sự phát triển ổn định của TTCK, song TTCK Việt Nam vẫn có sự cải thiện đáng kể: Tại một số thời điểm, chỉ số VN-Index đã lập đỉnh tại mức điểm 640,75 (ngày 3/9/2014) sau gần 6 năm đạt được, trong khi chỉ số HNX-Index cũng đã lập đỉnh tại mức điểm 92,99 (ngày 24/3/2014) sau đúng 3 năm. Kết thúc phiên giao dịch cuối năm 2014, VN-Index đóng cửa ở mức 545,63 điểm, tăng 8,13% so với năm 2013. Chỉ số HNX-Index ở mức 82,98 điểm, tăng 22,32% so với năm 2013.
Mức vốn hóa thị trường đạt mức 1.121 nghìn tỷ đồng (tăng 172 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2013) và ở mức 31% GDP. Thanh khoản thị trường có sự cải thiện mạnh. Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 5.575 tỷ đồng, gấp hai lần so với năm 2013. Tốc độ quay vòng (tổng giá trị giao dịch/giá trị vốn hóa) đạt 65%...
Cơ sở các nhà đầu tư trên thị trường tiếp tục có sự cải thiện, đặc biệt là số lượng nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tăng 26%. Số lượng công ty niêm yết mới tăng và số lượng công ty hủy niêm yết giảm so với năm 2013. Dù vẫn còn khó khăn, song lợi nhuận sau thuế của các công ty niêm yết trên thị trường vẫn đạt 6-7%, chỉ số hàng hóa tồn kho cũng đã được cải thiện từ đó làm cho hình ảnh TTCK khởi sắc nhất định.
Bên cạnh đó, TTCK cũng đã có bước tiến lớn trong việc hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường; các tổ chức kinh doanh chứng khoán, cơ sở nhà đầu tư hoạt động và tái cấu trúc hiệu quả. Các mục tiêu cơ bản của tái cấu trúc tổ chức kinh doanh chứng khoán đã đạt được, từng bước thu hẹp số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động qua việc tăng cường năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro…
Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ Tài chính về các giải pháp phát triển TTCK trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng: Thời gian qua, TTCK Việt Nam đã phát triển ngày càng vững chắc hơn, đóng góp tích cực cho việc huy động vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển thị trường
Năm 2015 TTCK Việt Nam được dự báo sẽ có sự tăng trưởng hơn về quy mô, thanh khoản; Khả năng huy động vốn qua phát hành cổ phiếu sẽ tiếp tục được mở rộng; Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài được dự báo cũng sẽ có sự cải thiện... Trong bối cảnh đó, tại buổi làm việc mới đây với Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tập trung rà soát để hoàn thiện khung khổ pháp luật, bảo đảm TTCK hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế của Việt Nam. Chia sẻ quan điểm này, theo TS. Vũ Đình Ánh, UBCKNN cần tiếp tục đổi mới thể chế quản lý TTCK, từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ cấu lại thị trường, tổ chức sắp xếp lại các sàn giao dịch chứng khoán, tăng cường năng lực kiểm soát TTCK, phát triển cân đối TTCK sơ cấp và thứ cấp đối với cả cổ phiếu và trái phiếu đến nâng cấp hệ thống tổ chức quản lý, nhân sự, công nghệ hiện đại nhằm tạo lập môi trường thật sự hấp dẫn, lành mạnh, đáng tin cậy và có sức cạnh tranh đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước...
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo, thực hiện tốt, có hiệu quả Đề án tái cấu trúc TTCK và doanh nghiệp bảo hiểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 6/12/2012, trong đó tập trung nâng cao quản trị doanh nghiệp, chất lượng hàng hóa niêm yết trên thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán, triển khai TTCK phái sinh phát triển nhà đầu tư tổ chức, thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trung và dài hạn, sớm triển khai Đề án hợp nhất các Sở Giao dịch Chứng khoán theo đúng chỉ đạo tại công văn số 6000/VPCP-KTTH ngày 6/8/2014 của Văn phòng Chính phủ, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu mới, hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường và hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán (về vốn, hành nghề, quản trị rủi ro, chỉ tiêu an toàn tài chính, kiểm soát nội bộ, công bố thông tin, báo cáo) nhằm củng cố hoạt động, nâng cao năng lực tài chính và quản trị công ty của các tổ chức kinh doanh chứng khoán; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo pháp luật đối với các hành vi vi phạm, không tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về chứng khoán và TTCK.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và gắn liền quá trình cổ phần hóa với niêm yết và giao dịch trên TTCK, bảo đảm TTCK hoạt động công khai minh bạch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có điều kiện phát triển, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật về chứng khoán để các tổ chức, cá nhân và thành viên TTCK tiếp tục chấp hành, tuân thủ các quy định pháp luật, nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế nước ta phát triển bền vững hơn, hiệu quả hơn đóng góp vào tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.