Nhiều lực sẽ thúc đẩy giá nhà tăng tiếp trong năm 2022

Theo Vân Phong/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cả yếu tố vĩ mô và vi mô sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản giai đoạn 2022 - 2023 phục hồi tốt hơn.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: internet

2021 là một năm khó khăn với cả nền kinh tế - xã hội nói chung và bất động sản(BĐS) nói riêng bởi sự bùng phát của COVID-19 phức tạp và kéo dài. Dưới tác động của dịch bệnh, thị trường BĐS đã có nhiều sự thay đổi lớn, từ hành vi, thị hiếu người mua tới chiến lược phát triển và cách thức kinh doanh của các đơn vị kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, theo đánh giá của các công ty tư vấn, nghiên cứu, thị trường vẫn ghi nhận mức độ quan tâm tăng và BĐS vẫn là kênh đầu tư được ưa thích. 

Chia sẻ tại Hội nghị bất động sản Việt Nam – VRES -2021 vừa được tổ chức, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE cho biết, dù trải qua 2 năm dịch bệnh phức tạp, kéo lùi nền kinh tế nhưng giá bất động sản của nhiều phân khúc vẫn tiếp tục tăng trên thị trường.

Để dẫn chứng, bà Dung cho biết, tại Hà Nội, tỷ lệ bán trung bình của các dự ánmới ra mắt trong quý mở bán đầu tiên vào năm 2019 và 2020 chỉ đạt lần lượt là 41% và 42% thì đến quý 3/2021, tỷ lệ này đạt 52%.

Tương tự, tại TP.HCM, tỷ lệ bán trung bình của các dự án mới ra mắt trong quý mở bán đầu tiên vào năm 2019 và 2020 chỉ đạt lần lượt là 89% và 73% thì đến quý 3/2021, tỷ lệ này đạt 82%. 

“Giá dự kiến tiếp tục tăng do chi phí đất tăng, chi phí xây dựng leo thang, nhiều sản phẩm mới ở phân khúc cao hơn, lượng cầu ổn định và nguồn cung tạm thời còn hạn chế”, bà Dung cho biết.

Theo Giám đốc cấp cao CBRE, xu hướng tăng giá sẽ tiếp tục diễn ra đối với thị trường căn hộ bán tại Hà Nội và TP.HCM. Cụ thể, giá căn hộ sẽ tăng khoảng 3 – 7% tùy từng phân khúc trong năm 2022. Riêng phân khúc cao cấp và hạng sang, mức giá có thể tăng trưởng khoảng 5 – 7%. Còn phân khúc bình dân và trung cấp, mức giá có thể tăng khoảng 3 – 5%.

“Xu hướng tăng giá dự báo tiếp tục diễn ra đối với thị trường căn hộ bán tại Hà Nội và TP.HCM. Tình trạng lệch pha cung cầu trong hai năm tới vẫn sẽ tiếp diễn”, bà Dung dự báo.

Yếu tố vĩ mô và vi mô sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi

Cùng chia sẻ quan điểm tại hội nghị, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đánh giá, năm vừa qua, dù chịu tác động nặng nề từ đại dịch nhưng thị trường vẫn được đánh giá là một kênh đầu tư hấp dẫn; trong đó, giá bất động sản hầu như không giảm, ngược lại bất động sản nhà ở còn tăng từ 5 - 9%, tùy địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu do các phân khúc bất động sản trong hai năm vừa qua tương đối khan hiếm, trong khi cầu không giảm,...

Đề cập đến triển vọng thị trường trong năm tới, ông Lực cho rằng, cả yếu tố vĩ mô và vi mô sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản giai đoạn 2022 - 2023 phục hồi tốt hơn.

Cụ thể, kinh tế của Việt Nam dự báo sẽ phục hồi ở mức độ tích cực, tăng trưởng ở mức 6 – 6,5% hoặc cao hơn là 6,5 - 7% nếu triển khai tốt chương trình phục hồi. Sức cầu theo đó sẽ bật mạnh trở lại.

Chiến lược phát triển nhà ở cũng đang được Bộ Xây dựng hoàn thiện và chuẩn bị trình Chính phủ để ban hành trong thời gian tới. Đặc biệt, đầu tư cơ sở hạ tầng đang được đẩy mạnh.

Môi trường pháp lý cũng đang được hoàn thiện và tháo gỡ, trong đó có Nghị định 148 về đất đai, Nghị định 69 về cải tạo chung cư cũ và sắp tới Quốc hội sẽ thảo luận việc có một luật sửa 10 luật. Luật Đất đai dự kiến cũng được sửa trong năm tới,... 

Ngoài ra, theo ông Lực, hiện nguồn vốn cho bất động sản vẫn dồi dào. Tính đến hết quý 3/2021 so với cuối năm 2020, nguồn vốn tín dụng bất động sản tăng khoảng 6%. Tổng dư nợ tín dụng bất động sản là khoảng 2 triệu tỷ VND, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của nền kinh tế; trong đó, theo Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng, cho vay nhà ở chiếm 64%, còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 36%.

Về nguồn vốn FDI, tính đến hết tháng 11/2021, tổng vốn đăng ký mới vào bất động sản đạt gần 2 tỷ USD (chiếm khoảng 11%), đứng thứ 3 trong các lĩnh vực thu hút FDI. Riêng góp vốn, mua cổ phần đạt 983 triệu USD (chiếm 22,4%). 

Về phát hành trái phiếu, tính đến hết tháng 11/2021, toàn thị trường phát hành 436 nghìn tỷ VND; trong đó doanh nghiệp BĐS xếp thứ 1 (chiếm 45%), thứ 2 là nhóm ngân hàng (chiếm 30%).

“Những yếu tố trên góp phần khiến giá bất động sản hầu như không giảm, riêng bất động sản nhà ở còn tăng 5-9%, tùy địa bàn. Giá thuê bất động sản khu công nghiệp tăng từ 3-18%, tùy địa phương”, ông Lực cho biết.