Nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng dự trữ bất chấp giá vàng tăng cao
Mặc dù giá vàng đã tăng mạnh nhưng nhiều ngân hàng trung ương vẫn đang tăng cường mua vàng dự trữ trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng và lạm phát cao.
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết mặc dù giá vàng đã tăng mạnh nhưng nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn tiếp tục mua vàng dự trữ trong tháng 3/2023.
Điển hình, Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) đã mua 17,3 tấn vàng trong tháng 3. Qua đó, nâng tổng số vàng được MAS mua vào trong quý I/2023 là 68,7 tấn, đưa tổng dự trữ vàng của Chính phủ Singapore đến cuối tháng 3/2023 lên mức 222,4 tấn, tăng 45% so với hồi cuối tháng 12/2022.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục mua dự trữ thêm 18 tấn vàng trong tháng 3 vừa qua, xác lập tháng mua ròng vàng thứ 5 liên tiếp. Theo WGC, tổng dự trữ vàng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đến cuối quý I/2023 đã đạt 2.068 tấn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng mua vào 3,5 tấn vàng trong tháng 3, nâng tổng lượng vàng được nước này thu mua trong quý I/2023 lên mức 7,3 tấn. Hiện Chính phủ Ấn Độ đang nắm giữ 794,6 tấn vàng.
Tuy nhiên, với việc giá vàng có lúc vượt quá mức 2.000 USD/ounce trong tháng 3 đã kích thích một số quốc gia bán vàng ra. Trong đó, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã bán ra 15 tấn vàng trong tháng 3, đánh dấu lần bán ròng hàng tháng đầu tiên của nước này kể từ hồi tháng 11/2021. WCG cho biết dự trữ vàng của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 9% trong bảy tuần vừa qua. Trước đó, nước này đã liên tục thu mua mạnh vàng trong giai đoạn đầu năm 2022.
Một quốc gia khác cũng đã bán vàng ra trong tháng 3 là Kazakhstan với lượng bán ròng là 10,5 tấn. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Quốc gia Kazakhstan đã giảm khối lượng vàng nắm giữ, bán ra tổng cộng 19,6 tấn. Tổng dự trữ vàng của nước này hiện ở mức 332 tấn - thấp nhất kể từ tháng 8/2018.
Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng 9,5% trong bối cảnh các ngân hàng trung ương trên toàn cầu tăng cường thu mua vàng. Năm 2022 đánh dấu năm thứ 13 liên tiếp các ngân hàng trung ương mua vàng dự trữ và tổng lượng vàng được mua vào tăng tới 152% so với năm 2021, đạt 1.136 tấn - mức cao nhất kể từ năm 1950.
Dữ liệu của WCG cho thấy, nhu cầu mua vàng dự trữ của các ngân hàng trung ương trong năm 2022 chiếm tới 23% tổng nhu cầu toàn thị trường, tăng đột biến so với mức từ 8% - 14% trong giai đoạn 2011 – 2019.
Khảo sát của tập đoàn tài chính UBS (Thuỵ Sĩ) với 83 ngân hàng trung ương trên toàn cầu cho thấy, 2/3 các ngân hàng sẽ tiếp tục mua vàng dự trữ trong năm nay. Hầu hết lãnh đạo và quản lý của các ngân hàng trung ương tham gia khảo sát cho biết tính ổn định của vàng sẽ giúp các quốc gia phòng vệ trong bối cảnh các rủi ro địa chính trị gia tăng, lạm phát tăng cao. Kết quả khảo sát này tương đồng với kết quả khảo sát thường niên của WCG đối với các ngân hàng trung ương trước đó.
Tính từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 4, các ngân hàng trung ương đã mua vào hơn 120 tấn vàng và nếu tốc độ mua vào hiện nay vẫn được giữ thì tổng lượng vàng được mua vào trong năm nay sẽ đạt khoảng 750 tấn. UBS hiện dự báo giá vàng có thể đạt 2.100 USD/ounce vào cuối tháng 12/2023 và đạt 2.200 USD/ounce vào cuối tháng 3/2024.