Nhiều ngành hàng kiếm bộn tiền giữa dịch COVID-19
Kênh tạp hóa, kênh mua sắm chính của phần đông người Việt và cửa hàng tiện lợi đang chịu ảnh hưởng ngắn hạn bởi dịch COVID-19 vì khách hàng đang giảm tần xuất mua sắm để hạn chế tiếp xúc.
Công ty nghiên cứu thị trường Kantar vừa phát hành "Báo cáo tác động của COVOD-19 những thay đổi trong hành vi tiêu dùng và chuyển động bán lẻ".
Theo Kantar, xét trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) nói riêng, sự bùng phát của dịch COVID-19 đã, đang gián đoạn hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất FMCG và các nhà bán lẻ. Tuy nhiên không phải ngành hàng nào, nhà bán lẻ nào cũng đều chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Số liệu từ Kantar cho thấy trong hai tháng đầu năm 2020, ngành hàng FMCG Việt Nam tăng trưởng 5,2%. Con số này tăng chậm lại so với cùng kỳ năm 2019 là 6,3%. Ngành hàng sữa và các sản phẩm từ sữa; thực phẩm đóng gói và sản phẩm chăm sóc cá nhân duy trì tăng trưởng từ 1,7% đến 14,5%.
Các ngành hàng đồ uống giảm sâu 6,8% trong mùa được cho là cao điểm là mùa tết. Điều này có thể là do nhu cầu giải trí, tiệc tùng giảm bớt, đa phần người dân có xu hướng hạn chế tụ tập đông người nhằm giảm rủi ro nhiễm bệnh.
Đồng thời, qua phân tích dữ liệu mua sắm một tháng sau tết năm 2020 khi thông tin dịch COVID-19 công bố rộng rãi tại Việt Nam thấy rõ dịch bắt đầu ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt. Theo đó, người tiêu dùng tại khu vực thành thị bốn thành phố chính có xu hướng mua trữ nhóm các sản phẩm nước rửa tay, xà phòng, các sản phẩm lau chùi nhà cửa... Nhóm sản phẩm này đều tăng trưởng hai chữ số, thậm chí ba chữ số.
Bên cạnh đó, có thể do tâm lý lo lắng của người dân trong bối cảnh số ca lây nhiễm ngày càng tăng cũng như việc học sinh được nghỉ ở nhà kéo dài, đòi hỏi nhu cầu tích trữ lương thực. Nên nhóm đồ đông lạnh đồ hộp, mì gói các loại tăng từ hai đến ba chữ số và dầu ăn là một trong vài ngành hàng tiêu biểu đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong mùa dịch.
Nhóm hàng còn lại là các sản phẩm bổ sung dưỡng chất, giúp nâng cao hệ miễn dịch, đặc biệt nhóm dành cho người già và trẻ em. Vì vậy sữa bột, sữa chua uống là những mặt hàng được người tiêu dùng ưu tiên hướng đến.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng đang cắt giảm bớt chi tiêu ở các mặt hàng mang tính giải trí. Trong đó, các loại đồ uống không cồn và có cồn đều bị ảnh hưởng nhiều nhất trong mùa dịch. Cụ thể như bia và các loại thức uống giải khát ghi nhận các mức giảm sâu giảm hai chữ số.
Theo Kantar, sự thay đổi không chỉ diễn ra ở giỏ hàng của người tiêu dùng mà còn ở việc lựa chọn các kênh mua sắm. Nhiều người chuyển sang mua sắm trực tuyến hơn, góp vào mức tăng trưởng ba chữ số chỉ trong một tháng kể từ khi có thông báo chính thức về dịch bệnh ở Việt Nam.
“Xu hướng này dự kiến còn kéo dài, đặc biệt là sau khi chính quyền địa phương đã vận động người dân nên tránh tiếp xúc đám đông. Thay vào đó là mua sắm hàng trực tuyến để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh” - đại diện Kantar nhận định.
Thêm vào đó, tại các khu vực ghi nhận ca dương tính COVID-19 tình trạng mua sắm tăng cao, dẫn đến nhu cầu trữ hàng, thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ. Đáng chú ý ở kênh siêu thị, đại siêu thị… nơi cung cấp sản phẩm vệ sinh, có các chương trình hỗ trợ người tiêu dùng trong thời kỳ dịch bệnh như giao hàng tận nhà, bình ổn giá…
Nổi bật có thể kể đến là BigC một trong các nhà bán lẻ lớn đã ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất tăng ba chữ số trong mùa dịch, tăng cả về lượng người mua sắm cũng như mức chi tiêu trong mỗi lần mua.
MM Mega market - mô hình kinh doanh bán sỉ cũng đạt mức tăng trên 20% dù tình hình kinh doanh trong những năm gần đây không mấy sáng sủa.
Kênh tạp hóa, kênh mua sắm chính của phần đông người Việt và cửa hàng tiện lợi đang chịu ảnh hưởng ngắn hạn bởi dịch COVID-19 vì người tiêu dùng đang giảm tần xuất mua sắm để hạn chế tiếp xúc và chỉ đi mua sắm tại các kênh có thể mua được số lượng lớn để trữ hàng.