Nhiều quốc gia châu Á- Thái Bình Dương tăng chi tiêu quốc phòng
Với những lo ngại về căng thẳng địa chính trị gia tăng, nhiều quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang thúc đẩy tăng cường chi tiêu quốc phòng.
Khu vực Châu Á -Thái Bình Dương đang bao trùm bởi một bầu không khí lo lắng khi dư âm của những cuộc xung đột cũ vẫn còn hiện hữu và những rủi ro trước mắt. Trong nhiều thập kỷ, sự trỗi dậy của châu Á đã khiến khu vực này trở thành động lực kinh tế của thế giới.
Giờ đây, khi những căng thẳng gia tăng, Trung Quốc và Mỹ bị cuốn vào một cuộc cạnh tranh chiến lược đầy gay gắt và quan hệ ngoại giao 2 nước đang ở thời điểm tồi tệ nhất trong 50 năm qua. Điều này khiến nhiều quốc gia trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương đang tăng cường ngân sách quốc phòng và huấn luyện quân đội, sản xuất vũ khí và cơ sở hạ tầng sẵn sàng chiến đấu.
Theo SIPRI, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, vào năm 2000, chi tiêu quân sự ở Châu Á và Thái Bình Dương chiếm 17,5% chi tiêu quốc phòng trên toàn thế giới. Đến năm 2021, chi tiêu quốc phòng của khu vực này đã tăng vọt, chiếm 27,7% chi tiêu quốc phong thế giới (không bao gồm Triều Tiên).
Ngày 13/3, Triều Tiên lần đầu tiên phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm. Cùng ngày, Australia công bố kế hoạch trị giá 200 tỷ USD để chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Mỹ và Anh, khiến nước này trở thành quốc gia thứ 7 sở hữu tàu ngầm hạt nhân.
Nhật Bản, sau nhiều thập kỷ theo chủ nghĩa hòa bình, cũng đang tiến đến mục tiêu đạt được khả năng tấn công chưa từng có kể từ những năm 1940 với tên lửa Tomahawk của Mỹ. Trong khi đó, Malaysia cũng tiến hành mua máy bay chiến đấu của Hàn Quốc; và Philippines đang lên kế hoạch mở rộng các đường băng và hải cảng để đón nhận sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ tại khu vực trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, không quốc gia nào trong số này có đủ khả năng để sánh với Trung Quốc. Bởi kho vũ khí của nước này đang ngày một gia tăng, kể cả các đầu đạn hạt nhân được bổ sung nhanh chóng.
Mặc dù nhiều vũ khí của Trung Quốc kém tiên tiến hơn của Mỹ, nhưng điều đó đang bắt đầu thu hẹp dần với máy bay chiến đấu và tên lửa. Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ cho rằng Trung Quốc dường như đang sở hữu kho vũ khí siêu thanh hàng đầu thế giới, có thể bay với tốc độ gấp nhiều lần âm thanh, khiến chúng khó bị đánh chặn hơn bằng hệ thống phòng thủ tên lửa.
Theo ông Shivshankar Menon, Cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ, việc nhiều quốc gia nỗ lực củng cố năng lực quốc phòng với kỳ vọng sẽ ngăn cản Trung Quốc tiến xa hơn, nhưng điều này cũng phản ánh niềm tin ngày càng giảm đối với Mỹ.
"Cuộc chiến ở Ukraine đã thu hút sự chú ý và viện trợ của Hoa Kỳ và làm giảm vai trò cũng như tầm ảnh hưởng của quốc gia này tại châu Á. Ở nhiều nước trong khu vực, đã có sự nghi ngờ về khả năng thích ứng và ngăn chặn bước tiến Trung Quốc của quân đội Mỹ, đồng thời lo lắng về những gì Mỹ có thể làm trước các hành động khiêu khích của Trung Quốc", chuyên gia này đánh giá.
Ông Menon cũng nói thêm rằng: “Cán cân quyền lực tại châu Á- Thái Bình Dương đang thay đổi nhanh chóng, và sẽ có nhiều rủi ro hơn sẽ xảy ra khi quá trình này diễn ra".
Tương tự, ông Bilahari Kausikan, cựu Thư ký thường trực của Bộ Ngoại giao Singapore cho biết, những xung đột tại các điểm nóng trên toàn cầu cùng sự hung hăng ngày một gia tăng của Trung Quốc đã thúc đẩy các nước tăng cường năng lực tấn công. Ông chỉ ra, Nhật Bản và Ấn Độ là những nước đầu tiên gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Nhiều quốc gia trong khu vực tỏ ra lo ngại về nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng đường băng và cảng trên khắp Nam và Đông Á, đây là một nỗ lực sẽ dẫn đến việc xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo và rặng san hô mà các quốc gia khác đã tuyên bố chủ quyền.
"Kể từ đó, Ấn Độ và Nhật Bản đã ký kết một số thỏa thuận tiêu biểu cho các kế hoạch phòng thủ đan xen trong khu vực. Cho đến nay, hai nước đã tiến hành huấn luyện hải quân cùng nhau và cuộc tập trận chung đầu tiên giữa các máy bay chiến đấu", chuyên gia này cho biết thêm.