Nhiều quy định mới tăng tính minh bạch của thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 của Chính phủ đã bổ sung các quy định tăng tính minh bạch của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, khắc phục bất cập trên thị trường thời gian vừa qua.
Chiều ngày 19/9, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về các điểm mới của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Bổ sung các quy định nhằm tăng tính minh bạch thị trường
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính đã chia sẻ những điểm mới của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP; ông Lê Công Điền - Vụ trưởng Vụ Giám sát - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thông tin về công tác kiểm tra, giám sát đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua và giải đáp các câu hỏi của phóng viên báo chí xoay quanh những nội dung này.
Trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến những quy định mới của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP nhằm tăng tính minh bạch, giảm rủi ro của thị trường, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, Nghị định đã bổ sung quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu bao gồm: Kết quả xếp hạng tín nhiệm theo các trường hợp và lộ trình thực hiện như quy định đối với chào bán trái phiếu ra công chúng (từ 01/01/2023); hợp đồng ký kết với đại diện người sở hữu trái phiếu trong trường hợp chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và xác nhận của ngân hàng thương mại về việc mở tài khoản nhận tiền mua trái phiếu.
Để tăng trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP đã bổ sung quy định doanh nghiệp phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật; trước và sau khi phát hành phải có công bố thông tin về khả năng đảm bảo thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành đã được công bố; Bổ sung quy định tài sản bảo đảm của trái phiếu phải được định giá và đăng ký biện pháp bảo đảm.
Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cũng bổ sung các quy định để tăng tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư cá nhân khi mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hạn chế tối đa nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ gian lận để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo đó, việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng danh mục chứng khoán phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay.
Đồng thời, khi mua trái phiếu, nhà đầu tư phải đọc, hiểu và ký văn bản xác nhận đã tiếp cận đầy đủ các tài liệu về trái phiếu dự kiến mua và hiểu biết pháp luật, chấp nhận rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp); tổ chức cung cấp thông tin và tổ chức xác nhận tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cùng ký xác nhận lên văn bản này về việc đã cung cấp đầy đủ thông tin và hồ sơ cho nhà đầu tư.
Nhằm tăng cường tính minh bạch và tuân thủ pháp luật của các tổ chức cung cấp dịch vụ, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP bổ sung quy định, đại lý phát hành là công ty chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép hoặc ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp phép; Tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành phải xác nhận về việc doanh nghiệp phát hành đã nhận đủ tiền thu từ phát hành trái phiếu. Tổ chức cung cấp dịch vụ không được là người có liên quan của doanh nghiệp phát hành.
Trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ đã được bổ sung cụ thể, đặc biệt là trách nhiệm của tổ chức phân phối trái phiếu nếu hỗ trợ doanh nghiệp phát hành khống hoặc cung cấp thông tin sai sự thật, chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu. Trường hợp các tổ chức này vi phạm quy định của pháp luật thì tùy theo tính chất và mức độ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hoặc bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật...
Về các giải pháp nhằm hạn chế rủi ro, phát triển thị trường bền vững trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoàng Dương thông tin, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan rà soát, hoàn thiện khung pháp lý tại cấp luật và các văn bản hướng dẫn. Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường; thúc đẩy việc hình thành các định chế đầu tư dài hạn chuyên nghiệp; tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành trong điều hành và quản lý giám sát thị trường và chủ động thông tin tuyền truyền, định hướng thị trường.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
Liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát thị trường được phóng viên báo chí nêu, ông Lê Công Điền - Vụ trưởng Vụ Giám sát (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết, thực hiện các công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các chỉ đạo thường xuyên của Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với công tác này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và các cơ quan chức năng triển khai nhiều hoạt động tăng cường quản lý giám sát thị trường.
Theo đó, từ tháng 10/2021 đến nay đã triển khai 30 đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động phát hành, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn và tổ chức phát hành. Qua kiểm tra 21 công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ, có 6 trường hợp vi phạm liên quan đến việc cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Theo ông Lê Công Điền, trong các vụ việc trên, có công ty cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, cung cấp dịch vụ đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép nghiệp vụ bảo lãnh phát hành; một số công ty vi phạm không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, công bố thông tin sai lệch, công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định về việc mua lại trái phiếu trước hạn.
Qua kiểm tra 9 tổ chức phát hành, có 08 tổ chức vi phạm, trong đó, 02 công ty vi phạm chào bán trái phiếu ra công chúng nhưng không đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; đa số các công ty vi phạm công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các cơ quan chức năng trong hoạt động quản lý, giám sát, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định pháp luật trái phiếu riêng lẻ, các trường hợp xử lý vi phạm đăng tin công khai trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước...
Đại diện Ủy ban Chứng khoán cho biết, trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, HNX và các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, giám sát, tiếp tục thanh tra, kiểm tra các tổ chức cung cấp dịch vụ, tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.