Nhiều thương vụ thâu tóm hàng trăm triệu USD lĩnh vực bất động sản
Quá trình M&A trong lĩnh vực bất động sản đang diễn ra ngày một nhiều. Một năm gần đây, đã có nhiều thương vụ trị giá hàng trăm triệu USD diễn ra.
Khoảng một năm trở lại đây, quá trình mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành bất động sản - xây dựng đang diễn ra mạnh với 19,89% giá trị các thương vụ diễn ra.
Sôi động thị trường M&A 2018
Theo đó, thương vụ An Quý Hưng mua cổ phần của Vinaconex là một trong những thương vụ ngành bất động sản - xây dựng đáng chú ý nhất năm 2018 với tổng giá trị lên đến 320 triệu USD, tương đương 7.367 tỷ đồng. Về mặt giá trị, đây là thương vụ thoái vốn nhà nước có giá trị lớn nhất của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) năm 2018.
Năm 2018, thông qua đấu giá cạnh tranh, SCIC đã chính thức bán 225 triệu cổ phần (57,71% vốn) Vinaconex cho nhà đầu tư trả giá cao nhất là Công ty TNHH An Quý Hưng. Trong giao dịch này, An Quý Hưng đã trả giá cao hơn 2.000 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm của SCIC.
Cùng với đó là thương vụ Sơn Kim Land nhận khoản đầu tư trị giá 121 triệu USD (10% cổ phần) của EXS Capital, ACA Investment thong qua Quỹ đầu tư Lemongrass Master Fund.
Năm 2018 không thể không kể đến sự kiện 75% cổ phần của khách sạn InterContinental Hanoi Westlake được Công ty TNHH Phát triển Du lịch khách sạn Hà Nội của Tập đoàn BRG mua lại với giá trị 53,3 triệu USD. Hiện 25% cổ phần của khách sạn InterContinental Hanoi Westlake thuộc sở hữu của Công ty Thăng Long GTC, một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa năm 2015.
Tháng 7/2018, Công ty Bất động sản Frasers Property cũng đã mua 75% cổ phần tại Công ty cổ phần Địa ốc Phú An Điền (PAD) với giá trị 799 tỷ đồng (34,3 triệu USD) thông qua thỏa thuận mua cổ phần có điều kiện.
Frasers Property đầu tư vào Việt Nam từ năm 1999 thông qua công ty con là Frasers Property Việt Nam, với dự án tòa nhà văn phòng - bán lẻ 22 tầng Mê Linh Point Tower ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
FDI vào bất động sản 2019 giảm 76% so với cùng kỳ 2018
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam, FDI vào lĩnh vực bất động sản trong đầu năm 2019 đạt 1,32 tỷ USD, giảm 76% so với con số 5,54 tỷ USD của cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên kết quả này vẫn tăng khả quan so với cùng kỳ 2017 và 2016.
Thị trường bất động sản 2019 bắt đầu với thương vụ thoái vốn của Tập đoàn Keppel Land tại dự án Đồng Nai Waterfront City. Tháng 1/2019, Keppel Land thông báo thoái 70% cổ phần tại dự án này cho tập đoàn Nam Long với tổng số tiền 2.323 tỷ đồng (100 triệu USD).
Ngoài ra, ông lớn đến từ Singapore mới đây cũng đã mua lại 60% cổ phần một khu đất 6,2 ha tại huyện Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh) thông qua một hợp đồng mua bán có điều kiện với Tập đoàn Bất động sản Phú Long. Tổng số tiền đầu tư của thương vụ này là 1.304 tỷ đồng, tương đương 56 triệu USD.
Đồng thời, theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Công ty cổ phần Lotte FLC, một liên doanh giữa tập đoàn FLC và công ty Lotte Land (công ty con của Tập đoàn Lotte) đã được thành lập với số vốn điều lệ 556,5 tỷ đồng (tương đương 24,1 triệu USD) để hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Công ty Lotte Land sở hữu 60% cổ phần của Công ty Lotte FLC, phần còn lại do Tập đoàn FLC và các công ty con nắm giữ.
Bà Vân Khanh đánh giá trong thời gian gần đây, các dự án bất động sản chưa được phát triển một cách hiệu quả. Nhiều dự án được giao dịch với giá trị thấp hơn giá thị trường hoặc không thông qua đấu thầu chính thức. Những dự án trên đang phải trải qua những đợt kiểm soát chặt chẽ từ cơ quan chức trách Việt Nam.
Bà cũng đánh giá hoạt động thanh tra kiểm tra của chính quyền để ngăn chặn tham nhũng có thể tạo ra một số tác động đến lợi nhuận kinh doanh trong ngắn hạn.
"Một số dự án bất động sản đang phải giảm tốc nhằm phục vụ quá trình điều tra có thể dẫn đến sự trì hoãn tạm thời của những nhà đầu tư đang sẵn sàng chờ rót vốn vào thị trường", bà Vân Khanh nhận định.