Nhiều tiềm năng thu hút đầu tư nước ngoài
Ông Thomas Felix Baden, quyền Tổng giám đốc Unicap cho rằng cổ phần hoá doanh nghiệp là cách mà thị trường Việt Nam mở rộng thu hút vốn nước ngoài.
Dòng vốn ngoại năm nay vào Việt Nam đã đạt giá trị khá lớn với 1,7 tỷ USD; số lượng tài khoản là gần 20 triệu. Giá trị doanh thu của nhà đầu tư nước ngoài là trên 30 tỷ USD. Điều này cho thấy, nhà đầu tư nước ngoài đã đặt kỳ vọng lớn vào thị trường Việt Nam.
Nói đến dòng tiền, cũng như sự quan tâm của khối ngoại đến thị trường Việt Nam, ông Thomas Felix Baden cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam là một thị trường tiềm năng với dân số trên 95 triệu người, tạo ra không gian tiêu dùng lớn.
Chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt việc hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài trong hoạt động thương mại và đầu tư. Việt Nam đang có sự chuyển động mạnh mẽ và tích cực, các doanh nghiệp nước ngoài đến đây có thể dễ dàng tìm kiếm được nguồn lao động chăm chỉ, có kỹ năng tốt.
Trong khi đó, một số chuyên gia cũng đưa ra những đánh giá tổng thể về thị trường Việt Nam và cho rằng, có thể ngay trong quý I/2018 sẽ có những đơn vị thu hút mạnh vốn quỹ ngoại như: Lọc hoá dầu Bình Sơn, Công ty dầu khí PV Oil…
Ông Lê Đức Khánh - Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Thị trường (ông ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí - PSI) cũng cho rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục đón nhận các “bom tấn” từ các quỹ đầu tư. Chỉ số VN-Index bao gồm toàn bộ sức khoẻ của thị trường, trong đó có tổng cung cầu, khối lượng mua vào-bán ra... Khi VN-Index lên một đỉnh cao mới, thì tức là các cổ phiếu đầu ngành sẽ tiếp tục chứng tỏ sức hút của chúng. Năm 2018 có PV Oil, Bình Sơn hay PV Power... đều là những cổ phiếu thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Trong đó PV Oil hấp dẫn hơn cả, sau đó là Bình Sơn.
“Tiếp tục câu chuyện cổ phần hoá và IPO thì Việt Nam sẽ thu hút được nhiều các công ty nước ngoài”, ông Khánh nhận định.
Ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì cho rằng, năm 2018, lượng cung hàng ra thị trường khá nhiều, bao gồm cả thoái vốn cổ phần hoá, cả do doanh nghiệp phát hành. Lượng cầu lớn sẽ tạo ra những biến động và Việt Nam là điểm thu hút đầu tư nước ngoài.
“Nhìn vào tận gốc rễ, các nhà đầu tư sẽ thấy việc tăng trưởng tiềm ẩn những rủi ro. Nhưng bản chất của thị trường chứng khoán là thị trường đầu tư trung và dài hạn. Nên nếu nhìn vào đây là cơ hội dài hạn thì chúng ta sẽ thành công”, ông Sơn cho biết.
Trên thị trường địa ốc, dòng vốn ngoại cũng đã đổ vào Việt Nam thông qua các thương vụ M&A và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam năm 2017 tăng mạnh trên 44,4% so với năm ngoái, đạt mức 35,88 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực bất động sản đứng ở vị trí thứ 3 đã hút 3,05 tỷ USD chiếm khoảng 8,5% tổng vốn đăng ký.