Nhiều yếu tố cộng hưởng giúp số thu ngân sách năm 2022 tăng cao

Văn Trường (thực hiện)

Trả lời phỏng vấn Tạp chí Tài chính, TS. Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách (Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) đánh giá, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt trên 8%; Lạm phát được kiểm soát ở mức Quốc hội cho phép; Kinh tế vĩ mô ổn định... là các yếu tố cộng hưởng giúp số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của nước ta tăng cao và đạt tỷ lệ vượt thu cao trong năm nay.

Số thu ngân sách tăng sẽ đảm bảo cho nhu cầu chi ngày càng lớn

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về kết quả thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 của Bộ Tài chính?

Ông Nguyễn Minh Tân: Có thể thấy, kết quả thu NSNN năm 2022 đạt được rất khả quan, phản ánh kết quả tăng trưởng và phát triển kinh tế. Số thu NSNN tăng sẽ đảm bảo cho ngân sách có tích lũy nội bộ, đáp ứng các nhu cầu chi ngày càng lớn cho đầu tư phát triển và trả nợ.

Kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ đạt mức tăng trưởng khá cao là nhờ các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19. Dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt trên 8%; lạm phát được kiểm soát ở mức Quốc hội cho phép; kinh tế vĩ mô ổn định. Các yếu tố này đã giúp tăng số thu NSNN.

TS.Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – Ngân sách (Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội).
TS.Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – Ngân sách (Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội).

Như tôi phân tích ở trên,  các yếu tố tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát được kiểm soát tốt, kinh tế vĩ mô ổn định đã giúp tổng thu NSNN 11 tháng 2022 vượt 16,1% dự toán và dự báo cả năm sẽ vượt thu NSNN lớn. Điều này cho thấy, những nỗ lực không ngừng nghỉ của cơ quan thu NSNN, trong đó vai trò rất quan trọng của Bộ Tài chính, hệ thống thuế, hải quan. Đặc biệt, công tác chống thất thu, chống nợ đọng thuế có tiến bộ và chuyển biến rõ rệt.

Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội cũng luôn đồng hành với các cơ quan của Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Tôi cho rằng, số thu nội địa từ các khu vực kinh tế, doanh nghiệp ngoài quốc doanh đều vượt dự toán, có khoản thu vượt dự toán khá lớn như thu tiền sử dụng đất (vượt 43,8%), tiền cho thuê đất, thuê mặt nước (vượt 40,8%), thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (vượt 32,9%)… Số thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng dự báo vượt 23,6% dự toán trên cơ sở mở rộng kim ngạch xuất nhập khẩu và lực lượng hải quan tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại để thu nộp vào NSNN hàng trăm tỷ đồng.

Các yếu tố cộng hưởng giúp số thu ngân sách nhà nước tăng cao

Phóng viên: Như ông vừa nhận định, thu NSNN năm nay đạt kết quả rất khả quan trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Nhìn nhận cụ thể hơn, theo ông, những yếu tố nào tác động tích cực đến kết quả thu NSNN năm nay?

Ông Nguyễn Minh Tân: Như phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy có nhiều yếu tố tác động đến số thu NSNN trong năm nay tăng cao, nhưng tập trung chủ yếu ở một số yếu tố sau:

Một là, nền kinh tế đã có những chuyển động tích cực sau những nỗ lực rất lớn của Quốc hội, Chính phủ để phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Như tôi đã nói, kết quả thu NSNN không tách rời kết quả tăng trưởng và phát triển kinh tế, do đó một khi kinh tế tăng trưởng cao, lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô ổn định sẽ là tiền đề quan trọng để tăng thu NSNN.

Hai là, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt các luật về thuế và nhiệm vụ thu NSNN. Tăng thu ngân sách ở các lĩnh vực, địa bàn và ngành trọng điểm trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành; tăng cường công tác chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, phát hành hóa đơn điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu thuế, xử lý nghiêm các đối tượng nợ đọng thuế…

Những biện pháp tích cực và hiệu quả của các cơ quan, đơn vị trong ngành Tài chính đã tác động rõ nét, tạo chuyển biến tích cực trong công tác thu NSNN và đạt được kết quả rất khả quan như đã nêu trên.

Ba là, các cơ quan liên quan của địa phương cũng đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan làm tốt công tác thu NSNN, nhất là ở các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế; quyết liệt xử lý, thu hồi nợ đọng về thuế...

Phóng viên: Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo triển khai hiệu quả việc quản lý thu, chống thất thu ngân sách qua hoạt động chuyển nhượng bất động sản và thương mại điện tử. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Minh Tân: Sự phát triển của kinh tế số, thương mại điện tử là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Bám sát xu thế đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các cơ quan trong ngành Tài chính tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách, cung cấp dịch vụ điện tử cho người nộp thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử và điện tử hóa các khâu quản lý thu thuế.

Trong kinh tế thị trường, các giao dịch chuyển nhượng bất động sản và hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số ngày càng phong phú, đa dạng, cần có sự điều tiết quản lý của Nhà nước thông qua công cụ thuế.

 

Tất cả các biện pháp của chính sách thu NSNN, cùng với việc đảm bảo cân đối đủ nguồn lực NSNN để thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngành Tài chính đã hoàn thành vượt nhiều mục tiêu đề ra, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ tài chính - ngân sách trong năm 2022.

 

Trong các nghị quyết của Quốc hội về Dự toán NSNN và nghị quyết về Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm đã yêu cầu tăng cường quản lý thu NSNN đối với các hoạt động này, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản phát triển chưa ổn định.

Các địa phương đẩy mạnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, đôn đốc thu tiền sử dụng đất và xử lý nợ đọng của các dự án đã thực hiện giao đất, góp phần tăng thu tiền sử dụng đất năm 2022 so với dự toán.

Ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiêm vụ tài chính - ngân sách

Phóng viên: Ngoài dấu ấn nổi bật về thu ngân sách, năm 2022, Bộ Tài chính còn có dấu ấn nữa, thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Tân: Tôi đánh giá rất cao dấu ấn nổi bật về thu NSNN năm 2022. Như tôi đã đề cập, số vượt thu ngân sách so với dự toán là nguồn lực quan trọng để bổ sung cân đối ngân sách, giảm dần bội chi, giảm vay bù đắp bội chi và góp phần tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Các cơ quan có thẩm quyền sẽ tổng hợp và quyết định phương án phân bổ sử dụng số vượt thu ngân sách theo quy định tại khoản 2, Điều 59 của Luật NSNN năm 2015, sau khi kết thúc năm ngân sách.

Cùng với nỗ lực về tăng thu ngân sách, Bộ Tài chính đã kịp thời trình Chính phủ và trình Quốc hội hoặc quyết định theo thẩm quyền một số giải pháp chính sách để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Thông qua việc thực hiện chính sách miễn, giảm thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như: Thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm thuế bảo vệ môi trưởng, giảm lệ phí trước bạ…; thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội. Các chính sách này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp người dân, doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng về nghĩa vụ thuế.

Có thể khẳng định, tất cả các biện pháp của chính sách thu NSNN, cùng với việc đảm bảo cân đối đủ nguồn lực NSNN để thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngành Tài chính đã hoàn thành vượt nhiều mục tiêu đề ra, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ tài chính - ngân sách trong năm 2022.

Phóng viên:  Xin cảm ơn ông!