Nhìn lại 9 giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015
(Tài chính) Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2015 được Quốc hội thông qua ngày 8/11/2011 đã xác định mục tiêu tổng quát là “phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh; Bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...”.
Về những chỉ tiêu kinh tế trong giai đoạn 2011-2015 gồm tăng trưởng GDP khoảng 6,5 - 7%; tỷ trọng đầu tư toàn xã hội chiếm khoảng 33,5 - 35% GDP, giảm dần nhập siêu từ năm 2012 và phấn đấu ở mức dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015; bội chi ngân sách ở mức dưới 4,5% vào năm 2015 (đã bao gồm trái phiếu Chính phủ)... Nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50% GDP; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 5 - 7% vào năm 2015. Trong khi đó, nếu đi vào chỉ tiêu cụ thể thì tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 30% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp; tỷ lệ đối mới công nghiệp đạt 13%/năm; năng suất lao động xã hội đến năm 2015 tăng 29 - 32% so với năm 2010...
Về các chỉ tiêu xã hội, từ giai đoạn 2011 - 2015 sẽ tạo việc làm cho 8 triệu người; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc đạt 55% vào năm 2015; thu nhập thực tế của dân cư vào năm 2015 tăng gấp 2 - 2,5 lần năm 2010; đạt 8 bác sỹ và 23 giường bệnh/10.000 dân… Giảm nghèo nhanh, bền vững với tỷ lệ bình quân 2%/năm và giảm bình quân 4%/năm đối với các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; diện tích nhà ở bình quân năm 2015 đạt 22 mét vuông sàn/người… Hai chỉ tiêu về môi trường bao gồm tỷ lệ che phủ rừng đạt 42 - 43%, số cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng bị xử lý đạt 85%.
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù phía trước còn không ít khó khăn, nhưng với thuận lợi cơ bản là những thành tựu to lớn của 25 năm đổi mới, của 10 năm thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch 5 năm 2006-2010, với điều kiện chính trị, xã hội ổn định, Việt Nam vẫn có thể phát huy những tiềm năng, lợi thế của một nước đi sau, đang trong quá trình công nghiệp hóa với nền nông nghiệp giàu tiềm năng sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản; có điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài... Đây sẽ là những yếu tố rất quan trọng để tổ chức thực hiện thắng lợi Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015. Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu và chỉ tiêu trên, Nghị quyết cũng đã đề ra 9 định hướng giải pháp, gồm:
Thứ nhất, tập trung khắc phục nhanh, hiệu quả những hạn chế, yếu kém do các nguyên nhân chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành.
Thứ hai, có đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực, với tầm nhìn dài hạn và có lộ trình cụ thể.
Thứ ba, tiếp tục kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị sức mua đồng tiền.
Thứ tư, tập trung thực hiện 3 đột phá, 12 định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.
Thứ năm, áp dụng đồng bộ các chính sách, biện pháp phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giảm chênh lệch giàu nghèo; tập trung giải quyết những bức xúc trong nhân dân.
Thứ sáu, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quan tâm đến nhân lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp, khoa học và công nghệ, văn hóa nghệ thuật; nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là bậc đại học.
Thứ bảy, hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả các chính sách, pháp luật về tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm phát triển bền vững.
Thứ tám, Chính phủ, Toà án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tập trung xây dựng, thực hiện các đề án cải cách tư pháp bảo đảm chất lượng, tiến độ; làm tốt công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ.
Thứ chín, quan tâm củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại vững mạnh, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.