Nhìn lại các dự báo về năm 2019

Theo Hoàng Nguyên/thoibaonganhang.vn

Thường thì thời điểm này trong năm, các nhà băng, nhà môi giới và nhà phân tích sẽ đưa ra những dự báo của mình về các thị trường trong 12 tháng tới. Hãy cùng nhìn lại những gì mà các nhà phân tích đã nói vào cuối năm 2018 để dự báo về năm 2019.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 

Dầu

Giá dầu thô Brent biến động khá mạnh từ đầu năm đến nay. Ngày 29/11/2019, giá dầu thô Brent dao động trên mức 64 USD/thùng, cao hơn khoảng 18% so với đầu năm.

Trước đó, J.P. Morgan cho biết giá dầu sẽ phục hồi trong nửa đầu năm 2019 nhờ việc hạn chế nguồn cung của OPEC và đồng minh. Giá dầu sau đó dự kiến sẽ có xu hướng giảm khi tăng trưởng toàn cầu yếu đi.

Về giá dầu Brent trung bình trong năm 2019, Goldman Sachs và BofA Merrill Lynch dự báo ở mức 70 USD/thùng, trong khi Citi dự đoán ở mức 60 USD, còn Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo là 61 USD.

Giá dầu đã tăng khoảng 18% từ đầu năm
Giá dầu đã tăng khoảng 18% từ đầu năm
 

Trái phiếu Kho bạc 10 năm

Vào cuối năm 2018, Goldman Sachs đã dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất 4 lần trong năm. Trong khi Pimco - nhà giao dịch trái phiếu lớn nhất thế giới dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất chính sách thêm 3 lần nữa trong năm 2019.

Thế nhưng trái ngược hoàn toàn với các dự báo trên, Fed đã thực hiện giảm lãi suất tới 3 lần kể từ đầu năm và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm liên tục xuống còn khoảng 1,45% vào đầu tháng 9 khi các nhà đầu tư lo ngại kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái.

Thậm chí thời điểm cuối tháng 8, lợi suất trái phiếu Kho bạc 10 năm còn thấp hơn thấp hơn so với kỳ hạn 2 năm - một hiện tượng được gọi là đảo ngược đường cong lợi suất mà nhiều nhà kinh tế coi đó là dấu hiệu suy thoái sắp xảy ra.

Vào tháng 11/2018, nhà môi giới Charles Schwab đã dự đoán chính xác rằng năm 2019 có khả năng sẽ chứng kiến lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tạo đỉnh trong chu kỳ hiện tại. Cụ thể thời điểm nhà môi giới này cho biết: “Theo quan điểm của chúng tôi, lợi suất trái phiếu của Mỹ là cao so với điều kiện kinh tế toàn cầu hiện nay”. Nó cũng nói thêm rằng dữ liệu việc làm được cải thiện ở Mỹ không có khả năng chuyển sang lạm phát cao hơn và dự báo này cũng một lần nữa chính xác.

Giá vàng

Giá vàng hầu như chỉ lình xình đi ngang trong 5 tháng đầu năm do có rất ít thông tin về những gì sắp xảy ra. Thế nhưng từ tháng 6, giá vàng đã bật tăng khá mạnh khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bất ngờ leo thang, trong khi dữ liệu kinh tế toàn cầu trở nên tồi tệ hơn.

Trong phiên giao dịch ngày 27/11/2019, giá vàng giao ngay xoay quanh mức 1.455 USD/oz, tăng khoảng 14% so với đầu năm. Theo quan niệm truyền thống, vàng được xem là một tài sản an toàn để đầu tư trong những thời điểm thị trường biến động.

Diễn biến trên cho thấy dường như các nhà phân tích của Citi đã đánh giá thấp vai trò “thiên đường trú ẩn” của kim loại quý này khi dự đoán vàng sẽ đạt trung bình 1.270 USD/oz trong năm 2019. Lạc quan hơn một chút, song J.P. Morgan cũng chỉ dự kiến giá vàng trung bình là 1.325 USD/oz trong năm nay. Trong khi Bank of America dự đoán giá vàng sẽ tăng lên mức trung bình là 1.296 USD/oz, nhưng lưu ý rằng giá vàng có thời điểm có thể tăng lên tới 1.400 USD/oz.

Dự đoán của các tổ chức này đều hết đều dựa trên một giả định rằng lãi suất có thể tăng cao hơn trong năm 2019, hoặc ít nhất là vẫn ở cùng mức. Thế nhưng Fed đã khiến các định chế này thất vọng khi đã cắt giảm lãi suất tới 3 lần trong năm.

Vàng là một khoản đầu tư không mang lại lợi nhuận nên nó sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn khi lãi suất tăng cao hơn.

Chứng khoán châu Âu

Cuối năm 2018 là một thời điểm vô cùng ảm đạm đối với chứng khoán châu Âu, khép lại một năm được cho là tồi tệ nhất trong một thập kỷ. Chỉ số FTSE 100 của Anh đã giảm hơn 12% trong khoảng thời gian 12 tháng và chỉ số Stoxx 600 đã kết thúc năm với mức giảm 13% - năm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Vì lẽ đó khi dự báo về diễn biến thị trường trong năm 2019, có rất ít sự lạc quan, nhất là trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng chính trị ở châu Âu. J.P. Morgan lưu ý rằng “rủi ro chính trị vẫn sẽ là một cơn gió ngược đối với chứng khoán châu Âu”, trong đó nổi lên là rủi ro Brexit không thỏa thuận và vấn đề nợ của Ý.

Theo đó, ngân hàng Soce Generale của Pháp dự đoán 50 cổ phiếu hàng đầu của châu Âu - được liệt kê trong Euro Stoxx 50 - sẽ giảm thêm 8%, còn FTSE sẽ mất tới 14% giá trị.

Tuy nhiên Schroder tỏ ra ít bi quan hơn khi lập luận rằng trong năm 2018, “thị trường vốn cổ phần đã suy giảm”, và lưu ý rằng vào đầu năm 2019 các nhà đầu tư đã có cơ hội tham gia thị trường ở mức thấp nhất trong 5 năm.

Trên thực tế đến nay, chỉ số Stoxx 600 đang xoay quanh mức 404 điểm, tăng khoảng 20% kể từ đầu năm. Kết quả này có được một phần cũng nhờ vừa qua ECB đã tiến hành cắt giảm lãi suất sâu hơn dưới 0% và tái khởi động chương trình mua trái phiếu với quy mô 20 tỷ euro mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 11, để kích thích hoạt động kinh tế.