Nhìn lại công tác quản lý chi NSNN năm 2014, định hướng năm 2015

PV.

(Tài chính) Kết thúc năm 2014, ngành Tài chính đã ca khúc khải hoàn khi hoàn thành ngoạn mục nhiệm vụ thu trong điều kiện kinh tế rất khó khăn. Đóng góp không nhỏ vào đó là công tác quản lý chi tiêu chặt chẽ, hiệu quả, giúp tiết kiệm đáng kể nguồn chi ngân sách.

Quản lý chặt chẽ chi ngân sách. Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Quản lý chặt chẽ chi ngân sách. Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Năm 2014, công tác chỉ đạo quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm; nâng cao hiệu quả; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính:

Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, ngay từ đầu năm 2014  Bộ Tài chính đã đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phải tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí và tài sản được giao một cách chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện chi trong phạm vi dự toán được giao và đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi quy định; chủ động thực hiện rà soát cắt, giảm tối đa các khoản chi tổ chức lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ khởi công, khánh thành, chi phí công tác ngoài nước; rà soát các dự án đầu tư, đảm bảo phân bổ tập trung, chống dàn trải, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các chế độ, chính sách ở các đơn vị, cấp dưới, kịp thời khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí, kém hiệu quả trong việc bố trí kinh phí và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ sử dụng NSNN.

Trong tổ chức thực hiện, để đáp ứng yêu cầu của tình hình thực tiễn, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 13/8/2014 về điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN những tháng cuối năm 2014 với những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý chi NSNN, đảm bảo tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả; theo đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương: (i) Thu hồi để bổ sung dự phòng NSTW và NSĐP đối với số vốn đầu tư và kinh phí thường xuyên đã giao dự toán năm 2014 nhưng đến ngày 30/6/2014 vẫn chưa phân bổ cho các dự án/đơn vị, hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện; (ii) Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển và đẩy manh việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, không kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư sang năm 2015; hạn chế tối đa việc ứng vốn từ NSNN cho các công trình, dự án; (iii) Chủ động cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiên đối với các khoản chi mua sắm để thay thế trang thiết bị, xe ô tô, ngừng thực hiện và hủy bỏ kinh phí mua sắm, sửa chữa đã bố trí trong dự toán của các đơn vị nhưng đến hết ngày 31/10/2014 chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu; (iv) Không bổ sung các đề án, chương trình, ban hành các chính sách mới, hoặc nâng định mức làm tăng chi NSNN mà chưa xác định được nguồn đảm bảo; (v) Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi cần thiết theo đúng quy định của pháp luật; (vi) Quản lý chặt chẽ việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng ngân sách đã bố trí dự toán ở các cấp ngân sách, các địa phương cần chủ động sử dụng dự phòng NSĐP để ứng phó với thiên tai, bão lũ và các nhu cầu đột xuất, cấp thiết phát sinh.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn chính sách, chế độ để tăng cường quản lý chi NSNN, hướng dẫn việc quản lý thanh toán vốn đầu tư kế hoạch năm 2014 và các biện pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ; hướng dẫn thực hiện mua sắm tài sản từ nguồn dự toán NSNN năm 2014 được giao; xử lý vướng mắc trong việc thực hiện các dự án khởi công mới thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra tài chính - ngân sách, qua đó phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm.

Chi NSNN đảm bảo theo dự toán được giao. Công tác điều hành chi NSNN được thực hiện chủ động, tích cực; đảm bảo cân đối ngân sách các cấp; đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi về quốc phòng, an ninh, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, đảm bảo an sinh xã hội và xử lý kịp thời các nhiệm vụ quan trọng phát sinh (khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo....). Bên cạnh đó, đã tập trung giải ngân vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định ứng trước dự toán năm sau (vốn đối ứng các dự án ODA; ứng vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2015...). Cơ quan tài chính các cấp và Kho bạc Nhà nước cũng đã tăng cường công tác kiểm soát chi, nhất là thanh toán vốn đối với các dự án đầu tư từ nguồn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ, kinh phí tổ chức hội họp, đi công tác nước ngoài,... đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả. Ước cả năm 2014, hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát chi đối với 686,79 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên của NSNN, đạt 97,5% dự toán, đã phát hiện khoảng 37 nghìn khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối chưa thanh toán với số tiền 40 tỷ đồng; đối với chi đầu tư phát triển kế hoạch năm 2014, ước giải ngân qua hệ thống KBNN đạt 282,83 nghìn tỷ đồng, đạt 97,3% kế hoạch; giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ ước đạt khoảng 88,9% kế hoạch; thông qua kiểm soát, đã từ chối thanh toán 90 tỷ đồng do chủ đầu tư đề nghị thanh toán cao hơn giá trúng thầu hoặc không có trong hợp đồng, dự toán.

Để xử lý những khó khăn trong cân đối ngân sách của một số địa phương do nguyên nhân khách quan (thay đổi chính sách thu thuế GTGT theo Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ; hoạt động sản xuất - kinh doanh suy giảm), đã tăng tiến độ bổ sung cân đối 3.628 tỷ đồng và tạm ứng NSTW 3.880 tỷ đồng cho một số địa phương giảm thu do nguyên nhân khách quan để hỗ trợ xử lý khó khăn trong cân đối ngân sách, đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán được giao.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những hạn chế, như: về cơ cấu chi NSNN; tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN tăng nhanh để thực hiện các chủ trương, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách ASXH trong thời gian vừa qua (năm 2011 là 59,3%; năm 2014 dự toán tăng lên mức 70%, ước thực hiện khoảng 67%); do đó phải giảm chi đầu tư và bố trí chi trả nợ thấp hơn nhu cầu. Trong cơ cấu chi thường xuyên, các khoản chi cho con người cũng tăng mạnh (bình quân chiếm khoảng 68,2%, tăng thêm 6% so với giai đoạn 2006-2010), dẫn đến các khoản chi khác rất khó khăn. Trong khi đó, việc bố trí, sử dụng kinh phí dàn trải, lãng phí, thiếu hiệu quả, sai quy định, vượt tiêu chuẩn, định mức chi vẫn còn xảy ra ở một số địa bàn, đơn vị. Việc tổ chức thực hiện một số chính sách về xóa đói giảm nghèo, đảm bảo ASXH và các chương trình mục tiêu còn một số bất cập, tồn tại, cả khâu ban hành chính sách và trong tổ chức thực hiện, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến trùng lặp, chồng chéo, kém hiệu quả, dẫn đến vượt quá khả năng cân đối của NSNN và chưa thực sự mang lại nhiều hiệu quả về mặt xã hội như mong muốn.

Năm 2015, nhiệm vụ quản lý chi NSNN phải được tăng cường hơn:

Bước sang năm 2015, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015, là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Chính phủ đã đưa ra các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2015 như: phấn đấu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30-32% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động.

Đặc biệt về nhiệm vụ chi NSNN năm 2015, dự toán là 1.147,1 nghìn tỷ đồng, tăng 140,4 nghìn tỷ đồng (13,9%) so dự toán năm 2014, chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu tăng chi tối thiểu. Do đó, đòi hỏi phải bố trí chi hết sức chặt chẽ, tiết kiệm. Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua nguyên tắc bố trí dự toán NSNN năm 2015 tăng chi trả nợ đảm bảo trả đủ các khoản nợ nước ngoài đến hạn và chi trả nợ lãi các khoản vay trong nước, thực hiện đảo nợ một phần khoản nợ gốc vay trong nước; bố trí chi dự phòng, dự trữ quốc gia để đảm bảo cho các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cấp bách. Về Bội chi NSNN: Theo lộ trình, cần giảm dần bội chi để đạt mức 4,5%GDP vào năm 2015 (bao gồm cả trái phiếu chính phủ). Tuy nhiên, do khả năng cân đối NSNN năm 2015 rất khó khăn, trong khi vẫn phải bố trí tăng chi đảm bảo các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Vì vậy, Quốc hội đã thông qua mức bội chi NSNN năm 2015 là 226 nghìn tỷ đồng, tương đương 5%GDP.

Đứng trước nhiệm vụ khó khăn đó, ngành Tài chính đưa ra các giải pháp để thực hiện công tác quản lý chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí cả trong chi thường xuyên và đầu tư; từng bước cơ cấu lại chi NSNN; xác định thứ tự ưu tiên trong phân bổ nguồn NSNN đối với từng ngành, lĩnh vực; rà soát lại các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án và các chính sách chi ngân sách để đảm bảo thiết thực, tránh dàn trải, trùng lặp, không hiệu quả. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính; tăng cường kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN. Cụ thể:

- Tập trung rà soát, đánh giá tổng thể các chính sách, chế độ, chương trình, dự án đã thực hiện trong giai đoạn 2011-2015 (nhất là các chính sách ASXH, chương trình mục tiêu quốc gia), trên cơ sở đó xây dựng, lồng ghép chính sách, thực hiện trong giai đoạn 2016-2020; điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh các chính sách, chế độ còn chồng chéo, trùng lặp, không hiệu quả. Không ban hành các các chính sách, chế độ mới (kể cả việc mở rộng đối tượng và phạm vi áp dụng của các chính sách, chế độ ASXH đang thực hiện) làm tăng chi NSNN mà không có nguồn đảm bảo.

- Thực hiện phân bổ vốn đầu tư XDCB theo đúng quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công và các Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011, số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 và số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ; đảm bảo tập trung, chống dàn trải, ưu tiên bố trí thanh toán nợ XDCB và hoàn trả các khoản vốn ứng trước, bố trí cho các dự án đã hoàn thành và có khả năng hoàn thành trong năm 2015; không bố trí vốn cho các dự án mới không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hoặc chưa thực sự cấp bách. Đẩy mạnh hợp tác theo hình thức công - tư (PPP) và các hình thức đầu tư không sử dụng vốn Nhà nước để huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

- Thực hiện chi trong phạm vi kế hoạch vốn được giao, không để phát sinh nợ mới XDCB. Trường hợp vốn ODA giải ngân vượt dự toán, đề nghị kịp thời báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi thực hiện.

- Ngoài việc tập trung phân bổ, bố trí vốn và giao dự toán chi đầu tư nêu trên, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phải bố trí trả đủ (cả gốc và lãi) các khoản huy động đầu tư theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Luật NSNN đến hạn phải trả trong năm 2015; trả các khoản vay tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng làng nghề, hạ tầng thuỷ sản, chương trình tôn nền vượt lũ đồng bằng sông Cửu Long đến hạn phải trả trong năm 2015. Đảm bảo bố trí đủ vốn từ NSĐP cho các dự án, chương trình được NSTW hỗ trợ một phần để thực hiện các mục tiêu dự án, chương trình.

- Đồng thời, trong điều hành, các địa phương phải chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp của địa phương để xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh về quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. NSTW chỉ hỗ trợ khi các địa phương đã sử dụng dự phòng, dự trữ của địa phương để xử lý theo quy định.

- Đối với chi thường xuyên, chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; tiếp tục thực hiện các giải pháp về nguồn để thực hiện cải cách tiền lương; bố trí kinh phí thực hiện điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống); thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, trong đó: tiết kiệm 10% chi thường xuyên (ngoài lương và có tính chất lương) của các cơ quan, đơn vị; không bố trí kinh phí mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, lễ khởi công, khánh thành và đi công tác nước ngoài. Đảm bảo bố trí nguồn tài chính tổ chức đại hội Đảng các cấp, tổ chức các ngày lễ lớn một cách chặt chẽ, theo tinh thần triệt để tiết kiệm, hiệu quả. Việc đăng cai tổ chức các hội nghị quốc tế thuộc trách nhiệm của Việt Nam trên cơ sở phù hợp với khả năng NSNN và thực sự mang lại lợi ích cho Việt Nam.