Nhìn lại công tác quản lý điều hành giá cả thị trường năm 2016, định hướng năm 2017
Nhìn lại công tác quản lý điều hành giá cả thị trường năm 2016 có thể thấy, công tác quản lý giá đã có sự phối hợp điều hành tốt hơn giữa các cơ quan quản lý trong quá trình điều hành giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu. Việc tăng cường tính công khai, minh bạch trong điều hành giá các mặt hàng đã tạo được sự đồng thuận của xã hội. Đặc biệt, công tác quản lý điều hành giá đã giúp kiềm chế được lạm phát trong giới hạn cho phép, từ đó tạo nền tảng cho công tác điều hành giá cả các mặt hàng trong năm 2017.
Tình hình điều hành quản lý giá cả thị trường năm 2016
Năm 2016, công tác điều hành quản lý giá cả thị trường trong nước được ghi nhận là có những kết quả tích cực. Trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, thực hiện theo Chỉ thị 02/CT-BTC ngày 24/12/2015 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016, Bộ Tài chính đã yêu cầu các Sở Tài chính các tỉnh, thành phố rà soát, cân đối cung cầu, xây dựng phương án bảo đảm lực lượng hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng Tết, tổ chức theo dõi tình hình giá cả thị trường và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo trong dịp Tết gửi Văn phòng Chính phủ theo Công văn số 246/VPCP-TH ngày 12/1/2016.
Nhờ đó, diễn biến giá cả thị trường trước trong và sau Tết ổn định trong phạm vi cả nước. Tốc độ tăng giá tiêu dùng các tháng đầu năm ở mức thấp (tháng 1/2016: 0%, tháng 2/2016: + 0,42%, tháng 3/2016: + 0,57%), tạo dư địa thuận lợi cho điều hành, kiềm chế lạm phát 9 tháng còn lại của năm 2016 theo mục tiêu kiềm chế lạm phát không quá 5%.
Bên cạnh đó, trong những tháng đầu năm 2016, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới giảm, Cục Quản lý Giá đã tham mưu cho Bộ Tài chính kịp thời phối hợp với Bộ Giao thông và Vận tải, Sở Tài chính địa phương yêu cầu tăng cường quản lý giá cước vận tải ô tô, trong đó có việc yêu cầu đơn vị vận tải hành khách kê khai giảm giá cước vận tải phù hợp với diễn biến giảm của giá xăng dầu.
Khi giá xăng dầu thành phẩm thế giới có xu hướng tăng, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nhằm hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong một số lần điều chỉnh giá, qua đó góp phần bình ổn mặt bằng giá chung.
Diễn biến CPI 12 tháng năm 2016 (%)
Nhờ sự quyết liệt trong công tác tham mưu, chỉ đạo và điều hành các giải pháp bình ổn giá, sự phối kết hợp và tích cực chỉ đạo của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố nên giá cả thị trường hàng hóa, dịch vụ trong cả nước năm 2016 về cơ bản ổn định, quan hệ cung - cầu cân đối, mục tiêu kiểm soát lạm phát không quá 5%.
Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2016 tăng 4,74% so với tháng 12/2015, bình quân mỗi tháng tăng khoảng 0,4%. Như vậy, CPI bình quân năm 2016 tăng 2,66% so với bình quân năm 2015.
CPI năm 2016 tăng chủ yếu do một số nguyên nhân sau:
Một là, giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 01/3/2016. Giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 77,57% làm CPI tăng khoảng 2,7%.
Hai là, cả nước có 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá học phí theo lộ trình của Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ làm chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 12/2016 tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước (tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,58%).
Ba là, năm 2016 có nhiều kỳ nghỉ kéo dài cùng với mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các DN năm 2016 tăng so với năm 2015 nên nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí tăng cao, khiến giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng lên.
Ngoài ra, thiên tai và thời tiết bất lợi, rét đậm rét hại trên diện rộng ở phía Bắc; mưa lũ, ngập lụt nghiêm trọng ở miền Trung; khô hạn ở Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng làm chỉ số giá nhóm lương thực tháng 12/2016 tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2015.
Bên cạnh các yếu tố khiến CPI tăng nêu trên, một số yếu tố khác đã tác động góp phần kiềm chế lạm phát:
(i) Mặc dù nhu cầu hàng hóa phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán tăng, nhưng do giá xăng dầu và giá cước vận tải giảm, nguồn cung hàng hóa dồi dào nên giá cả không biến động lớn;
(ii) Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới giảm mạnh dẫn đến giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm, tác động làm chỉ số giá nhóm giao thông giảm theo;
(iii) Các cấp, các ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đồng thời thực hiện các chính sách bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu, ổn định giá cả thị trường;
(iv) Chính phủ đã có sự chỉ đạo, điều hành thị trường kịp thời khi có những biến động bất thường như tăng hạn ngạch nhập khẩu đường khi nguồn cung đường bị thiếu hụt, tạm trữ muối khi nguồn cung dư thừa, giảm phí BOT giúp giảm áp lực về chi phí vận tải...
Tóm lại, công tác quản lý, điều hành giá cả các mặt hàng trong năm 2016 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên 2 giác độ:
Một là, Bộ Tài chính với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố đã có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động thực hiện các giải pháp về cân đối cung - cầu, kiểm tra, thanh tra, bình ổn thị trường và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Chính phủ đề ra, kiểm soát lạm phát dưới 5%, ổn định kinh tế vĩ mô.
Hai là, tiến được một bước rất căn bản của lộ trình thị trường đối với giá dịch vụ công (như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục) gắn với quá trình đổi mới cơ chế tài chính, biên chế và tổ chức nhân sự của các đơn vị sự nghiệp công lập trong điều kiện kinh tế xã hội thế giới và trong nước còn diễn biến phức tạp…
Từ thực tế trong công tác quản lý điều hành giá năm 2016 có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý giá trong năm 2017:
Thứ nhất, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến cung - cầu hàng hóa, dịch vụ thị trường trong và ngoài nước, bám sát mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày (7/1/2016) và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ các tháng trong năm của Chính phủ, để đề xuất kịp thời những giải pháp bình ổn giá cả thị trường.
Thứ hai, triển khai thực hiện hiệu quả công tác đầu mối thường trực, kết nối các bộ quản lý ngành, lĩnh vực (Bộ Công Thương, Y tế, Giao thông và Vận tải, Ngân hàng Nhà nước…); phản ứng nhanh nhạy, kịp thời trước sự biến động của giá một số mặt hàng quan trọng như: giá xăng dầu, giá điện, nhất là việc điều chỉnh theo lộ trình thị trường đối với giá dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục cần có sự tính toán kỹ lưỡng, lường trước những tác động đối với lạm phát chung, người dân thụ hưởng, đơn vị cung cấp dịch vụ công...
Đặc biệt, dự báo và đưa ra các kịch bản điều hành để kiến nghị các giải pháp phù hợp. Từ đó, hình thành các biện pháp cần thiết phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Định hướng công tác quản lý, điều hành giá năm 2017
Năm 2017, Quốc hội đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%. Nhiệm vụ này theo phân tích của giới chuyên gia là sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với năm 2016, bởi có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây sức ép lên mặt bằng giá cả thị trường như: Xu hướng hồi phục của giá xăng dầu và giá cả các hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới; Việc điều chỉnh giá các hàng hóa quan trọng, thiết yếu (điện, dịch vụ y tế, giáo dục..) theo lộ trình thị trường; Áp lực về tỷ giá; Các rủi ro về biến đổi khí hậu, thiên tai.
Việc chuyển các nhóm dịch vụ từ phí sang giá do Nhà nước định giá theo quy định của Luật Phí và lệ phí; hay như việc tính đúng, tính đủ chi phí đối với một số dịch vụ không được hỗ trợ từ NSNN… cũng sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá.
CPI tháng 12 năm 2016 so tháng 12 năm 2015 theo cơ cấu nhóm hàng (%)
Một là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trong đó chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý và mức giá đối với các dịch vụ chuyển từ danh mục phí sang quản lý theo cơ chế giá như Luật phí, lệ phí năm 2015, Nghị định 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 và các văn bản pháp luật liên quan.
Hai là, tiếp tục quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, trong đó chú trọng làm tốt công tác thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường để kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá, kiềm chế lạm phát theo quy định của pháp luật; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ qua đó bình ổn thị trường, giá cả.
Ba là, giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; Kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng giao kế hoạch; hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn NSNN; hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá theo thẩm quyền; Đánh giá kỹ tác động của việc điều chỉnh giá (nếu có) đến tình hình kinh tế - xã hội, để có phương án và lộ trình điều chỉnh phù hợp, tránh điều chỉnh vào cùng một thời điểm đẩy CPI tăng cao.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giá; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thẩm định giá. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Năm là, tiếp tục quản lý, điều hành giá các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng bình ổn giá (xăng dầu, điện, dịch vụ sự nghiệp công...) theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Sáu là, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng nhiệm vụ thực hiện triệt để công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ chất lượng thực phẩm tươi sống nhập khẩu; đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ tại những khu vực địa bàn trọng yếu, giáp biên giới.
Bảy là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về công tác quản lý, điều hành, thực hiện quy định pháp luật về giá để tạo sự đồng thuận trong người dân và xã hội. Trước mắt, cần làm tốt các biện pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đã được nêu rõ tại Chỉ thị 33/CT-TTg ngày 17/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 06/CT-BTC ngày 19/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Cụ thể:
(i) Các bộ, ngành (Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Giao thông và Vận tải, Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Thông tin và Truyền thông) và UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo đơn vị liên quan tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phối hợp chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết; Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phục vụ công tác chuẩn bị nguồn hàng; Tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa vào nội đô trong giai đoạn cao điểm; Chú trọng kiểm soát giá các hàng hóa dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ vận tải, du lịch tại điểm vui chơi, thăm quan, lễ hội; Đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người dân đến các địa điểm bán hàng sạch, hàng bình ổn giá, phản ánh trung thực về cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm, phổ biến pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, công tác tuyên truyền chương trình “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
(ii) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết.
(iii) Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chú trọng triển khai một số nội dung:
- Theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn, để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật; Phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Chương trình bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là tại các địa phương có xảy ra lũ lụt thiên tai; Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng, tung tin thất thiệt gây tăng giá đột biến, cục bộ; Kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia theo quy định cho người dân vùng gặp thiên tai, lũ lụt; Cứu đói cho dân trong thời kỳ giáp hạt và trong dịp Tết theo đúng đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá như: Lương thực, thực phẩm, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, khí LPG, cước vận tải và các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất; có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định; công bố công khai tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, lợi dụng dịp lễ, tết, cao điểm để tăng giá ở mức cao và các trường hợp không thực hiện việc kê khai, niêm yết giá...