Nhìn lại công tác quản lý, điều hành giá sữa thời gian qua

PV.

(Taichinh) - Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), lần đầu tiên sau nhiều năm, với nỗ lực quản lý, điều hành của các cơ quan chức năng, thị trường đã hình thành được mặt bằng giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và cơ bản giá ổn định liên tục trong 12 tháng.

Ảnh minh họa. Nguồn: tuoitre.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: tuoitre.vn

Năm 2014, thực hiện Nghị Quyết số 29/NQ-CP ngày 02/5/2014 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 4, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và Công Thương ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 về việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi có hiệu lực từ ngày 1/6/2014.

Ngày 20/5/2014, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Công văn số 6544/BTC-QLG về việc hướng dẫn thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi. Theo đó, Nhà nước thực hiện bình ổn giá sản phẩm sữa bằng 02 biện pháp, gồm: Quản lý giá tối đa đối với sản phẩm sữa trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Quyết định 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 có hiệu lực (ngày 01/6/2014); và Đăng ký giá đối với sản phẩm sữa trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Quyết định 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 có hiệu lực (ngày 01/6/2014).

Theo Bộ Tài chính, tính đến nay, cơ quan quản lý giá từ trung ương đến địa phương đã rà soát, công bố công khai giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai của 708 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Trên cơ sở mặt bằng giá do Nhà nước công bố, giá bán lẻ giảm từ 0,1% - 34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá.

Theo báo cáo kết quả kiểm tra của Sở Tài chính các tỉnh, thành phố và của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) về cơ bản các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa đều thực hiện theo đúng quy định về xác định giá tối đa, đăng ký giá và niêm yết giá.

Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng cho thấy một số tổ chức, cá nhân còn vi phạm các quy định như: Đăng ký giá chưa đầy đủ các sản phẩm theo quy định; Giá bán thực tế cao hơn giá đăng ký, cao hơn giá niêm yết; không niêm yết giá hoặc niêm yết chưa đầy đủ và chưa đúng quy định; gian lận thương mại (tẩy xóa và in lại hạn sử dụng, chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng)...

Do vậy, các cơ quan đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và thu số tiền thu lợi do vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng theo quy định về kinh doanh sữa và bình ổn giá sữa với tổng số tiền là 519.739.000 đồng; giá trị các hộp, bịch sữa bị tịch thu, tiêu hủy là 41.810.000 đồng.

Trong tháng 3-4/2015, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, trong đó có yêu cầu các DN kê khai giá tại Bộ Tài chính và các DN kê khai trên địa bàn các tỉnh, thành phố tại Sở Tài chính rà soát tiết giảm các khoản chi phí, kịp thời giảm giá bán khi các yếu tố hình thành giá giảm, đặc biệt là loại trừ ra khỏi chi phí các khoản chi phí quảng cáo khuyến mại của các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu các DN thực hiện kê khai lại giá theo quy định. 05 DN thuộc diện kê khai giá tại Bộ Tài chính đã thực hiện kê khai giá lại của 50 sản phẩm sữa (Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Công ty TNHH Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A và Công ty TNHH Tiên Tiến - nhà phân phối của Công ty TNHH MeadJohnson Nutrition Việt Nam). Tuy nhiên, do các công ty thực hiện kê khai giá tại Bộ Tài chính chỉ thực hiện khâu bán buôn, không bán lẻ nên mức giá kê khai có hiệu lực từ ngày 20/4/2015 là mức giá bán buôn. Việc triển khai đến khâu bán lẻ có độ trễ do các công ty thực hiện thông báo, điều chỉnh hệ thống.

Qua báo cáo của cơ quan quản lý giá tại địa phương, 02 DN gồm Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam và Công ty TNHH Danone Việt Nam đã kê khai giảm giá đối với 17 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi. Sau khi rà soát, cơ quan quản lý giá địa phương đã công bố giá bán buôn tối đa và giá bán lẻ tối đa mới của 02 DN nêu trên. Mức giá có hiệu lực từ ngày 20/4/2015. Mức giá kê khai lại của các sản phẩm nêu trên giảm khoảng 0,4-4% so với mức kê khai liền kề trước đó.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã rà soát và đăng công khai mức giá trên trang thông tin điện tử để các cơ quan quản lý, người tiêu dùng biết. Đồng thời, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản đề nghị Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương phối hợp kiểm tra tình hình thực hiện mức giá bán mới của các sản phẩm nêu trên và cung cấp thông tin về các tổ chức, cá nhân vi phạm về Bộ Tài chính để tổng hợp.

Ngày 30/4/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2015, trong đó Chính phủ đã thống nhất với đề xuất của Bộ Tài chính về việc tiếp tục bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp xác định giá tối đa từ ngày 01/6/2015 đến hết 31/12/2016.

Thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 30/4/2015, Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành Quyết định số 857/QĐ-BTC ngày 12/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi và Công văn số 6230/BTC-QLG ngày 12/5/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố và các DN sản xuất, kinh doanh sữa thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc quản lý giá sữa bằng biện pháp giá tối đa. Đây được coi là những văn bản quan trọng, góp phần bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời gian tới, đảm bảo lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng.

Có thể nói, với nỗ lực của Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, công tác quản lý, điều hành giá sữa trong thời gian qua đã có nhiều kết quả tích cực, tạo được sự đồng thuận của xã hội. Theo đó, về cơ bản giá sữa đã được đặt trong tầm quản lý - kiểm soát của cơ quan quản lý; người tiêu dùng được hưởng mức giá giảm, mặt bằng giá được giữ ổn định liên tục 12 tháng liền...