Bình ổn giá sữa luôn là đòi hỏi chính đáng của cả xã hội

Theo Nguyễn Phượng/thoibaotaichinhvietnam.vn

(Taichinh) - Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính trả lời phỏng vấn phóng viên xung quanh quyết định kéo dài thời hạn áp trần giá sữa đến 31/12/2016 vừa được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4/2015.

 Bình ổn giá sữa luôn là đòi hỏi chính đáng của cả xã hội - Ảnh 1

Ông Nguyễn Anh Tuấn

Phóng viên: Thưa ông, chủ trương áp trần giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được Chính phủ, Bộ Tài chính thực hiện quyết liệt trong gần 1 năm qua. Vậy giải pháp này đã phát huy hiệu quả thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trong thời gian thực hiện biện pháp bình ổn giá sữa gần 1 năm qua, cơ quan quản lý giá từ trung ương đến địa phương đã rà soát, công bố giá tối đa và giá đăng ký của 686 dòng sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm sữa lưu thông trên thị trường.

Nhờ vậy, lần đầu tiên sau nhiều năm trên thị trường cả nước đã hình thành được mặt bằng giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và cơ bản giá ổn định liên tục trong 12 tháng. Trong khi trước đó, một năm phát sinh tới 3 – 4 lần doanh nghiệp kê khai điều chỉnh giá.

Theo quy định tại Quyết định 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014, thời hạn áp dụng giá tối đa bắt đầu từ ngày 1/6/2014 và kết thúc vào ngày 31/5/2015, nhưng tiếp tục thực hiện bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn luôn là đòi hỏi chính đáng của cả xã hội.

Trên cơ sở mặt bằng giá do Nhà nước công bố, giá bán lẻ sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của tất cả các hãng sữa đều giảm từ 0,1% đến 34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá. Đồng thời, các biến động về giá chủ yếu do có sự thay đổi về trọng lượng, chủng loại, chất lượng, mẫu mã chưa có giá tối đa, không xảy ra đối với các trường hợp đã có giá tối đa.

Quan trọng hơn, mặc dù còn không ít vướng mắc song các doanh nghiệp và người tiêu dùng đều đồng thuận với chủ trương bình ổn giá của Chính phủ, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bình thường, người tiêu dùng được hưởng giá giảm nhiều hơn so với thời gian trước khi bình ổn giá, và đặc biệt là được giữ ổn định gía liên tục 12 tháng liền.

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4/2015, Chính phủ đã quyết định kéo dài thời gian áp trần giá sữa đến hết năm 2016. Được biết, chủ trương này của Chính phủ trên cơ sở đề nghị trước đó của Bộ Tài chính. Vậy tại sao Bộ Tài chính lại đề xuất tiếp tục áp dụng biện pháp này, thưa ông?

Thực tế thực hiện bình ổn giá sữa thời gian qua cho thấy, chủ trương bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Chính phủ là hết sức đúng đắn.

Tuy nhiên, kết quả bình ổn giá sữa vẫn còn chưa chắc chắn và tiềm ẩn nhiều dấu hiệu biến động bất thường. Trong đó đáng chú ý nhất là vẫn còn doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sữa có những biểu hiện cạnh tranh không bình đẳng trên thị trường, thay đổi trọng lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm để xác định giá tối đa mới.

Cùng với đó, giá nguyên liệu thế giới thời gian qua có giảm nhưng giá sữa thành phẩm tiêu thụ trong nước không giảm.

Đồng thời, theo quy định tại Quyết định 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014, thời hạn áp dụng giá tối đa bắt đầu từ ngày 1/6/2014 và kết thúc vào ngày 31/5/2015, nhưng tiếp tục thực hiện bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn luôn là đòi hỏi chính đáng của cả xã hội.

Thậm chí, khi xuất hiện một số yếu tố dẫn đến giảm chi phí sản xuất, nhập khẩu như giá xăng dầu, giá sữa nguyên liệu, lãi vay ngân hàng, dư luận còn đòi hỏi phải giảm giá trần công bố tháng 5/2014.

Từ các phân tích trên cho thấy, mục tiêu bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã đạt được trong thời gian qua phải tiếp tục được củng cố để bảo đảm sự bền vững.

Như ông vừa đề cập đến yếu tố giá nguyên liệu thế giới thời gian qua có giảm nhưng giá sữa thành phẩm tiêu thụ trong nước không giảm. Cụ thể là như thế nào, thưa ông?

Theo dự báo của Tổ chức nông lương thế giới của Liên Hợp quốc tại Báo cáo khái quát về nông nghiệp 2014 – 2023, giá một số loại sữa nguyên liệu như sữa bột gầy, sữa bột nguyên kem, bột whey có xu hướng giảm trong năm 2015 bình quân khoảng 5,8%.

Đáng lưu ý, giá bán lẻ sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại thị trường một số nước thường thấp hơn sản phẩm tương tự tại thị trường Việt Nam.

Ví dụ, theo tài liệu do Vụ Kinh tế tổng hợp – Bộ Ngoại giao cung cấp, giá bán trung bình trên kilogram của các sản phẩm sữa công thức cho trẻ em dưới 6 tuổi bước 1 – bước 4 của tất cả các nhãn hàng của Việt Nam đang cao hơn một số nước trong khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, giá bán trung bình sản phẩm sữa bước 1 – bước 4 của Việt Nam là 16 USD/kg sản phẩm, nhưng giá tương tự của Thái Lan chỉ là 14 USD/kg sản phẩm; của Philippines là 12 USD/kg sản phẩm; của Malaysia là 10 USD/kg sản phẩm và của Indonesia là 9,5 USD/kg sản phẩm. Nguồn này do AC Nielsen cung cấp trên cơ sở dữ liệu của tháng 2/2015, riêng Philippines là tháng 6/2014.

Vậy với chủ trương đã được Chính phủ quyết định, việc bình ổn giá đối với sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Chủ trương của Chính phủ được hiểu là giữ nguyên giá tối đa đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã kê khai với cơ quan quản lý và được cơ quan quản lý công bố giá.

Theo đó, đối với những sản phẩm đã công bố giá, thực hiện theo giá đã công bố và không điều chỉnh tăng giá tối đa. Trong quá trình thực hiện quản lý theo giá tối đa đã được công bố, nếu có những nguyên nhân khách quan tác động đến giá sữa, cơ quan quản lý nhà nước về giá chịu trách nhiệm rà soát, xác định giá tối đa cho phù hợp. Trường hợp các yếu tố hình thành giá giảm sẽ thực hiện điều chỉnh giảm giá tối đa đã công bố tương ứng so với tỷ lệ giảm của các yếu tố hình thành giá.

Trong trường hợp phát sinh sản phẩm mới chưa có giá công bố thì doanh nghiệp xác định giá tối đa tương ứng (bao gồm cả giá bán buôn, giá bán lẻ) và kê khai giá theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Xin cảm ơn ông!