Nhìn lại dự báo của các tổ chức tài chính về tăng trưởng của Việt Nam

PV.

Gần đây, các tổ chức kinh tế - tài chính toàn cầu tiếp tục có những dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Dù các tổ chức này đều điều chỉnh mức tăng trưởng như dự báo, song vẫn tỏ ra tin tưởng sự phục hồi trong giai đoạn ngắn tới của Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tăng trưởng xung quanh mốc 6%

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương công bố hôm 5/10, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 xuống còn 6% so với 6,2% trong dự báo hồi tháng 4/2016 và 6,6% cuối 2015.

Trước đó, Báo cáo Cập nhật Triển vọng Kinh tế châu Á 2016 công bố hôm 27/9 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2016 xuống còn 6%, từ mức 6,7%. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng dự báo đạt 6,5% trong năm 2017 cũng bị hạ xuống còn 6,3%.

Mới đây nhất, Báo cáo kinh tế vĩ mô châu Á quý IV/2016 của Ngân hàng HSBC cũng đã cắt giảm nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế từ mức 6,3% xuống còn 6,2% cho năm 2016 và 6,6% xuống còn 6,5% cho năm 2017, trong khi vẫn tiếp tục kỳ vọng nền kinh tế sẽ tốt hơn trong tương lai gần. Đến nay, tăng trưởng đã phục hồi dù vẫn là thách thức để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7%.

Điều gì khiến các tổ chức tài chính lại điều chỉnh giảm?

Theo WB, nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP của Việt Nam sụt giảm được cho là do các ngành chủ lực như nông nghiệp, công nghiệp sụt giảm cả về sản xuất và xuất khẩu.

Trong khi đó, theo ADB, nguyên nhân điều chỉnh giảm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là do sự giảm sút của ngành nông nghiệp và khai khoáng trong nửa đầu năm.

Ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam - nhìn nhận, hạn hán ở khu vực Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, cùng với giá cả hàng hóa toàn cầu thấp, đã làm chậm nhịp tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm nay.

Cùng chung quan điểm này, Báo cáo kinh tế vĩ mô châu Á quý IV/2016 của Ngân hàng HSBC khẳng định, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ chậm đáng thất vọng trong nửa đầu năm do tình hình hạn hán trên diện rộng.

Các chuyên gia của HSBC cũng nêu ra các khó khăn với nền kinh tế là tình hình nợ xấu kéo dài, những nguy cơ tiềm năng khiến lạm phát tăng, và tốc độ thoái vốn Nhà nước chậm hơn so với kế hoạch. Trong thời điểm hiện tại, việc nới lỏng tiền tệ và tài khóa bị giới hạn.

Viễn cảnh trung hạn vẫn tích cực

WB cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ trở lại mức 6,3% vào năm 2017 nhờ nhu cầu tiêu dùng và tín dụng tăng. Xuất khẩu cũng sẽ tăng theo nhờ các hiệp định thương mại tự do gần đây.

WB khẳng định, viễn cảnh trung hạn vẫn tích cực nhưng cần phải thực hiện tái cơ cấu, cải cách tài khoá và cải cách ngân hàng quyết liệt hơn nữa thì mới có thể khắc phục được các yếu kém vĩ mô và tăng cường tăng trưởng trong trung hạn.

Ngay trong 3 quý đầu năm nay, dù tình hình kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, song tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng chỉ giảm nhẹ. WB cho rằng, kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại.

ADB lại cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được kỳ vọng tăng cuối năm, nhờ sự gia tăng mạnh hơn của dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu, tăng trưởng tín dụng trong nước, sự phục hồi nhẹ trong nông nghiệp và việc đẩy mạnh giải ngân các khoản chi đầu tư cơ bản trong các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng quốc gia.

ADB cho rằng thương mại vẫn là một điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam. Trong sáu tháng qua, Việt Nam đạt mức thặng dư thương mại hàng hóa lớn, ước tính tương đương 8,2% GDP. Đây là bước cải thiện đáng kể so với năm 2015, phản ánh sự tăng trưởng tiếp tục trong xuất khẩu, trong khi nhu cầu nhập khẩu giảm bớt.

Theo Ngân hàng HSBC, Việt Nam vẫn duy trì năng lực cạnh tranh cao, đặc biệt là đối với hàng dệt may và sản xuất điện tử và sẽ còn giành thêm thị nhiều phần toàn cầu ngay cả khi thương mại toàn cầu vẫn còn mờ nhạt.