Nhìn nhận lại vai trò của ưu đãi đầu tư
(Tài chính) Các chính sách ưu đãi để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ tạo ra sự biến dạng hệ thống thuế và gây tốn kém cho ngân sách, nghiên cứu từ Điều tra Công nghiệp Việt Nam 2011 của Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO) khuyến cáo. Trong khi đó, sự ổn định kinh tế và chính trị, chi phí lao động, thuế, khung pháp lý của nước sở tại và chất lượng cơ sở hạ tầng... là những yếu tố mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Ngày 26/6, UNIDO cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố nghiên cứu từ Điều tra Công nghiệp Việt Nam 2011 trên 1.493 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động chủ yếu tại các tỉnh: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Đà Nẵng và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Theo nghiên cứu này, nhằm thu hút vốn FDI, nước ta đang áp dụng nhiều chính sách và hình thức ưu đãi khác nhau gồm: ưu đãi về thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, các loại thuế lợi tức); ưu đãi về đất đai; ưu đãi về ưu đãi tín dụng; và các hình thức hỗ trợ tài chính khác của các địa phương. Chẳng hạn, qua các năm, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đã giảm liên tục từ 32% trong năm 1997 xuống còn 28% trong năm 2003, xuống 25% trong năm 2009, xuống 22% (có hiệu lực từ ngày 1/1/2014) và xuống 20% (ngày hiệu lực dự kiến là 1/1/2016). Ở địa phương có các hình thức hỗ trợ khác như: hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư, chi phí quảng cáo, hỗ trợ đào tạo người lao động, khen thưởng các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực môi giới đầu tư. Có tới 97% doanh nghiệp FDI ở Vĩnh Phúc, 79% ở Hà Nội, 72% ở Đồng Nai, 65% ở Bắc Ninh trả lời khảo sát là họ được nhận ưu đãi tài chính của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, theo đại diện cán bộ kỹ thuật UNIDO Brian Portelli, các doanh nghiệp FDI ghi nhận rằng các ưu đãi có thể vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn FDI nhưng các ưu đãi tài chính dường như chỉ mang tính bổ sung chứ không phải là một nhân tố cần thiết trong tiến trình thu hút đầu tư. Điều mà các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng không phải là những chính sách ưu đãi đầu tư mà là sự ổn định kinh tế, chính trị, chi phí lao động, khuôn khổ pháp lý, chất lượng cơ sở hạ tầng và nhất là chất lượng nguồn nhân lực của quốc gia đó.
Theo Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đặng Xuân Quang, thời gian qua nước ta đã đưa ra rất nhiều ưu đãi đầu tư để thu hút FDI vào ba lĩnh vực được đặc biệt ưu tiên là công nghệ cao, nông nghiệp và địa bàn kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, kết quả vốn FDI chảy vào khu vực vẫn rất hạn chế. Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản không được ưu đãi đầu tư thì từ năm 2006 – 2008 lại thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI. Điều đó thêm khẳng định, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng mặn mà hoặc hứng thú với ưu đãi đầu tư của Chính phủ.
Sau khi phân tích nhiều thuật toán, báo cáo nghiên cứu từ điều tra công nghiệp Việt Nam năm 2011 của UNIDO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: về tổng thể, dường như không có nhiều khác biệt về hiệu quả hoạt động giữa các công ty nước ngoài được nhận ưu đãi và các công ty nước ngoài không được nhận ưu đãi. Không có bằng chứng sát thực về việc doanh nghiệp FDI nhận được ưu đãi đã sử dụng nhiều lao động hơn, có năng suất lao động cao hơn và đầu tư nhiều vốn hơn doanh nghiệp FDI không nhận được ưu đãi. Sự khác nhau chỉ là tiền lương trung bình cho một lao động: doanh nghiệp FDI nhận được ưu đãi có mức tiền lương trung bình một lao động cao hơn so với doanh nghiệp FDI không nhận được ưu đãi. Đồng thời, đối với bất kể ưu đãi nhận được là gì, doanh nghiệp FDI về cơ bản ít tái đầu tư trong tương lai; tuy nhiên, khả năng mở rộng kinh doanh ở doanh nghiệp FDI được ưu đãi cao hơn doanh nghiệp FDI không được ưu đãi.
Nghiên cứu gợi ý rằng, việc cấp ưu đãi đầu tư là một chính sách rất tốn kém; thậm chí có thể gây ra sự biến dạng hệ thống tài chính quốc gia và những hạn chế về ngân sách mà nó tạo ra đối với nước nhận đầu tư. Vì thế, các ưu đãi cần phải được ra soát liên tục nhằm đánh giá tính hiệt quả của các ưu đãi hơn là tác động hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; cấp ưu đãi phải có chọn lọc để thực sự mang lại kết quả đầu tư như mong đợi về hiệu suất và tạo nên giá trị gia tăng. Theo nhận định của Trưởng đại diện UNIDO Việt Nam Patrick Gilabert, hiện chỉ có khoảng 5 – 6% doanh nghiệp FDI mang công nghệ tiên tiến vào nước ta, có nghĩa có tới 94 – 95% doanh nghiệp FDI là mang vào công nghệ trung bình và công nghệ thấp khiến cho doanh nghiệp FDI cần sử dụng nhiều lao động và xuất khẩu hơn doanh nghiệp trong nước nhưng hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực trả lương thấp và sử dụng lao động kỹ năng thấp.
Ông Patrick Gilabert khuyến cáo, thu hút FDI nhằm xây dựng nền kinh tế chứ không phải để làm thui chột đầu tư trong nước cũng như các ưu đãi thuế làm tăng tính cạnh tranh, chứ không thay thế cho sự cạnh tranh. Ông Patrick Gilaber cũng khẳng định, trong 5 – 10 năm tới, khi các ưu đãi đã bình đẳng thì nhân tố về ưu đãi sẽ không còn là yếu tố quan trọng nữa, đã đến lúc phải chú trọng đến việc phát triển chiều sâu chứ không chỉ đơn thuần là chiều rộng ưu đãi. Đồng tình với Trưởng đại diện UNIDO Việt Nam, Ts Lê Đăng Doanh cho rằng, để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nước ta không nên chỉ chăm chăm xây dựng các ưu đãi, đưa ra những ưu đãi vượt khung; thay vào đó, cần tích cực cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…