Nhóm Dầu khí, Ngân hàng giúp thị trường tìm điểm cân bằng

Minh Lâm

Vượt qua áp lực cung giá thấp, thị trường chứng khoán vẫn giữ được sắc xanh đến hết phiên cuối tuần (ngày 15/9) nhờ sự nâng đỡ của nhóm cổ phiếu Dầu khí và Ngân hàng.

Khi thị trường đang thiếu thông tin hỗ trợ sau mấy nhịp điều chỉnh tuần qua, VN-Index hôm nay lại mở cửa khá tích cực, tăng hơn 5 điểm ngay trong phiên ATO. Đà tăng điểm sớm được nới lên thành 10 điểm sau gần 1 giờ giao dịch, đẩy chỉ số lên 1.233,87 điểm.

Thị trường giao dịch trong trạng thái lưỡng lự, tiếp tục thăm dò tại vùng 1.220-1.245 điểm
Thị trường giao dịch trong trạng thái lưỡng lự, tiếp tục thăm dò tại vùng 1.220-1.245 điểm

Nhưng, không lâu sau đó thì áp lực bán lại tìm về khiến chỉ số đi xuống. VN-Index cứ như vậy mà rung lắc mạnh quanh vùng tham chiếu đến tận phiên chiều. Phải đến khi chỉ số lùi về mốc 1.220 điểm, lực cầu mới xuất hiện nhiều hơn để cân bằng thị trường.

Trong phiên chiều, VN-Index mất thêm 30 phút rung lắc trong biên độ hẹp rồi mới bật hồi lại được. Tuy nhiên, chỉ số chung vẫn chưa thể vượt thành công được mốc 1.230 điểm và đóng cửa trong trạng thái tăng nhẹ 3,6 điểm, tương ứng tăng 0,29% so với phiên trước lên ngưỡng 1.227,4 điểm. Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE giảm 20% theo phiên, về mức thấp nhất từ đầu tháng 9 là 20,2 nghìn tỷ đồng.

Hỗ trợ tích cực cho thị trường hôm nay là nhóm Dầu khí, Khí đốt (+0,7%) với nhiều mã tăng vượt trội: PVS (+4%), OIL (+4,5%), POS (+7,9%), PVB (+4%), PVC (+3,1%), PVE (+4,5%)... Trong khi đó, nhóm Ngân hàng (+0,5%) cũng giữ vai trò nâng đỡ chính nhờ VCB (+0,8%), TPB (+1,1%), STB (+2,2%), SSB (+2,7%), MBB (+1,3%), HDB (+2,9%), BID (+0,1%).

Ngoài ra, những cổ phiếu có tác động tích cực tới thị trường hôm nay còn có GAS (+3,4%), VHM (+3,1%). Nhờ đó, rổ VN30 (+0,38%) tăng tốt hơn so với VNMidcap (+0,03%) và VNSmallcap (-0,16%).

Trong phiên giao dịch hôm nay, việc mua ròng với thanh khoản 128 tỷ đồng của khối ngoại có thể được coi là điểm sáng, tập trung mua tại VHM (+225 tỷ đồng), VIX (+160 tỷ đồng) và PDR (+123 tỷ đồng). Ngược lại, khối này bán nhiều ở HPG (-144 tỷ đồng), SHB (-106 tỷ đồng), STB (-83 tỷ đồng).

Như vậy, sau một tuần giao dịch đầy rung lắc quanh khu vực đỉnh cũ, VN-Index giảm 14,13 điểm, tương ứng giảm 1,14% so với tuần trước.

Sự rung lắc, tăng giảm đan xen được ghi nhận trong các phiên giao dịch sau đó cho thấy lực cầu đã có phần suy yếu và chưa thể giúp thị trường cải thiện về mặt điểm số. Theo thống kê, trong tuần vừa qua, nhóm cổ phiếu dầu khí ghi nhận mức tăng nổi bật nhất với sắc xanh xấp xỉ 3,3% với nhiều cổ phiếu tăng điểm tốt như GAS, PVD, PVS.

Trong đó, ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index là GAS với mức tăng 7,2% đã giúp chỉ số tăng 3,6 điểm trong tuần. Nhóm Ngân hàng đã trở lại vai trò dẫn dắt chỉ số khi chiếm 6/10 vị trí ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index, bao gồm các mã: VPB, VIB, CTG, HDB, VCB và MBB.

Ở chiều ngược lại, áp lực bán mạnh đè nặng lên nhóm cổ phiếu bất động sản khiến cho nhóm ngành này giảm hơn 6%. Hai cổ phiếu họ Vin là VIC và VHM tiếp tục bị bán mạnh gây ảnh hưởng lớn đến VN-Index, cụ thể 2 mã này lần lượt kéo chỉ số giảm 5,3 điểm và 3,8 điểm.

Trong tuần thực hiện cơ cấu danh mục quý III của 2 ETF VNM và FTSE, khối ngoại đã tiếp tục bán ròng hơn 2.100 tỷ đồng. HPG trở thành tâm điểm khi khối này bán ra hơn 720 tỷ đồng, gần gấp đôi mã bị bán ròng thứ 2 là STB với giá trị 379 tỷ đồng. Chiều mua ròng, VIX sau khi lọt vào danh mục FTSE đã được mua ròng 223 tỷ trong tuần và là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất.

Nhịp giảm của thị trường đã chững lại trong phiên giao dịch lưỡng lự cuối tuần kèm thanh khoản yếu cho thấy dòng tiền bắt đáy còn khá e dè. Với tín hiệu này, có khả năng, diễn biến thị trường sẽ chậm lại trong các phiên tới.

Những nhịp điều chỉnh hiện tại của VN-index chịu ảnh hưởng nhiều bởi nhóm cổ phiếu ngành Bất động sản và đặc biệt là họ Vingroup. Nếu như nhóm này cân bằng trong tuần sau, VN-Index sẽ có điều kiện hồi phục tốt hơn.