Nhóm trụ VN-Index: Lợi nhuận thăng hoa, cổ phiếu đứng giá
Bất chấp những lo ngại của nền kinh tế do tác động của COVID-19, bộ ba kinh điển “băng - chứng - thép” vẫn ghi nhận lợi nhuận khủng. Tuy nhiên, cổ phiếu các nhóm này đang đánh mất dần vị thế dẫn dắt VN-Index, không còn đủ lực trụ đỡ cho thị trường. Thị giá cổ phiếu của các nhóm ngành này dường như đang dần “bốc hơi”, ngày càng cách xa mục tiêu kỳ vọng.
Trước những lo ngại nợ xấu tăng, cầu tín dụng giảm do ảnh hưởng dịch bệnh, hầu hết các nhà băng vẫn báo lãi lớn, đi kèm các chỉ số tài chính thăng hoa như TCB, TPB, VIB ...
Một số ngân hàng chưa chính thức công bố báo cáo tài chính quý III, nhưng cũng đã có thông tin sơ bộ kết quả kinh doanh khả quan như BID, MBB, ACB, VCB...
Những tưởng kết quả kinh doanh tốt sẽ giúp cổ phiếu ngân hàng kích được dòng tiền vào lại, nâng đỡ VN-Index đi lên. Thế nhưng, trái với kỳ vọng, nhóm cổ phiếu ngân hàng không thoát khỏi lình xình, lại quay về vùng đáy cũ và tiếp tục bào mòn sức chịu đựng của nhà đầu tư.
Chỉ ít mã như TCB, TPB, VIB, OCB, MSB là có thể duy trì được sự phục hồi ngắn (T+), do có sự chia tiền từ người tham gia bắt đáy. Còn lại hầu hết các mã ngân hàng khác đang lịm dần trong các nhịp điều chỉnh. Ngoại trừ một số ngân hàng nhỏ vẫn tăng do “game” sáp nhập.
Tương tự với nhóm ngân hàng, nhóm cổ phiếu chứng khoán và thép cũng không thoát khỏi sức ép dao động bất chấp lợi nhuận tốt. Chứng khoán bùng nổ nhờ sức tăng của lượng nhà đầu tư cá nhân đăng ký tham gia thị trường.
Trong khi đó, lĩnh vực thép “sống khoẻ” nhờ giá thép tăng khi nguồn cung trên thế giới co hẹp. Nhưng nhiều mã chứng khoán và thép đã rớt xa so với vùng đỉnh, lình xình đi ngang, không thể kéo thị trường đi lên.
Một số công ty chứng khoán như SSI, VND, SHS, HCM, BVS, CTS... có lợi nhuận tăng trưởng bằng lần, nhưng không đẩy thị giá cổ phiếu lên, trở về vùng đỉnh cũ. Nhiều nhà đầu tư chán nản, tuyên bố quay lưng với nhóm cổ phiếu chứng.
Còn tại nhóm thép, ngoại trừ NKG có vẻ ổn, các cổ phiếu khác đều không tránh nổi áp lực chốt lời. HPG - HSG là cặp đôi nổi bật nhất cho thấy số lượng nhà đầu tư chốt lời không ít. Đặc biệt, HPG còn chịu cảnh khối ngoại xả hàng liên tục dù xuất hiện tin tức lần đầu lãi trên 10.000 tỷ đồng trong kỳ.
Tin tức tốt nhất đã công bố, mọi chỉ số lạc quan cũng đã xuất hiện, nhưng giá cổ phiếu không tăng thêm, có nghĩa cổ phiếu đã đạt đỉnh trước đó hết rồi.
Diễn biến như vậy sẽ khiến dòng tiền chán nản, đặc biệt với người lướt sóng và rất khó để kéo lại cầu ngay. Đánh giá chung cổ phiếu “băng - chứng - thép” tạm thời vẫn chưa thay đổi, kỳ vọng hồi phục khó có thể diễn ra như mong muốn.
Ở vùng giá hiện tại khó tránh được các phiên rung lắc mạnh, do đó, người nắm giữ luôn nghĩ ngay đến kịch bản chờ “tin ra là bán”, làm gia tăng áp lực bán ép giá cổ phiếu.
Nhiều chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư nào nắm giữ tỷ trọng các nhóm này cao thì ưu tiên chốt lời, hoặc tránh mua ngay tại thời điểm này, giữ tỷ trọng thấp hơn so với hồi cuối tháng 8 để đảm bảo thành quả trong sóng vừa qua.
Tuy nhiên, với tiềm lực tài chính vững mạnh, ngân hàng, chứng khoán và thép được cho rằng vẫn là nhóm ngành chủ lực của năm 2022.