Những bài học kinh nghiệm khi tham gia tố tụng tại Tòa
(Tài chính) Doanh nghiệp (DN) không đồng tình với quyết định của cơ quan Hải quan và tiến hành khởi kiện ra Toà hành chính là một việc bình thường trong hoạt động tố tụng hành chính. Điều này thể hiện sự dân chủ, bình đẳng giữa cơ quan quản lý và DN. Do vậy, các đơn vị, cán bộ công chức (CBCC) Hải quan cũng cần làm quen với hoạt động này và có sự chuẩn bị kỹ các vấn đề liên quan trước khi ban hành quyết định xử phạt và cũng để bảo vệ được quan điểm của mình trước Toà.

Sau khi tiến hành xét xử, Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm ra phán quyết: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty TNHH sản xuất kết cấu thép Thành Long. Huỷ toàn bộ Quyết định hành chính 132/QĐAĐ-HQĐS của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan ga Yên Viên về việc ấn định thuế đối với hàng hoá xuất nhập khẩu.
Các căn cứ, lí do được Hội đồng xét xử đưa ra quyết định là: Việc Chi cục Hải quan ga Yên Viên đã làm sai các quy định mà pháp luật buộc phải làm trong việc lấy mẫu để giám định hàng hóa nhập khẩu. Kết quả giám định của Quatest 3 là sai.
Từ thực tiễn tham gia tố tụng các vụ án hành chính tại Tòa, Cục Hải quan Hà Nội rút ra kinh nghiệm, đối với cán bộ công chức thực thi công việc chuyên môn nghiệp vụ hàng ngày phải nắm vững các quy định của pháp luật, quy trình thực hiện nghiệp vụ. Đồng thời có chuyên môn, trình độ và kỹ năng tranh tụng tại Tòa như: kỹ năng trình bày, tranh luận, lắng nghe… Nghiên cứu, phân tích kỹ hồ sơ vụ việc từ đó đối chiếu với các quy định pháp luật liên quan đến vụ kiện để đưa ra những quan điểm, lập luận chính xác, rõ ràng, mạch lạc. Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu khoa học, đầy đủ.
Mới đây nhất, đầu tháng 4-2013, Hội đồng xét xử Tòa án hành chính (Tòa án Nhân dân tỉnh Long An) tuyên bác đơn khởi kiện của Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm thủy sản Kaiyo (gọi tắt là Công ty Kaiyo) đối với Quyết định số 259/QĐ-HQLA ngày 13/9/2012 của Cục Hải quan Long An.
Theo đó, Công ty Kaiyo sẽ phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho cơ quan Hải quan theo Quyết định số 259/QĐ-HQLA ngày 13/9/2012 của Cục Hải quan Long An với lý do ấn định thuế tại thời điểm kiểm tra, lượng nguyên liệu cá tuyết, cá nục ngựa đông lạnh nhập khẩu để gia công sản xuất hàng xuất khẩu thực tế còn tồn tại kho của công ty ít hơn so với lượng tồn trên sổ sách kế toán và cân đối xuất nhập khẩu. Công ty Kaiyo đã vi phạm quy định về quản lý hàng hoá trong khu phi thuế quan và không khai hàng hoá nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào nội địa với số tiền trên 10,1 tỷ đồng.
Cục Hải quan Long An cho rằng, Công ty Kaiyo khởi kiện từng quyết định (Quyết định ấn định thuế và quyết định xử phạt khởi kiện riêng). Nội dung các đơn kiện không có gì khác nhau, nhưng nội dung khởi kiện lần 2 Công ty Kaiyo cho rằng, Tổng cục Hải quan không giải quyết khiếu nại dứt khoát.
Cụ thể, tại biên bản đối thoại giải quyết khiếu nại, Công ty Kaiyo đề nghị Tổng cục Hải quan chưa giải quyết khiếu nại, khi chưa có quyết định của Tòa phúc thẩm - Tòa án nhân dân tối cao đối với việc khởi kiện quyết định ấn định thuế. Mặt khác, trong thời gian Tổng cục Hải quan thụ lý giải quyết khiếu nại, Công ty Kaiyo đã có nhiều văn bản xin miễn thực hiện quyết định xử phạt. Vì vậy, theo Cục Hải quan Long An, nếu có đủ cơ sở để giải quyết khiếu nại thì sớm ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, tránh để DN lợi dụng nhằm trì hoãn và hết thời hiệu giải quyết khiếu nại.
Năm 2009, Công ty cổ phần sơn Hải Phòng không đồng ý với kết quả phân tích phân loại cho lô hàng khai báo là chất mầu dạng nhão làm nguyên liệu sản xuất sơn và Quyết định số 4787/QĐ-DQHP-KTSTQ xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 15 tỷ đồng. Vụ án được xử từ cấp sơ thẩm lên phúc thẩm. Tại bản án phúc thẩm Tòa án phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định hủy Quyết định số 4787/QĐ-DQHP-KTSTQ về việc truy thu thuế nhập khẩu và thuế Giá trị gia tăng của Công ty cổ phần sơn Hải Phòng. Ngay sau đó, Tổng cục Hải quan đã đề nghị Cục Hải quan Hải Phòng thực hiện quyết định của tòa phúc thẩm, trả lại cho Công ty cổ phần sơn Hải Phòng số tiền thuế truy thu đã nộp vào ngân sách nhà nước.
Qua thực tiễn tham gia quá trình tố tụng tại Tòa xét xử vụ kiện của Công ty cổ phần sơn Hải Phòng, Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng, khi nhận được thông báo thụ lý của Tòa án, cần kiểm tra lại các bước nghiệm vụ của cơ quan Hải quan từ quá trình phát sinh vụ việc, đề xuất, thiết lập hồ sơ ban đầu đến quá trình thiết lập hồ sơ xử lý, ban hành quyết định, rà soát, đối chiếu với các quy định pháp luật để tìm ra các vấn đề sơ suất hoặc sai sót. Đánh giá vụ việc để sửa chữa, hủy bỏ quyết định, thương lượng với người khởi kiện hoặc chuẩn bị hồ sơ, ý kiến về nội dung khởi kiện và các yêu cầu của người khởi kiện.
Qua các kinh nghiệm từ các đơn vị địa phương đã từng xảy ra những vụ kiện hành chính cho thấy, với CBCC và các đơn vị, việc đòi hỏi tính “chuyên nghiệp” trong quy trình, thao tác trong xử lý công việc được thực hiện một cách chuyên nghiệp sẽ giúp hạn chế những sai sót không đáng có, mà với các vụ án hành chính những sai sót được xem là “nhỏ nhặt” đôi khi lại trở thành những “điểm yếu”.
Để trang bị kỹ năng cho CBCC khi bảo vệ quan điểm của mình trước Tòa trong các vụ án hành chính, Tổng cục Hải quan đang lấy ý kiến các đơn vị Hải quan về dự thảo Quyết định Ban hành Bản hướng dẫn nội bộ về trình tự, thủ tục tham gia tố tụng hành chính tại Tòa án của cơ quan Hải quan. Quyết định này hướng dẫn rất chi tiết các vấn đề liên quan đến một vụ án hành chính, quyền và nghĩa vụ của cơ quan Hải quan.
Đặc biệt là trình tự, thủ tục tham gia tố tụng hành chính tại Tòa của cơ quan Hải quan gồm: Quá trình chuẩn bị; quá trình tham gia; thủ tục phúc thẩm vụ án hành chính; thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm…
Ngoài việc trang bị các kỹ năng, kiến thức như trên, theo một số CBCC Hải quan có kinh nghiệm, điều quan trọng nhất là trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải thực hiện chuẩn, đúng quy trình, quy định ngay từ khâu đầu tiên. Bởi các vụ việc hành chính liên quan đến quy định của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên thực hiện chuẩn theo quy trình là điều không hề dễ dàng, cần phải được tiến hành cẩn trọng.
Vấn đề nữa là khi ra tòa, việc chọn người tranh tụng cũng là điều hết sức cần thiết. Vì thực tế khi tham gia tranh tụng, đôi khi người nắm rõ việc thì kỹ năng thuyết trình lại hạn chế, ngược lại người có khả năng này lại không nắm hết “đường đi nước bước” vụ việc, nên dễ bị Tòa “nắn gân”...