Những chuyển biến tích cực trong công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT của BHXH Việt Nam
Nhằm tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT đến tất cả các tầng lớp nhân dân. Qua đó, tạo sự đồng thuận, tin tưởng và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT.
Những điểm nhấn trong công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT
Thời gian qua, BHXH Việt Nam chủ động phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết của Đảng về BHXH, BHYT đến cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân trong cả nước.
Thống kê cho thấy, tính đến nay, đã có trên 8.000 tin, bài, phóng sự, tọa đàm tuyên truyền về các nghị quyết của Đảng được các cơ quan báo chí đăng tải, đưa tin dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú; 200 hội nghị, hội thảo, tập huấn về nghị quyết được các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể tổ chức để tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, BHYT. Đây là những kết quả quan trọng góp phần làm sâu sắc thêm vai trò, ý nghĩa, tính nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Đặc biệt, việc tổ chức tuyên truyền hiệu quả về chính sách BHXH, BHYT của ngành BHXH đã tạo sức lan tỏa sâu rộng, dễ nhớ, dễ hiểu để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chính sách BHXH, BHYT đối với sự nghiệp chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Ý nghĩa hơn, kết quả công tác tuyên truyền nghị quyết của Đảng về BHXH, BHYT của các cấp, các ngành, cơ quan thông tấn, báo chí đã góp phần tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội về thực hiện chính sách BHXH, BHYT; đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện chính sách của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã chủ động đổi mới nội dung tuyên truyền, chuyển từ việc chú trọng tuyên truyền, phổ biến nội dung chính sách, pháp luật BHXH, BHYT sang truyền thông chuyên sâu về lợi ích, vai trò, ý nghĩa, tính nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT.
Ngoài đổi mới nội dung truyên truyền, BHXH Việt Nam cũng đã tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền, áp dụng linh hoạt các hình thức truyền thông phù hợp với đặc điểm vùng miền, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư.
Kết quả, ước đến ngày 24/8/2020 đã có gần 9.000 tin, bài, phóng sự, tọa đàm, chuyên trang, chuyên mục phản ánh về BHXH, BHYT, BHTN được các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương đăng tải; gần 220.000 cuộc gọi đến số hotline Hệ thống chăm sóc khách hàng của BHXH Việt Nam, qua đó đã kịp thời tư vấn, giải đáp thông tin, truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho hàng trăm người, góp phần tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí cho người dân, các phản ánh, kiến nghị được giải đáp kịp thời đã góp phần giảm bức xúc, khiếu kiện của người dân, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW...
Đổi mới phương pháp truyền thông trong tình hình mới
Ngoài thực hiện tốt công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã chủ động đổi mới phương pháp truyền thông theo hướng linh hoạt để đáp ứng kịp thời với bối cảnh thực tiễn; kết hợp hài hòa giữa tuyên truyền thường xuyên và truyền thông theo chiến dịch.
Theo đó, thời gian qua, BHXH đã tổ chức phương pháp truyền thông như: theo chiến dịch, theo chủ đề và truyền thông cao điểm. Cụ thể, đối với truyền thông theo chiến dịch, 8 tháng đầu năm 2020, BHXH Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức 2 Lễ ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình với quy mô toàn quốc. Kết quả, tại 2 Lễ ra quân đã phát triển được 123.823 người (trong đó có 60.286 người tham gia BHXH tự nguyện, 63.537 người tham gia BHYT hộ gia đình). Đây là hình thức truyền thông hiệu quả, số người tham gia BHXH tự nguyện trực tiếp tại lễ ra quân rất cao (bằng 300,1% so với năm 2017; 114% so với năm 2018; 20,3% so với năm 2019 và bằng 62% so với số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện phát triển được trong 6 tháng đầu năm 2020).
Qua hai Lễ ra quân đã có trên 600 tin, bài, phóng sự được các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải, phát sóng truyền thông về các buổi Lễ cũng như các kết quả đạt được từ hai buổi Lễ này; đồng thời, với các link livestream của 02 buổi Lễ, đã thu hút trên 7 triệu lượt người theo dõi trên Fanpage của BHXH Việt Nam.
Nhờ kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, với các thông điệp truyền thông gần gũi, thiết thực, truyền tải được giá trị nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, sự quan tâm chăm lo của Đảng Nhà nước đối với Nhân dân thông qua các chính sách an sinh này, cũng như quyết tâm thực hiện BHXH, BHYT toàn dân của cả hệ thống chính trị… Đặc biệt, thông qua các Lễ ra quân đã giúp người dân nhận thức sâu sắc hơn về lợi ích và tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT.
Đối với công tác truyền thông theo chủ đề, thực hiện các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Song song đó, BHXH Việt Nam cũng đã tổ chức truyền thông theo các chủ đề như: “Hưởng ứng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam chung tay phòng, chống dịch Covid-19” và chủ đề “Ý nghĩa, lợi ích của cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin ngành BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia trong bối cảnh dịch Covid-19”.
Tổng số tin, bài truyền thông với 2 chủ đề trên trong đợt cao điểm phòng, chống dịch (21 ngày giãn cách xã hội từ 01/4 - 21/4) là 1.378 tin, bài. Qua đó, đã góp phần làm rõ, làm sâu sắc thêm giá trị nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, BHTN trong việc ổn định đời sống người dân khi có những biến cố về dịch bệnh khó lường.
Về truyền thông cao điểm, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người lao động bị mất việc làm, thu nhập giảm sút, đời sống gặp khó khăn, lợi dụng hoàn cảnh này, nhiều đối tượng xấu đã lập trang web mạo danh cơ quan BHXH để thu gom, mua sổ BHXH của người lao động nhằm trục lợi. Để ngăn chặn tình trạng này, BHXH Việt Nam đã kịp thời phát hiện và báo cơ quan chức năng xử lý, đồng thời tăng cường truyền thông cao điểm lên án những hành vi nêu trên và khuyến cáo người lao động không bán sổ BHXH, không lựa chọn nhận BHXH một lần.
Với đợt truyền thông cao điểm này đã có trên 300 tin, bài, phóng sự được các cơ quan thông tấn, báo chí đăng tải, góp phần ngăn chặn tình trạng mua, bán sổ BHXH tràn lan trên mạng, giúp người lao động hiểu được giá trị lâu dài, bền vững của chế độ BHXH để không lựa chọn nhận BHXH một lần.
Như vậy, có thể nói, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã làm tốt công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT với nhiều hình thức truyền thông, nội dung truyền thông đa dạng, phong phú. Qua đó, đã tạo được sự đồng thuận, ghi nhận đánh giá cao của người dân, doanh nghiệp về các chính sách BHXH, BHYT.
Ước đến ngày 24/8/2020 đã có gần 9.000 tin, bài, phóng sự, tọa đàm, chuyên trang, chuyên mục phản ánh về BHXH, BHYT, BHTN được các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương đăng tải; gần 220.000 cuộc gọi đến số hotline Hệ thống chăm sóc khách hàng của BHXH Việt Nam, qua đó đã kịp thời tư vấn, giải đáp thông tin, truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho hàng trăm người, góp phần tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí cho người dân, các phản ánh, kiến nghị được giải đáp kịp thời đã góp phần giảm bức xúc, khiếu kiện của người dân, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW...